Thursday, March 28, 2024

Tranh chấp nhà với mẹ và em trai

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]
Thưa cô Nguyệt Nga, tôi thật đau lòng khi phải đối đầu với chuyện tranh chấp nhà.

Thấy báo Người Việt đăng chuyện tranh chấp nhà giữa mẹ và con, tôi nghĩ, sao lại đến nông nỗi này trời! Vậy mà bây giờ chính bản thân tôi ở trong trường hợp đó, mới thấy tai họa chẳng chừa một ai.

Tôi có căn nhà, ở chung với mẹ và em trai, đến lúc tôi lấy chồng, vì chồng có nhà nên tôi để nhà lại cho mẹ và em ở. Mẹ và em ở đó đến gần 15 năm, chẳng ai nghĩ đến chuyện nhà này là của ai. Rồi thì em tôi lấy vợ, có con, vợ con nó cũng ở trong nhà của tôi. Rồi mẹ tôi đi nước ngoài, tôi cũng đi. Vợ chồng người em cũng vẫn ở đấy, và cũng chẳng ai nghĩ ngợi gì cả. Ai trong gia đình cũng biết đó là căn nhà của tôi, dù rằng hộ khẩu đã cắt tên tôi từ lâu. Gia đình vẫn êm thắm, ngay cả tôi cũng chưa một lần nào có ý muốn đòi lại nhà, hay tỏ ra quyền sở hữu nó.

Cho đến khi con tôi do làm ăn thua lỗ nên giờ đây không có chỗ nương náu. Vốn liếng, nhà cửa, trắng tay! Tôi quá xót xa, nên nghĩ đến căn nhà của mình. Tôi email cho người em trình bày hoàn cảnh của con trai mình và đề nghị cho con trai tôi về ở chung. Cho đến lúc nói với em trai mình, tôi cũng chưa hề tỏ quyền sở hữu căn nhà, tôi chỉ hỏi bình thường thôi.

Nhưng em tôi lồng lộn lên, trả lời “Chị bỏ đi nước ngoài, coi như nhà của nhà nước, giờ về đòi nhà sao được.” Tôi cầu cứu đến mẹ tôi, thì tôi không ngờ, mẹ tôi bênh con trai, và cũng nói một giọng như em tôi. Lời qua tiếng lại đôi bên, càng ngày càng tệ hại… Cho đến câu cuối cùng của mẹ tôi là “Tao phải bảo vệ con trai tao!” Tôi cũng không kém, trả lời lại “Con cũng phải bảo vệ con trai con!”

Vậy là tan hoang! Thật khủng khiếp, tôi nói xong mà ghê sợ miệng lưỡi của mình.

Đến nước này thì tôi thề nhất định sẽ lấy lại căn nhà cho con mình, nhưng chưa biết bằng cách nào. Tôi vẫn còn giấy tờ chủ quyền nhà và cả hộ khẩu cũ có tên tôi.

Minh Th.
– Ru – Tơ

Chị Minh Th. thân mến,

Câu chuyện chị kể hoàn cảnh đáng buồn về thái độ của mẹ và gia đình cậu em đối với chị làm tôi thật xót xa thương chị. Thông cảm, chia sẻ với chị trong sự rạn nứt này, mong chị và con trai còn ở lại Việt Nam bình tĩnh hơn để suy xét trước khi quyết tâm “thề lấy lại căn nhà cho con mình”. Gia đình tôi trước đây đã gặp chuyện đau lòng này. Bây giờ, sau nhiều năm nhìn lại, chúng tôi tạ ơn Đấng Bề Trên đã ban sự công bình cho chúng tôi.

Chúng ta ai cũng biết rằng, có một Đấng Bề Trên xét xử mọi việc. Chị đừng lo. Chúng tôi đã từng lao đao vì theo đuổi việc kiện thưa đối với tòa án Việt Nam và cũng thấm thía lắm nên có lời tha thiết nói với chị: Không nên nhờ đến luật pháp phân xử – bởi người xưa có câu “Vô phúc đáo tụng đình”. Con trai chị đã mất mát đến trắng tay, nay chị đừng đem cháu trong một nỗi “vô phúc” khác. Vì để theo vụ kiện đòi nhà này, chị và cả gia đình sẽ nhận chịu thêm mất mát tiền bạc, thì giờ, và công sức và tâm trí. Có thể kéo dài đến 10 năm, 20 năm… không có ngày chấm dứt. Sự bình an của Tấm Lòng, sự An Vui của gia đình mình rất quý giá không nên để mất mát về vật chất hành hại mình, mà cứ chấp nhận một cách bình thản. Hãy tin sự công bình cuối cùng của Trời. Tôi cũng tin rằng Trời cũng sẽ, hoặc Ngài đã ban thưởng lại cho tấm lòng rộng rãi, thương yêu mẹ và anh em mình của chị. Nếu chị thấy những lời của tôi – dù là người chưa quen biết, nhưng mong muốn chị và gia đình không phải đi lại “chặng đường đau khổ” của gia đình chúng tôi trước đây (chỉ vì thương mẹ và các em mình, như chị đã làm!)

Chị Minh Th. ơi, cứ để em chị tiếp tục ở trong căn nhà đó, cứ yêu thương chăm sóc mẹ của chị. Thương mẹ, không nhờ luật pháp Việt Nam chiến đấu với em mình. Bảo vệ con trai, đừng đẩy con vào vụ kiện không hồi kết thúc với nhiều nỗi tức tối, hao tốn tiền bạc và tâm trí.

Tôi tin chị là người rộng lượng và biết suy xét, bởi chị nói: “Vậy là tan hoang! Thật khủng khiếp, tôi nói xong còn ghê sợ miệng lưỡi của mình.”

Còn con, còn cháu mình, nhiều thế hệ tiếp nối sẽ nhìn vào câu chuyện và cách cư xử của chị ngày hôm nay mà suy nghĩ và sống.

Mong chị sớm tìm được sự bình an. Hãy quên căn nhà đó đi. Có nhiều điều quý giá hơn tài sản này rất nhiều.

– MỸ TRINH

Chị Minh T. thân mến,

Tôi muốn nói một lời an ủi chị và mong rằng sự việc này trong gia đình chị sẽ được giải quyết một cách ôn hòa, tốt đẹp hơn. Hãy ngồi lại với nhau: mẹ, chị, cậu em, con trai chị và những người đã từng sống trong căn nhà này, bình tĩnh nói chuyện để tìm một giải pháp tốt nhất.

Để rộng đường cho chị cân nhắc, tôi xin nói sơ qua các bước tranh tụng tại tòa án Việt Nam về căn nhà này: Coi lại giấy tờ về chủ quyền nhà của chị xem mức độ hợp pháp đến đâu, vì chính quyền Việt Nam đã đổi giấy chủ quyền nhiều lần. Nếu hiện nay chị đã có quốc tịch Mỹ thì chị phải về VN nộp đơn khởi kiện tại tòa án thành phố Sài Gòn (sẽ xử sơ thẩm, khác với người Việt mình trong nước, nếu kiện tụng, thì tòa quận, huyện xử.) Nộp đơn tại tòa, chị sẽ đóng số tiền án phí tính phần trăm trên giá trị căn nhà. Tiếp theo tòa sơ thẩm là tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm. Nếu chị thắng vụ kiện, còn phải qua bước “thi hành án”. Nếu gia đình cậu em không chịu dọn ra, cần phải “cưỡng chế” để giao trả căn nhà lại cho chị.

Chị Minh Th. ơi, nói thì nghe đơn giản vậy nhưng thật sự sẽ vô cùng mệt mỏi, hao tốn nặng nề cho gia đình chị. Nhìn lại những gì mình đang có và đã mất, tôi hy vọng rằng chị sớm tìm được sự thanh thản cho tâm hồn và sự bình yên của gia đình.
– NB

Đọc thư chị tôi hiểu được cảm giác cay đắng của chị trước sự đổ vỡ tình cảm gia đình mình, dù lòng chị không hề mong muốn điều đó xảy ra. Cuộc đời phức tạp như thế đó! Đôi khi vì quyền lợi cá nhân, vì đồng tiền, người ta dễ dàng bị mờ mắt quên đi sự thật phải trái.

Gia đình em trai chị đã hành động sai trái. Có lẽ vì họ đã dễ dàng ở căn nhà đó quá lâu, không có một sự tranh tụng nào, vô hình chung họ nghĩ căn nhà này đã thuộc về mình. Bây giờ người chủ sở hữu thật sự, là chị, lên tiếng họ đã nổi giận phản kháng lại. Chắc chắn là để giữ căn nhà cho mình, họ sẽ hành động tiêu cực dùng đủ mọi phương cách để có quyền sở hữu hợp pháp về căn nhà này (không chừng họ đã làm rồi vì họ đã ở đó quá lâu). Ngay cả đến mẹ của chị cũng làm sai khi muốn tranh giành bảo vệ quyền lợi cho con trai mình, dù bà dư hiểu căn nhà thuộc quyền sở hữu của chị.

Để đòi hỏi sự công bằng cho mình chị phải hành động ngay lập tức. Hãy thu xếp, tìm kiếm tất cả những giấy tờ, bằng chứng có liên quan đến mối liên hệ giữa chị với căn nhà. Như giấy chứng nhận chủ quyền, hộ khẩu, giấy tờ có liên quan đến việc cho ở nhờ, lý do tại sao chị không ở đó một thời gian dài, giấy ủy quyền người em chỉ quản lý nhà thôi không được mua bán sang nhượng hay cho thuê nếu không có sự đồng ý của chị,… Nói chung càng nhiều bằng chứng càng tốt, sẽ giúp cho việc kiện cáo, tranh chấp đạt được nhiều thuận lợi cho chị sau này.

Những gì liên quan đến luật pháp sẽ rất phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, cần nhiều kinh nghiệm chuyên môn, chị hoặc con trai chị hãy liên lạc với luật sư giỏi chuyên về lãnh vực này nhờ họ giúp ý kiến.

Dù biết rằng việc phải thưa kiện, tranh chấp với thân nhân ruột thịt là điều rất đau lòng, nhưng chị không còn con đường nào khác, mẹ và em trai chị không nhìn thấy cái sai của mình, họ cương quyết đối đầu với chị. Có lẽ đây sẽ là một bài học kinh nghiệm sống cho chị, những gì liên quan đến quyền lợi, tiền bạc phải luôn rõ ràng, rạch ròi, không để tình cảm lấn cấn xen vào sẽ gây nhức đầu sau này.

Chúc chị nhiều sức khỏe, bình tĩnh, sáng suốt, may mắn trong việc tranh chấp này.

NB
* Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi vào Mỹ được 2 năm theo diện hôn nhân.

Chân ước chân ráo mới qua, tôi cũng gặp rất nhiều điều cười ra nước mắt. Từ việc lúng túng gài seat belt, đến chuyện bổ nhào trong siêu thị vì không biết cửa tự động mở, đến chuyện ngạc nhiên khi thấy ai bên Mỹ cũng “hai” (hight – cao) cholesterol mà không thấy có người 1 hay 3… Bao nhiêu thứ lạ lẫm, nếu không có ông xã thì con mụ Tư Ếch này gây lắm tai họa.

Những chuyện như vậy có làm mình quê nhưng không đau. Những chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng mới làm tôi tủi hổ và buồn chán.

Chồng tôi qua Mỹ rất sớm, anh đi từ hồi 75, ảnh ở Mỹ có hột có hạt rồi nên đường đi nước bước, chuyện trong ngoài đối với ảnh như nằm trong lòng bàn tay. Còn tôi, chân ướt chân ráo mới qua, tiếng Mỹ u ơ không biết, đi đâu cũng ù ù cạt cạt, ngờ nghệch như mán như mường. Tôi không buồn tủi vì chuyện thua kém, ngờ nghệch của mình, vì mình là vợ thì thua chồng có sao đâu. Nhưng tôi cay đắng là cách đối xử của ảnh, những lời cay độc của ảnh nó khiến bao lần tôi muốn bỏ nhà mà đi rồi ra sao thì ra.

Ngày mới qua, việc đầu tiên là phải tập lái xe, để tiết kiệm tiền, chồng tôi dạy lái xe cho vợ. Theo lý luận của ảnh thì tôi nên tập lái xe số tay, vì khi lái được xe số tay thì sau này ngồi lên chiếc xe nào cũng có thể lái được hết. Ngày nào cũng hì hà hì hục tập lái, ảnh ngồi bên nhắc nhở tôi từng chặp. Qua một tháng tôi vẫn không lái được, cứ đến stop tôi sang số sao đó mà xe cà giựt, cà giựt, rồi không sao thắng được, nó cứ cán lằn ranh. Những lần như vậy, chồng tôi không ngại ngần phán ngay: “Em à! Em chưa lái rành, em đừng biểu diễn” Lạy Chúa! Tôi đâu có dám biểu diễn, tôi sợ gần chết, nỡ lòng nào chồng tôi cay đắng tôi như vậy! Vậy là nước mắt hai hàng, tôi tủi thân tủi phận, và cứ thế chồng tôi có cả một kho chữ để làm tôi đau.

Có hôm chồng chở đi, lúc về hình như ảnh sai đường, tôi nói thì ảnh phán “Em à! Anh ở đây từ 75, em mới qua, đừng chỉ đường cho anh”. Cái câu “em mới qua”, cái vẻ hãnh tiến ta đây qua từ 75, làm tôi ghét cay ghét đắng.

Mới đây, báo OC Register gửi một cái bill tính tiền về nhà. Tôi không biết tại sao, chỉ thấy mấy lâu nay, sáng nào cũng ra sân lượm tờ báo vào bỏ thùng rác, vì tôi đâu đọc được. Thế là chồng tôi quy cho tôi, tội là “thấy Mỹ nó gọi đến thì cúp phone đi, không hiểu tiếng Anh thì đừng có ra vẻ ta đây thông thái mà cứ say yes thì nó gửi bill đòi tiền báo chứ sao nữa.”

Tôi chán nản và thất vọng cùng cực. Cuộc sống vợ chồng càng ngày càng tối tăm. Càng ngày tôi càng thu vào vỏ ốc và sợ sệt mọi thứ. Nói gì ra cũng sợ mình sai, quê mùa, và ruộng lúa. Tôi luôn sống trong sự đề phòng, chuẩn bị để nghe những câu cay độc từ chồng. Có nhiều hôm ảnh tỏ ra âu yếm thương yêu, nó cũng làm tôi sợ hãi, không biết sau đó là cái gì đây!

Nghĩ đến những ngày còn ở Việt Nam, sao mà sung sướng bình an đến thế. Ngày nào tôi cũng nói chuyện với chồng chưa cưới, ảnh nói với tôi bao nhiêu lời ngọt ngào, dịu dàng, âu yếm. Chưa bao giờ ảnh làm tôi bị tổn thương, chứ nói chi đến chuyện coi thường và khinh rẻ. Gần đây tôi bị ám ảnh bởi ý định quay về Việt Nam, để được sống lại thời gian cũ. Thà lâu lâu ảnh về thăm còn hơn là ở bên nhau mà như địa ngục thế này!

Thắm

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Thăm thành phố biển Santa Barbara”

MỚI CẬP NHẬT