Wednesday, April 24, 2024

Về với mẹ

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Diễm Vy

Sáng nay đi làm, một ông Mỹ già làm cùng sở phàn nàn, “Cuối tuần rồi vợ chồng con cái thằng con trai của tôi ở tiểu bang khác mới về thăm tụi tôi. Chăm sóc tụi nó mệt quá đi! Sáng sớm bà xã tôi đã dậy lo cho tụi nó ăn uống. Bình thường hai vợ chồng già này chỉ có tô oatmeal và ly cà phê là xong. Có tụi nó, bả lui cui làm đủ thứ. Nào là bánh mì nướng kiểu Pháp, trứng chiên, thịt xông khói, xúc xích, trái cây, cam vắt… Ăn xong, tụi nó để lại cho vợ chồng già tôi một bãi chiến trường để thu dọn rồi kéo nhau đi Disneyland chơi, không quên dặn mẹ tụi nó nấu một món ăn chiều mà tụi nó thích để ăn bữa tối. Mấy ngày liền hầu tụi nó mệt quá!”

“Thì mai mốt ông biểu tụi nó đi ở khách sạn đi, về ở với ông chi cho phiền!” tôi vừa nói vừa cười cười dò xem phản ứng của ông ra sao.

“Í, đâu được nè! Nói vậy chứ vui lắm cô ơi! Hết ngày nghỉ tụi nó đi về rồi. Nhà cửa vắng vẻ quạnh hiu, nhớ lắm!” ông vừa nói vừa dõi mắt nhìn xa xăm. Trong đôi mắt già nua hình như có vương một màn sương mỏng!

Tình cha, tình mẹ. Kể sao cho hết!

Nhớ lắm!

Tôi có may mắn ở gần bố mẹ tôi nên về thăm bố mẹ rất thường. Mấy năm trước, hồi bố tôi còn sống, tôi còn đang đi làm part time chỉ có 4 tiếng một ngày nên hầu như trưa nào cũng về thăm và ăn cơm chung với bố mẹ. Ngày nào tôi không ghé là bố tôi lại gọi điện thoại kiếm, hỏi sao không về? Rồi lại dụ dỗ, “Bữa nay mẹ có kho cá nục, món con thích đó…” hay là “Bún vịt sáo măng, chỉ một không hai…” Có trưa, tôi nói, “Bữa nay con hẹn bạn đi ăn rồi, con không ghé đâu!” thì bố tôi cũng dặn, “mẹ để sẵn rồi. Thôi không ghé ăn cơm chung với bố mẹ cũng được, nhưng đi ăn với bạn xong thì ghé lấy một hộp, chiều về khỏi nấu cơm!”

Cha mẹ là vậy đó! Tôi biết không chỉ riêng bố mẹ tôi đâu, mà hình như cha mẹ nào cũng vậy. Đối với cha mẹ, con mình lúc nào cũng còn nhỏ xíu, dù cho nó đã có chồng, có con, dù cho đầu nó đã hai thứ tóc và sau đuôi mắt nó cũng đã có rất nhiều những vết chân chim…

Vào một cuối tuần được nghỉ lễ 3 ngày, cả gia đình tôi và gia đình cậu em trai đều ghi tên đi cắm trại với đoàn hướng đạo. Trước ngày đi trại, tôi bị cảm nên ở nhà, không đi nữa. Bố mẹ bèn bảo tôi đến ở với bố mẹ vào cuối tuần đó.

Sau khi ăn bữa cơm chiều với bố mẹ, bữa ăn mà mẹ đã lăng xăng làm những món tôi thích, tôi định rửa chén bát nhưng mẹ nhất định không cho. “Cứ ngồi yên đó, đang bệnh mà, để đó cho mẹ.” Dù tôi chỉ bị cảm xoàng, nhưng chốc chốc bố lại hỏi, “Uống thuốc chưa con?” rồi chính tay đi pha nước chanh cho tôi uống. Về nhà bố mẹ, tôi lại trở nên đứa con nít được cưng chìu, tha hồ nhõng nhẽo.

Mẹ ra vườn hái lá sả, lá chanh nấu một nồi lá xông cho tôi xông cho giải cảm. Lâu lắm rồi tôi mới được trùm mền ngồi xông. Chỉ vì tính tôi lười. Mỗi khi bệnh tôi chỉ nốc vài viên thuốc tây cho xong. Giờ được xông như hồi xưa còn ở Việt Nam, cái cảm giác mới khoan khoái, dễ chịu làm sao.

Tối hôm đó, trời se lạnh. Mẹ tôi nằm trên giường coi phim. Bố ngồi nơi chiếc ghế bành. Tôi chun vào giường nằm ôm mẹ. Tôi tưởng như tôi đã nhỏ lại, đã biến thành con bé con mới lên 5, 6 tuổi. Tôi không còn nhớ đã coi chung với bố mẹ phim gì, chỉ nhớ rằng mình rất sung sướng và hạnh phúc nằm quấn chăn ôm mẹ.

Đến tối, chính tay bố kéo chiếc giường xếp ra cho tôi ngủ ngoài phòng khách và dặn tôi bôi dầu, mang vớ vào chân cho ấm chân để dễ ngủ. Sáng hôm sau, khi tôi còn đang nằm nướng thì mẹ đã dậy, lui cui pha bột tráng bánh cuốn bằng chảo, làm cho tôi món điểm tâm mà tôi thích nhất.

Thời gian trôi qua, sóng sau dồn sóng trước. Giờ đây các con tôi cũng lớn khôn và sắp sửa như những con chim non rời tổ. Bạn bè tôi cũng lục tục thu xếp cho các con đi học xa nhà. Mua sắm, chuẩn bị đâu ra đó rồi mà bà mẹ nào cũng băn khoăn tự hỏi “không biết còn thiếu thứ gì không?” Rồi lại nhét thêm vào va-li của con ve dầu cù là, vỉ thuốc đau bụng. Tôi nghĩ rằng, nếu biến mình thành con kiến nhỏ được thì tôi cũng sẽ sẵn sàng biến ngay để chui vào chiếc va-li cho con mang theo.

Rồi khi con đi, cha mẹ sẽ tần ngần nhìn theo bóng con và lại dõi theo từng tờ lịch rơi xuống để mong đến ngày nghỉ, ngày lễ con sẽ về nhà thăm mình. Để cha mẹ lại được lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ như ngày con còn thơ bé.

Nguyện cầu rằng trên đời, những đứa con phương xa hãy nhớ về với mẹ. (Diễm Vy)

MỚI CẬP NHẬT