Friday, March 29, 2024

Xin cảm thông cho bác sĩ

BS Hồ Ngọc Minh

LTSBác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Có ai đó từng so sánh người bác sĩ như một người lính ở tuyến đầu chống lại các thứ bệnh tật. Cho dù ấy chỉ là một điều ví von bóng bẩy, nhưng cũng có chút ít sự thật trong đó. Người bác sĩ không khác gì một chiến sĩ xông pha vào trận mạc, và cũng không khác gì một người lính, cũng có thể bị thương tích, nhất là tổn thương về mặt tinh thần và mất “nhuệ khí” chiến đấu.

Mất nhuệ khí chiến đấu có thể vì tổn thương về niềm tin và lý tưởng nhưng cũng có thể chỉ vì bị áp lực khi đi qua nhiều chiến cuộc. Đối với người bác sĩ, cũng như mọi người, tình trạng gọi là “quá sức,” tức là “burn out” trong công việc. Dù là mất niềm tin hay bị quá sức, những vết thương tâm thần đó khó lành và có khi dẫn đến những hậu quả không tốt cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Hiện tượng “burn out” bao gồm những triệu chứng như mệt mỏi, cay đắng, làm giảm hiệu năng làm việc. Hơn nửa số bác sĩ, không ít thì nhiều, từng trải qua những dấu hiệu của tình trạng cháy bóng, một điều không thể tránh khỏi sau những năm tháng huấn luyện dài đăng đẳng và những ngày làm việc bận rộn. Nhưng sự cháy bỏng còn do những áp lực từ hệ thống y tế hiện nay, khi mà quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân bị áp đặt bởi những luật lệ không khác gì một xí nghiệp sản xuất dây chuyền.

Mất nhuệ khí chiến đấu trong y tế không phải nặng nề do lương tâm bị dày vò như khi phải giết kẻ thù hay bị kẻ thù giết trong trận chiến, nhưng ở đây, bác sĩ không thể cung cấp cho bệnh nhân những gì tốt đẹp nhất do dự hạn chế của hệ thống y tế và các hãng bảo hiểm.

Đa số y sĩ chọn y khoa là nghiệp chứ không phải là nghề, đi theo tiếng gọi con tim là phải làm một điều gì tốt đẹp để phục vụ con người. Tại sao phải hy sinh bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ phí những năm tháng của tuổi trẻ, quên luôn cả sức khỏe của chính bản thân mình? Thêm vào đó, hạnh phúc gia đình và bất ổn định về tài chánh trong khi đi học và nhiều chuyện phiền hà khác là những thử thách phải đương đầu.

Một người bác sĩ với lương tâm người thầy thuốc chân chính sẽ không khỏi bị tổn thương về tinh thần khi mà kết quả xảy ra không theo ý muốn khi chữa trị bệnh nhân. Đó chính là mấu chốt của hiện tượng mất nhuệ khí chiến đấu.

Trong thời đại hiện nay, hệ thống y tế được thúc đẩy theo chiều hướng lợi nhuận của các công ty lớn mà người y sĩ bị mắc kẹt trong hệ thống dây chuyền, chẳng qua chỉ là những bánh xe hay con ốc trong guồng máy y tế.

Người y sĩ ngày nay dễ bị xung khắc giữa những động lực về tài chánh lợi nhuận đến từ bệnh viện, hãng bảo hiểm và bệnh nhân. Thêm vào đó, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (Electronic medical records, EMR) làm rối rắm và chia trí cho việc chữa trị bệnh nhân. Bác sĩ tốn nhiều thời giờ để ghi hồ sơ bệnh vào máy tính, làm đứt đoạn sự chuyên tâm vào chuyện chữa trị bệnh. Ngoài ra, hiệu năng của người bác sĩ được đánh giá trên số lượng bệnh nhân được khám với những con số thống kê, thay vì là kết quả của việc chữa trị. Chưa kể đến những đe dọa bị kiện cáo, hay bị cho điểm xấu từ những kẻ vô danh trên mạng Internet.

Những phê bình đánh giá trên các trang Yelp không khác gì thực đơn của một nhà hàng mà chủ phải chiều bệnh nhân. Một món ăn khác mới một tính mạng của người bệnh nhân, nhưng đối với công nghệ ngày nay, cả hai không khác nhau mấy. Cũng vì muốn được điểm phê bình tốt, có khi bác sĩ chiều bệnh nhân như chiều một người thực khách thay vì nghiêm túc chữa trị căn bệnh.

Người ta thường nghĩ rằng các bác sĩ thông minh, cứng rắn và đầy nghị lực có thể vượt qua mọi tình huống khó khăn. Thật ra không phải như vậy. Bác sĩ chỉ là một con người như mọi người. Rất nhiều bác sĩ bị trầm cảm vì không có lối thoát ra khỏi sự tuyệt vọng. Một thống kê cho biết con số bác sĩ tự tử còn nhiều hơn là lính Mỹ chết trận hằng năm ở Mỹ.

Vấn đề cạn kiệt về tinh thần và mất nhuệ khí là chuyện có thật trong giới y khoa. Nên cảm thông và trả lại sự tôn trọng cần phải có cho các bác sĩ, thay vì xem họ như một nhân viên phục vụ, một cuộc trao đổi thương mại, “tiền trao, cháo múc,” hay “Tôi trả tiền là tôi được phục vụ.” Trên cả tiền bạc vật chất là tình người, là sự vị tha của lương tâm người thầy thuốc và bệnh nhân.

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT