Thursday, March 28, 2024

Ấn Ðộ khôi phục đại học Nalanda của thế kỷ thứ năm


NEW DELHI, Ấn Ðộ (NV)Hồi mới 11 tuổi, ông Amartya Sen có ước vọng làm giáo sư và được cha dẫn đến thăm khu di tích đổ nát của trường đại học Nalanda, nơi được miêu tả là trường cổ nhất Ấn Ðộ, một nơi còn lưu lại nhiều truyền thuyết lịch sử.

Ðược thành lập vào thế kỷ thứ năm, Nalanda vào lúc cao điểm tửng thu hút 10,000 sinh viên từ khắp Á Châu đến học về Phật pháp, luật học, văn chương và triết.

Di tích đại học Nalanda, Ấn Ðộ. (Hình: AFP/Getty Images)

Nalanda được xem là trung tâm học thuật cao cấp nhất thế giới, vào thời mà Âu Châu chưa phát triển hệ thống các trường đại học.

Ông Sen nay là kinh tế gia đại học Harvard và cũng là khôi nguyên giải Nobel.

Ông góp phần trong nỗ lực quyên góp cho việc xây dựng ngôi trường mới, mang cùng tên và nằm không xa địa điểm gốc tại tỉnh Bihar, ở hướng Ðông Bắc Ấn Ðộ.

Nalanda University sẽ đào tạo sinh viên ở cấp hậu đại học, tuy có nhận trợ cấp từ chính phủ, nhưng không bị luật lệ của tiểu bang lẫn quốc gia chi phối, khiến hoạt động của trường được linh động hơn.

Năm 2006, tổng thống thời đó, ông Abdul Kalam, là người từng đầu tiên đề nghị làm sống lại ngôi trường. Từ đó dự án này không ngừng được sự ủng hộ của quốc tế.

Ngoài ông Sen, thành viên ban quản trị trường còn có những người từ các trường đại học hàng đầu ở Anh, Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ và Thái Lan.

Năm 2010, Quốc Hội Ấn Ðộ thông qua dự luật cho phép phát triển ngôi trường với đề nghị đóng góp $330 triệu của chính phủ.

Chính quyền các nước khác gồm Trung Quốc và Úc, mỗi nước hứa tặng $1 triệu; trong khi Singapore hứa tặng $7 triệu để mở một thư viện.

Nalanda dự trù mở cửa vào Tháng Chín, với chừng 40 sinh viên nghiên cứu sử và môi trường học.

Trường cũng dự trù cho ghi danh thêm 4,000 sinh viên vào chương trình nghiên cứu Phật học, triết học, ngôn ngữ, văn chương, bang giao quốc tế, khoa học thông tin và kỹ thuật, kinh tế và quản trị. (TP)

MỚI CẬP NHẬT