Thursday, March 28, 2024

Chính trị Malaysia chia rẽ về vụ máy bay mất tích

KUALA LUMPUR (AP)Vụ máy bay mất tích đem lại tinh thần thân thiện đoàn kết tốt đẹp hơn trong các cộng đồng dân tộc Malaysia, nhưng lại làm gay gắt thêm những tranh chấp chính trị sâu sắc ở quốc gia này.









Buổi lể  liên tôn cầu nguyện cho chuyến bay MH 370 ở Kuala Lumpur hôm Thứ Ba. (Hình: AP/Joshua Paul)


Tối Thứ Ba, đông đảo dân chúng tập trung trong sân một thương xá ở Kuala Lumpur tham dự một buổi lễ liên tôn giáo cầu nguyện cho những nạn nhân trên chuyến bay MH 370.


Đứng cùng các giới lãnh đạo Hồi Giáo, một mục sư đọc Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, tiếp theo  một nhà sư Phật Giáo tụng  kinh, sau đó hai tu sĩ Ấn Giáo  và Lão Giáo đọc lời cầu nguyện. Đây là một cuộc lễ chưa từng thấy ở Malaysia, đất nước nhiều dân tộc và tinh thần kỳ thị tôn giáo rất mạnh mẽ.


Dân Mã Lai chiếm khoảng 60% dân số Malaysia và gần như hoàn toàn theo đạo Hồi. Người Hoa 21% theo đạo Phật, Công Giáo và Lão Giáo. 7% dân Ấn và Sikhs theo Ấn Giáo hay Thiên Chúa Giáo.


Ngược lại  trong giới chính trị, hai phía  tranh cãi căng thẳng hơn trong chuyện máy bay mất tích. Phe đối lập mạnh mẽ công kích chính quyền về những phương cách hành xử trong vụ khủng hoảng này. Điều ấy không khó vì dư luận truyền thông quốc tế đã đưa ra rất nhiều lập luận và lời chỉ trích như thế.


Còn trong phía thân chính quyền, một số người vin vào trường hợp phi công trưởng của chuyến bay MH 370 là người ủng hộ thủ lãnh đối lập Anwar để cáo buộc rằng có thể có một âm mưu gì đó của các giới này. Tuy nhiên không một bộ trưởng nào trong chính phủ nói về liên hệ ấy.


Khi một phóng viên trong cuộc họp báo hôm Thứ Ba  đặt câu hỏi với bộ trưởng quốc phòng kiêm quyền bộ trưởng giao thông vận tải Hishammuddin Hussein là Anwar có bị thẩm vấn không, ông trả lời: “Chúng tôi chưa biết vì đó là việc của nhân viên điều tra. Từ ngày đầu tiên của thảm kịch này cho đến bây giờ, mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm và cứu nạn. Vấn đề vượt lên trên chính trị”.


Hishammuddin là em họ của Thủ Tướng Najib Razak thuộc đảng đã liên tục nắm giữ quyền lực từ nửa thế kỷ. Còn Anwar đã từng bị tù 6 năm với tội danh tham nhũng và hối lộ. Anwar cũng là chú của con dâu phi công trưởng Zaharie Ahmad Shah.


Hôm Thứ Ba, Anwar lên tiếng bênh vực Zaharie, tố cáo chính phủ cùng truyền thông do chính quyền chi phối đã đánh lạc hướng dư luận, vu cáo Zaharie khi chưa có bằng cớ nào cụ thể và trong lúc còn bất lực chưa tìm hiểu được sự thật.  (HC)

MỚI CẬP NHẬT