Friday, March 29, 2024

Crimea và nước Nga


Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)



Bất chấp dự phản đối mạnh mẽ của Tây Phương cùng cộng đồng quốc tế, cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ Nhật, 16 Tháng Ba năm 2014 được tổ chức tại Crimea với kết quả tuyệt đại đa số cử tri đồng ý để nước cộng hòa tự trị này hoàn toàn độc lập và sẽ xin sáp nhập trở lại vào Liên Bang Nga, sau 70 năm là một phần lãnh thổ của Ukraine.


Sau khi có kết quả 96.8% cử tri tán thành, Quốc Hội Crimea hôm Thứ Hai tuyên bố lãnh thổ này là một quốc gia hoàn toàn độc lập, tất cả mọi tài nguyên quốc gia của Ukraine ở Crimea sẽ được quốc hữu hóa và thuộc về nước Cộng Hòa Crimea.










Những người Cossack, nhóm dân thiểu số sống rải rác ờ vùng Đông Nam Nga,  dựng cờ Nga và cờ Crimea (phải) hôm Thứ Hai trên nóc tòa thị sảnh Bakhchysarai, một trong 25 tỉnh của Crimea nằm về phía Tây Nam bán đảo. (Hình: Dan Kitwood/Getty Images)


Cuộc trưng cầu dân ý không được Tây Phương công nhận và Hoa Kỳ cùng các quốc gia Liên Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Nga về việc từ nhiều tuần lễ đã đưa quân tới Crimea.


Nhưng các nhà lập pháp Crimea cho biết sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác công nhận, đồng thời cử một phái đoàn đến Moscow thương lượng về những thủ tục cần thực hiện. Quốc Hội Nga đã xác định rằng việc chấp nhận để Crimea gia nhập Liên Bang Nga trở lại chỉ là vấn đề thời gian.


Cũng trong ngày Thứ Hai, Tổng Thống Vladimir Putin chính thức công nhận Crimea là một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Chỉ ít giờ trước đó Hoa Kỳ và Âu loan báo ban hành biện pháp trừng phạt: phong tỏa tài sản, cấm các giới chức Nga và Crimea có liên quan với vụ khủng hoảng.


Tổng Thống Obama trong cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng Thống Putin, lần thứ ba trong vòng một tuần lễ, đã cam kết là nếu Nga không thay đổi đường lối ở Ukraine thì sẽ có thêm những biện pháp khác. Tuy nhiên, qua cuộc hội đàm, ông Putin vẫn khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý là hợp pháp, phù hợp với luật lệ quốc tế và Liên Hiệp Quốc.


Nga đã không tỏ ra dấu hiệu do dự nào trong cuộc đối đầu với Ukraine kể từ khi quân Nga chiếm lãnh kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crimea và bảo trợ cuộc trưng cầu dân ý. Quân Nga từ căn cứ Hải Quân Sevastopol, cũng như một số quân mới đưa tới Crimea, không mang phù hiệu và được giải thích là “dân quân của Crimea,” chiếm giữ bảo vệ an ninh tất cả các cơ sở trọng yếu. Quân đội Ukraine bị bao vây trong các căn cứ quân sự và được lệnh phải rút trở về Ukraine tuần này, hoặc rời bỏ quân ngũ, nhập quốc tịch Nga, nếu không quân Nga sẽ có hành động cần thiết.


Những biện pháp mà Hoa Kỳ phối hợp với Liên Âu để trừng phạt Nga được xem là khắt khe nhất kể từ thời Chiến Tranh Lạnh. Nhưng hầu hết các phân tích gia đều tin rằng sẽ chưa đủ hiệu quả để Nga phải từ bỏ chính sách của họ ở khu vực này.


Ðây là vấn đề lợi ích và an ninh của quốc gia họ. Crimea ở vị trí chiến lược vô cùng trọng yếu với Nga, trấn giữ cửa ngõ ra vùng biển Hắc Hải. Sevastopol là căn cứ hải quân của hạm đội Nga từ hơn 200 năm và trong 20 năm gần đây khi Crimea là một nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine, Nga đã phải thương lượng thuê lại căn cứ này để sử dụng ít nhất tới 2044.


Crimea trở thành một phần của lãnh thổ Nga từ thế kỷ thứ 18 sau những cuộc xung đột tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài hàng trăm năm và trấn áp những thế lực của các nhóm dân thiểu số khác trên bán đảo. Năm 1954, Tổng Bí Thư Liên Xô Nikita Kruschev giao Crimea cho Ukraine. Việc làm này không có nhiều ý nghĩa thực tế vào thời kỳ ấy, vì ngay Ukraine cũng chỉ là một nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết dưới sự lãnh đạo của điện Kremlin. Nhưng năm 1991 khi Liên Xô tan rã và Ukraine trở thành quốc gia độc lập, sau nhiều cuộc thương lượng giữa Ukraine và Nga, Crimea tiếp tục là phần đất thuộc Ukraine với quy chế tự trị.


Dân gốc Ukraine ở Crimea chỉ có khoảng 20% trong khi dân Nga vẫn chiếm đa số, gần 60%, và chắc chắn ủng hộ việc trở về với Nga hơn là thuộc Ukraine. Cơ hội đến ở một thời điểm có thể không phải là do dự tính của chính họ mà là từ cuộc khủng hoàng chính trị xảy ra ở Kiev, thủ đô Ukraine. Cuộc biểu tình chống tổng thống thân Nga ở Ukraine đưa đến bạo loạn và Tổng Thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Sự can thiệp quân sự của Nga ở Crimea dù không là hợp lý với lời giải thích bảo vệ dân Nga ở đây, nhưng thực tế đã dễ dàng không tốn một viên đạn vì dân chúng Crimea đại đa số ủng hộ sự trở lại với nước Nga.


Mặt khác, vận mệnh chính trị của Tổng Thống Putin tùy thuộc một phần nơi chính sách của ông đối với Crimea. Không giống như các nước Cộng Hòa Ðông Âu và Trung Á khác, tâm lý người dân Nga ủng hộ việc đưa Crimea trở về với đất nước Nga. Ðường lối cai trị độc đoán của ông Putin bị các phe phái đối lập chống đối, nhưng lậạp trường cương quyết ở Crimea được sự tán thành của dân chúng Nga. Vì vậy ông Putin không do dự, và không thể do dự trong vấn đề Crimea, nếu muốn củng cố được vị trí lãnh đạo điện Kremlin. Các quan sát viên cho rằng Tây Phương rất khó có một áp lực gì đủ mạnh, đồng thời đem đến cho ông Putin một điều kiện thuận lợi nào hứa hẹn nhiều triển vọng, để ông ta thấy nên thay đổi chính sách.


Tổng Thống Obama cũng ở trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp không kém về vấn đề Crimea. Ông đã từng khẳng định đứng bên Ukraine, từng phê phán hành động Nga đem quân can thiệp vào một nước khác như đã làm trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đã nói rằng thế giới ngày nay không còn ở thời đại mà các quốc gia sửa đổi đường biên giới, và đã cảnh cáo nếu cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, Nga sẽ phải chịu hậu quả. Nhưng những hậu quả gây cho Nga mà Hoa Kỳ có thể làm chỉ có giới hạn, và ngược lại Hoa Kỳ chắc chắn cũng phải chịu phản tác động. Tuy nhiên Tổng Thống Obama phải nhìn nhận rằng trong tình thế đối đầu gay go này, Tây Phương không thể lùi vì sẽ dẫn đến những hậu quả trầm trọng hơn.


Theo lời tổng thống trong buổi họp báo tại tòa Bạch Ốc loan báo những biện pháp trừng phạt Nga, Phó Tổng Thống Joe Biden sẽ qua Âu Châu, có thể ngay buổi chiều Thứ Hai, để tái bảo đảm với các nhà lãnh đạo quốc gia Ðông Âu rằng Hoa Kỳ giữ đúng cam kết với họ. Ðích thân Tổng Thống Obama dự tính đến Âu Châu tuần tới, và Ngoại Trưởng John Kerry cũng sẽ đi trong vài ngày nữa. Tổng Thống Obama tuyên bố: “Chúng tôi minh định với Nga rằng những hành động khiêu khích thêm nữa sẽ không đem đến gì khác hơn là sự cô lập nước Nga. Cộng cộng đồng quốc tế đoàn kết chống sự vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukrine sẽ dẫn tới cô lập ngoại giao và tổn hại kinh tế nặng nề cho nước Nga.”


Theo nhận định của nhiều quan sát viên, trong thế đối đầu bế tắc giữa Ðông và Tây hiện nay, một trong những khả năng có thể đem đến khai thông có lẽ là thời gian: Nga có thể chưa chấp nhận sáp nhập Crimea ngay lúc này, và đó là cửa ngõ để còn có thể thương lượng nếu Nga nhận ra rằng họ nên tìm cách tránh bớt tổn hại.


Crimea là nơi đã diễn ra hội nghị Yalta năm 1944, phác họa sự phân chia thế giới giữa 3 cường quốc Mỹ-Anh-Liên xô và tạo thành đầu mối của Chiến Tranh Lạnh những năm sau đó. Liệu Crimea có thể lại là khởi đầu của Chiến Tranh Lạnh thứ nhì hay không? Vấn đề này sẽ được đề cập trong một bài tiếp sau.

MỚI CẬP NHẬT