Friday, April 19, 2024

Ðại Hội Ðồng LHQ đòi tổng thống Syria từ chức



LIÊN HIỆP QUỐC (AP) –
Hôm Thứ Năm, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu với con số áp đảo thông qua nghị quyết kêu gọi Tổng Thống Bashar Assad của Syria từ chức và chỉ trích vi phạm nhân quyền do chế độ của ông gây ra. Nghị quyết được Liên Ðoàn Ả Rập ủng hộ.





Ðại sứ Syria, ông Bashar Ja’afari (trên màn hình TV) nói chuyện trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Năm. (Hình: AP Photo/The United Nations, Devra Berkowitz)




Trong số 193 quốc gia thành viên, có 137 nước bỏ phiếu thuận, 12 nước bỏ phiếu chống và 17 nước không bỏ phiếu. Một số quốc gia phàn nàn ngay sau cuộc bỏ phiếu là máy bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc có vấn đề.




Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội Ðồng Bảo An, bỏ phiếu chống nghị quyết của Ðại Hội Ðồng. Các quốc gia khác bỏ phiếu chống còn có Bắc Hàn, Iran, Venezuela, Cuba và một số quốc gia khác bị Syria ảnh hưởng.




Các quốc gia ủng hộ nghị quyết hy vọng số phiếu thuận cao sẽ chuyển một thông điệp mạnh mẽ cho Tổng Thống Assad, yêu cầu ông chuyển giao quyền hành cho phó tổng thống của ông và ngưng ngay cuộc đàn áp giết hơn 5,400 thường dân.




Nghị quyết này được hơn 70 quốc gia bảo trợ và được sự ủng hộ của hơn 2/3 Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc.




“Hôm nay, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc gởi một thông điệp rõ ràng cho người dân Syria: thế giới đứng về phía quý vị,” bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói trong một thông báo. “Chưa bao giời Tổng Thống Assad bị cô lập như hiện nay. Một cuộc chuyển giao quyền hành một cách dân chủ tại Syria ngày càng được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Thay đổi đang đến.”




Ông Abdallah Y. Al-Mouallimi, đại sứ của Saudi Arabia, gọi đây là “chiến thắng cho người dân Syria,” Liên Hiệp Quốc và Liên Ðoàn Ả Rập.




Trong cuộc bỏ phiếu tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, không quốc gia nào có quyền phủ quyết. Tuy nhiên, nghị quyết này lại không mang tính bắt buộc như nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An, bao gồm 15 quốc gia thành viên.




Tuy vậy, cuộc bỏ phiếu tại Ðại Hội Ðồng cũng phản ánh ý định của thế giới trong một số vấn đề cấp bách.




Hồi tuần trước, Nga và Trung Quốc, hai trong năm thành viên thường trực Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và có quyền phủ quyết, đã bỏ phiếu chống một nghị quyết tương tự do 15 quốc gia đưa ra. (Ð.D.)


MỚI CẬP NHẬT