Tuesday, April 16, 2024

Dân Myanmar đón chào bà Suu Kyi vận động tranh cử

 


DAWEI, Myanmar (AP)Rừng người dân Myanmar với cờ, biểu ngữ, vòng hoa, sắp hàng dài nhiều cây số hai bên đường, leo lên mái nhà, ngồi trên cả các nhánh cây hôm Chủ Nhật để hân hoan chào đón đoàn xe của nhân vật lãnh đạo phía đối lập Aung San Suu Kyi khi bà khởi sự chuyến đi thăm dân và vận động tranh cử của mình.








Hàng ngàn người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi (trên xe) túa ra đường hoan nghênh bà đi tranh cử tại Dawei, một thành phố vùng quê miền Nam Myanmar. (Hình: AP Photo/Khin Maung Win)


Nhiều người Myanmar đã khóc khi nhìn thấy người phụ nữ 66 tuổi này, biểu tượng cho sự kiên trì, bất khuất trước cường quyền, đi ngang qua. Trong chuyến đi đầu tiên có mục tiêu chính trị khỏi thành phố Yangon của bà Aung San Suu Kyi kể từ ngày đảng do bà lãnh đạo ghi danh tham dự bầu cử, bà cũng sẽ vận động cử tri để dành một ghế trong Quốc Hội.


“Chúng ta sẽ đem dân chủ đến cho đất nước,” bà Suu Kyi nói qua loa phóng thanh trong tiếng hò reo vang dội của dân chúng, từ trên ban công của văn phòng đại diện đảng Liên Ðoàn Quốc Gia Dân Chủ (NLD) ở thành phố ven biển Dawei.


“Chúng ta sẽ đem đến luật pháp… và chúng ta sẽ tìm cách hủy bỏ luật lệ có tính cách đàn áp.”


Trong sự hoan nghênh nồng nhiệt của đám đông, bà nói tiếp: “Chúng ta có thể vượt qua mọi trở lực với tinh thần đoàn kết và bền gan, dù cho có khó khăn đến đâu.”


Cuộc vận động của bà Suu Kyi và cuộc bầu cử Quốc Hội bổ túc dự trù diễn ra ngày 1 Tháng Tư tới đây, đang được cộng đồng quốc tế theo dõi rất sát, coi đây là một thử thách quan trọng để chứng tỏ rằng chính quyền Myanmar hiện nay, với đa số nhân sự xuất thân từ thành phần quân đội, có thực sự muốn cải cách hay không.


Sự kiện bà Suu Kyi được tự do phát biểu ở Dawei và những người hậu thuẫn được phép ào ạt kéo ra đường để đón chào bà mà không sợ bị trừng phạt, tự nó đã là những bằng chứng về sự tiến triển. Ðây là những điều khó có thể tưởng tượng sẽ xảy ra chỉ một năm trước đây.


Chuyến viếng thăm của bà Suu Kyi cũng giống như việc đánh thức dậy con rồng, theo nhà tranh đấu môi sinh Aung Zaw Hein.


“Người dân từ trước đến nay vẫn sợ không dám nói tới chuyện chính trị,” ông nói. “Nay với cuộc viếng thăm của bà Suu Kyi, tinh thần chính trị của người dân lại được khơi động.”


Nhìn về đám đông khổng lồ, ông Hein nói thêm: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của người dân như hôm nay. Lần đầu tiên, tôi thấy có sự hy vọng trong ánh mắt của họ.” (V.Giang)


 

MỚI CẬP NHẬT