Thursday, March 28, 2024

Dân chúng Iran đi bầu nghị viện


TEHRAN, Iran (AFP) –
Truyền thông Iran loan tin, dân chúng cả nước ùn ùn đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử nghị viện vào hôm Thứ Sáu và miêu tả đây là “một cái tát” đánh thẳng vào mặt các nước Tây phương.









Người dân Iran xếp hàng tại phòng phiếu ở Tehran, trong cuộc bầu cử nghị viện vào ngày Thứ Sáu, 2 Tháng Ba, 2012. (Hình: AP/Vahid Salemi)


Cuộc bầu cử nghị viện Majlis gồm 290 ghế, được tổ chức lần đầu tiên từ khi ông Ahmadinejad lấy lại được ghế tổng thống trong cuộc bỏ phiếu năm 2009, vốn từng gây nhiều tranh cãi và phe đối lập cho là gian lận.


Trong khi lần bầu cử trước gây nhiều cuộc phản kháng và bị lực lượng an ninh đàn áp tàn nhẫn, thì lần này, theo cảnh sát Iran, hoàn toàn không có vụ lộn xộn nào. Không những thế, chính quyền phải cho kéo dài thêm giờ bỏ phiếu vì số người đi bầu quá đông, và cuối cùng thì các phòng phiếu đóng cửa lúc 11 giờ đêm.


Nhà cầm quyền Iran muốn trưng ra hình ảnh đông đảo người đi bầu để cho thấy họ là hợp pháp và được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, đặc biệt vào lúc họ đang đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh ở Âu Châu về chương trình nguyên tử của mình.


Hơn 3,400 ứng cử viên được chính quyền cho phép ra tranh cử, hầu hết đều thuộc phe bảo thủ, trong khi nhiều nhóm đối lập tẩy chay cuộc bầu cử và lãnh tụ của họ bị quản thúc tại gia.


Nhiều sinh viên ủng hộ phe cải cách trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 nói rằng, họ không thiết tha gì với cuộc bầu cử “lừa phỉnh” này. Reyhane, 25 tuổi, ngồi trong một quán cà phê với bạn bè, nói: “Kết quả cuộc bầu cử đã được định trước. Dù tôi có đi bầu hay không cũng chẳng có gì thay đổi. Chúng tôi quá biết từ cuộc bầu cử trước, họ đã cướp đi lá phiếu của chúng tôi.”


Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch gọi cuộc bầu cử này là “hoàn toàn không công bằng,” và qua một văn bản có đoạn nói: “Chính quyền Iran loại đi nhiều ứng cử viên, còn các nhân vật quan trọng trong phong trào cải cách thì bị bắt giam.”


Hầu hết cử tri được phỏng vấn đều nói, vấn đề ưu tư chính của họ là sự khó khăn mà đất nước phải trực diện là nền kinh tế của Iran, với lạm phát cao và nạn thất nghiệp, cũng như việc Tây Phương đang cấm vận vì tham vọng nguyên tử của Tehran.


Vahid Lavasani, một chủ tiệm tạp hóa 34 tuổi nói: “Tôi muốn nghị viện Majlis giải quyết được vấn nạn kinh tế và cải thiện bang giao với Tây phương. Tôi cũng muốn nghị viện kềm Tổng Thống Ahmadinejad lại, có thế đất nước mới được đoàn kết.” (TP)

MỚI CẬP NHẬT