Thursday, March 28, 2024

Giang Trạch Dân: ‘Big boss’ thật sự của Bắc Kinh?

 


Hà Tường Cát/Người Việt


 


BẮC KINH – Trong việc chuyển giao quyền lực diễn ra ở Trung Quốc, có một kiện đáng chú ý: sự hiện diện của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), và qua đó cho thấy vai trò quan trọng của ông trong toàn bộ quá trình này.









Giang Trạch Dân, giữa Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào (trái) và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (phải) trên bàn chủ tọa Ðại hội XVIII đảng Cộng Sản Trung Quốc. (Hình: Feng Li/Getty Images)


Giang Trạch Dân là tổng bí thư đảng cộng sản và chủ tịch nhà nước Trung Quốc từ 1989 đến 2002. Hiện nay 86 tuổi và hồi năm ngoái có lúc tưởng rằng ông sắp chết khi nằm trên giường bệnh, nhưng bất ngờ gần đây người ta lại thấy ông xuất hiện nhiều lần trước công chúng. Cuối cùng những lời đồn đại và dự đoán về ý định trở lại can thiệp vào việc chính trị của ông được xác nhận khi ông luôn hiện diện trên bàn chủ tọa ở Ðại hội lần thứ 18 đảng Cộng Sản Trung Quốc từ ngày 9 tháng 11.


Ngày 14 tháng 11, Ðại hội XVIII bế mạc sau khi đã bầu Ban Chấp Hành Trung Ương gồm 205 thành viên. Hôm sau Ban Chấp Hành Trung Ương khóa XVIII, trong phiên họp kín lần thứ nhất, đã bầu ra Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng. Tổng Bí Thư Tập Cận Bình (Xi Jinping) và 6 thành viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị ra mắt báo chí tại Ðại sảnh đường Nhân dân như chương trình đã định.


Nhìn trên những diễn tiến như thế, có thể cho rằng việc chuyển giao quyền lực lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn êm ả đúng như người ta đã đoán. Tập Cận Bình là lãnh đạo đảng và sẽ nhận thêm chức vụ chủ tịch nhà nước do Hồ Cẩm Ðào trao lại vào đầu năm tới, Lý Khắc Cường (Li Keqiang) sẽ là thủ tướng thay thế Ôn Gia Bảo.


Sự đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng, vụ tai tiếng Bạc Hi Lai, ngôi sao đang lên bị loại trước đây, có vẻ chỉ là những suy đoán diễn giải của những quan sát viên luôn mang nhiều hoài nghi. Và như thế, vấn đề cải cách, chủ trương diệt trừ tham nhũng, đơn giản hóa bộ máy hành chánh quan liêu, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao sinh hoạt cho dân chúng và ổn định trật tự xã hội,… như lời cam kết và hứa hẹn của Tập Cận Bình sẽ tuần tự đạt tới với ban lãnh đạo mới.


Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Rất ít ai tin là đảng và ban lãnh đạo có ý chí và quyết tâm thật sự cải cách dù rằng đó là nhu cầu tối thiết. Từ bỏ sự nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế không phải là điều dễ dàng với một đảng đã hơn nửa thế kỷ chiếm vị trí độc tôn tại đất nước đông dân nhất, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ nhì thế giới và theo Standard Chartered Bank tới năm 2020 sẽ vượt hơn Hoa Kỳ.


Các giới am hiểu chính trị Trung Quốc đều đồng ý rằng đảng cộng sản phải vất vả và khó khăn lắm mới tổ chức được kỳ đại hội này và họp đại hội xong chưa phải là hết, cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài. Theo họ chính vì những bất đồng gay gắt trong nội bộ đó, dù lãnh đạo nào lên cũng khó có thể giải quyết được việc gì. Con số ủy viên Thường Vụ Bộ Chính Trị rút từ 9 xuống còn 7 là nhằm để dễ đưa ra quyết định hơn.


Sự can dự của Giang Trạch Dân trong Ðại hội XVIII có nhiều ý nghĩa. Năm năm trước, có những nguồn tin cho biết Hồ Cẩm Ðào tìm cách vận động cho Lý Khắc Cường làm người thay thế mình nhưng không thành. Giang Trạch Dân chính là người đỡ đầu cho Tập Cận Bình để dần dần đưa Tập lên tới vị trí tối cao. Trong số 7 thành viên ban thường vụ lần này ít nhất 4 người là thân cận của Giang.


Hai nhân vật khác coi như có khuynh hướng cải cách và theo Hồ Cẩm Ðào, đã không vào được ban Thường Vụ Bộ Chính Trị. Ðó là Uông Dương, bí thư tỉnh ủy Quảng Ðông và Lý Nguyên Triều, trưởng ban Tổ Chức Trung Ương khóa trước, Quan trọng hơn hết là đồng thời với việc lên tổng bí thư, Tập Cận Bình cũng được bầu làm chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, một chức vị rất quan trọng mà khi Hồ Cẩm Ðào thay thế vai trò lãnh đạo của Giang Trạch Dân năm 2002, Giang còn lưu giữ chức vụ này tới hai năm sau mới trao lại cho Hồ. Sự can thiệp của Giang Trạch Dân như vậy rõ ràng có ý nghĩa củng cố ngay quyền lực đầy đủ cho Tập Cận Bình.


Ông bố của Tập Cận Bình là một lãnh tụ thời cách mạng với Mao Trạch Ðông và tuy đã có thời gian bị thanh trừng nhưng Tập rõ ràng thuộc tầng lớp “quyền quý.” Chỉ có ông và Lý Khắc Cường sẽ còn trong giới hạn tuổi để lưu lại trong Ban Thường Vụ sau năm 2017, năm người kia đều quá tuổi và sẽ phải nghỉ hưu. Sự chuyển đổi quyền lực sẽ diễn ra một lần nữa, tuy nhiên có thể vào thời điểm ấy Tập Cận Bình đã đủ giữ vững vai trò lãnh đạo.


Như vậy hai thế hệ lãnh đạo tại Trung Quốc từ 2002 đều đã do Giang Trạch Dân dàn dựng. Nếu với Hồ Cẩm Ðào người ta ít thấy có được những cải cách rất căn bản thì với Tập Cận Bình điều ấy có thể xảy đến hay không? Trung Quốc có tiến tới một xã hội cởi mở hơn, công bình hơn và thị trường nội địa 1.3 tỷ dân sẽ có sức tiêu thụ cân bằng được với tăng trưởng kinh tế trong hoàn cảnh xuất cảng giảm dần do tình hình chung của kinh tế toàn cầu hay không? Ðó là những nghi vấn đặt ra với ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc trong tương lai. (HC)

MỚI CẬP NHẬT