Thursday, March 28, 2024

Hồ sơ Panama: Nhiều người Trung Quốc trốn thuế ở ngoại quốc

PANAMA CITY, Panama (NV)Gần một phần ba kinh doanh của tổ hợp luật, tâm điểm của vụ hồ sơ Panama đến từ các văn phòng của họ đặt tại Hồng Kông và Trung Quốc, theo AFP.

   Chủ Tịch Tập Cận Bình bắt tay bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ Tướng Lý
Bằng, tổng giám đốc công ty điện lực Trung Quốc. (Hình: AP/Alexander F
Yuan)

Hơn 16,300 công ty bình phong thuộc tổ hợp luật Mossack Fonseca ở Panama, kết hợp chặt chẽ với các văn phòng của họ ở Hồng Kông và Trung Quốc, chiếm 29% tổng số chi nhánh mà Fonseca thành lập trên khắp thế giới.

Theo đài RFI, Hồng Kông, nhờ hệ thống luật lệ thoáng hơn rất nhiều so với Trung Quốc, đã trở thành trục trung tâm của việc tẩu tán tiền bạc dưới nhiều hình thức khác nhau.

Do kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, người giàu nay chuyển hướng đầu tư ra ngoại quốc.

Thị trường địa ốc Trung Quốc suy sụp, cộng thêm với chiến dịch chống tham nhũng, khiến giới giàu có lo ngại cho vốn liếng, tài sản của họ trong nước, nên tìm cách chuyển tiền của ra nước ngoài.

Theo giới phân tích, một trong những thủ thuật được sử dụng là giả mạo hóa đơn, hạ thấp giá trị hàng xuất khẩu, nâng giá hàng nhập qua ngả Hồng Kông. Phần chênh lệch thu được sẽ được chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài.

Ông Andrew Collier, chuyên gia phân tích tại Hồng Kông, giải thích: “Rất nhiều người cho rằng tại Hồng Kông có cả một hệ thống làm hóa đơn giả cho các mặt hàng được giao dịch giữa Trung Quốc và Hồng Kông, và Hồng Kông được sử dụng như là nơi trung chuyển để tuồn tiền bạc ra ngoại quốc.”

Ông David Webb, cựu nhân viên ngân hàng, hiện đấu tranh đòi minh bạch hóa các hoạt động tài chánh, nói rằng, thị trường chứng khoán Hồng Kông không hoàn toàn minh bạch vì chính quyền đặc khu này không muốn mất khách hàng Trung Quốc.

Ông Webb nói: “Họ đã áp dụng một chính sách ‘không hỏi gì, không nói gì’ vì biết tệ nạn tham nhũng tại Trung Quốc rất nặng nề,” sợ rằng truy hỏi quá “sẽ ảnh hưởng đến khối lượng kinh doanh của thị trường chứng khoán.”

Cũng theo AFP, điều tra cho thấy, thân nhân của ít nhất tám thành viên cũ cũng như đương thời của Bộ Chính Trị Trung Quốc, từng sử dụng đến các công ty bình phong ở ngoại quốc để giấu nguồn tiền.

Những phương tiện này tự nó không bất hợp pháp và có thể được dùng cho những nhu cầu kinh doanh hợp pháp.

Tuy nhiên, do thường thấy trong các vụ tham nhũng khi chúng được sử dụng để chuyển những nguồn thu nhập bất chính ra ngoại quốc.

Nạn tham nhũng lan tràn ở khắp Trung Quốc, quốc gia mà tổ chức Minh Bạch Quốc Tế xếp hạng 83 trong tổng số 168 nước tham nhũng trên thế giới.

RFI trích dẫn nguồn tin báo New York Times nói rằng, ba trong bảy ủy viên thường trực Bộ Chính Trị Trung Quốc đương nhiệm bị liên lụy, vì thân nhân của họ có tên trong danh sách đen.

Ba nhân vật đầy uy quyền trong hàng ngũ đảng Cộng Sản Trung Quốc gồm Chủ Tịch Tập Cận Bình, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Lưu Vân Sơn, Phó Thủ Tướng Trương Cao Lệ cũng bị dính trong vụ này.

Bản thân Phó Thủ Tướng Trương Cao Lệ là con rể cố Chủ Tịch Đặng Tiểu Bình.

Con rể ông Trương Cao Lệ trực tiếp nắm giữ ba công ty bình phong hoạt động tại quần đảo British Virgin Island, nơi được mệnh danh là thiên đường trốn thuế.

Liên quan đến ông Lưu Vân Sơn, nhân vật đứng thứ 5 trong ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, con dâu của ông làm chủ và điều hành một công ty Trung Quốc cũng trên quần đảo này.

Ông Đặng Gia Quý, anh rể ông Tập Cận Bình, là một trong những thân chủ của tổ hợp luật sư Panama, Mossak Fonseca.

Theo điều tra năm 2009, khi ông Tập Cận Bình còn là ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, ông Đặng Gia Quý là cổ đông duy nhất của hai công ty đặt ở British Virgin Island.

Mối liên hệ này được Bloomberg phát hiện từ năm 2012, và phơi bày ra ánh sáng vài tháng trước khi ông Tập lên lãnh đạo đất nước và phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô lớn.

Ngoài ra, một số cựu lãnh đạo Trung Quốc cũng đang bị tai tiếng. Trong số này phải kể đến  cựu Phó Chủ Tịch Tăng Khánh Hồng, người tại chức từ 2002 đến 2007, mà anh trai ông có tên trong danh sách đen.

Nhiều nhân vật khác cũng có lập công ty bình phong ở hải ngoại, gồm con trai cố Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang, cháu gái của cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Giả Khánh Lâm.

Bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ Tướng Lý Bằng, người được mệnh danh là “đồ tể của Thiên An Môn,” là tổng giám đốc công ty điện lực Trung Quốc, China Power International Development Ltd.

Bà Lâm cùng chồng lập hãng Cofic Investment năm 1994.

Theo lời luật sư đại diện cho bà Lý Tiểu Lâm, công ty của bà đứng ra làm môi giới cho các dịch vụ chuyển trang thiết bị công nghiệp của Châu Âu sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, 1/3 các công ty bình phong sử dụng dịch vụ của Mossak Fonseca là các tập đoàn Trung Quốc và trong số các chủ nhân của những công ty này, thường xuất hiện những tên tuổi là con cháu hay thành viên gia đình của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Nhật báo Pháp Liberation viết, kiểm duyệt được Bắc Kinh tăng cường trong những năm gần đây, nhưng càng khắc nghiệt hơn từ khi xảy ra vụ hồ sơ Panama.

Các nhà báo Trung Quốc hôm Thứ Hai nhận được chỉ thị, nội dung có đoạn viết: “Tìm kiếm và xóa hết tất cả những thông tin về ‘Panama Papers.’ Không được nêu ra bất kỳ chủ đề nào liên quan, và không có ngoại lệ. Nếu tìm thấy trên mạng một nội dung từ báo nước ngoài tấn công Trung Quốc, thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc.”

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đây không phải là chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên Giáo Lưu Vân Sơn, mà là của chính ông Tập Cận Bình. (TP)

MỚI CẬP NHẬT