Thursday, April 18, 2024

Iran ‘thử lửa’ các nước Tây phương

 


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)


 


Hôm Thứ Hai, 2 Tháng Giêng, Iran phóng thử nghiệm một hỏa tiễn Qader, loại hỏa tiễn bình phi tấn công các mục tiêu trên đất hay trên biển.


  







Hình do thông tấn xã ISNA nhà nước Iran phổ biến hôm 2 Tháng Giêng cho thấy một hỏa tiễn địa-hải Qader, phóng đi từ bờ biển vịnh Oman trong cuộc tập trận hải quân. (Hình: AP/ISNA, Amir Kholousi)


Trong khuôn khổ cuộc diễn tập hải quân kéo dài 10 ngày từ cuối năm 2011, Iran đã phóng nhiều hỏa tiễn kể cả loại hỏa tiễn phá sóng radar nhưng không có hỏa tiễn đạn đạo tầm xa.


Các nước Tây phương vẫn tiếp tục đương đầu với Iran về chương trình phát triển nguyên tử và tìm cách gia tăng những biện pháp cấm vận. Ngược lại Iran đưa ra lời đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz, con đường huyết mạch đưa dầu thô xuất cảng từ Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh. Trong tình hình căng thẳng này, việc phóng hỏa tiễn và tập trận hải quân của Iran được coi là một thử thách quyết tâm của các nước Tây phương, còn riêng về mặt quân sự là một sự biểu dương lực lượng trực tiếp đối đầu với Hoa Kỳ và Israel.


Phóng sự trên truyền hình nhà nước Iran cho thấy hỏa tiễn Qader, mà họ gọi là đường dài, bắn trúng mục tiêu giả định ngoài biển trong cuộc thử nghiệm hôm Thứ Hai. Tuy nhiên theo giới chuyên gia quân sự Tây phương, Qader với tầm xa khoảng 200 km chỉ được coi là loại hỏa tiễn bình phi (cruise missile) tầm trung.


Khác với các hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn bình phi là một loại bom bay có hệ thống điều khiển tự động, đi đến mục tiêu bay bằng sức đẩy của một động cơ phản lực giống như máy bay. Với vận tốc trung bình chỉ trên dưới tốc độ âm thanh, loại hỏa tiễn này khó có thể tấn công hiệu quả vào một hải đội hàng không mẫu hạm có nhiều chiến hạm hộ tống trang bị hỏa tiễn phòng không. Như thế các hỏa tiễn của Iran chưa phải là khó khăn lớn cho hạm đội 5 Hoa Kỳ, đặt căn cứ tại Bahrain trong Vịnh Ba Tư, và Hoa Kỳ đã cảnh cáo Iran về việc đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz.


Một số nhà lập pháp Iran công khai tuyên bố cuộc thao diễn hải quân 10 ngày bắt đầu hôm 24 Tháng Mười Hai, 2011, sự diễn tập cho việc đóng eo biển Hormuz, hải lộ có khoảng 1/3 dầu thô xuất cảng trên thế giới đi ngang. Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, chỗ hẹp nhất chỉ có bốn dặm bề ngang, tàu dầu từ các nước sản xuất vùng Vịnh phải qua đây ra Ấn Ðộ Dương, mỗi ngày trung bình có khoảng 12 đến 15 tàu dầu hạng lớn chở trên 100,000 tấn hầu hết đi đến Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật.


Các giới chức quân sự Iran phủ nhận là eo biển sắp bị phong tỏa.


Tuy nhiên Ðô Ðốc Habibollah Sayyari, tư lệnh Hải Quân Iran, nói rằng cuộc thao diễn “đã đưa một tín hiệu không thể lầm lẫn cho các nước phương Tây về điều gì sẽ xảy ra nếu Iran bị trói tay”. Theo lời ông: “Chúng tôi tổ chức cuộc diễn tập nhằm duy trì an ninh ổn định ở khu vực, đồng thời để tất cả mọi người nhận thức được khả năng cũng như sức mạnh răn đe của nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran trong sự bảo vệ lãnh hải trên biển và eo Hormuz”. Ông nói thêm là quân lực và Vệ Binh Cách Mạng Iran “sẽ không để cho các kẻ thù xâm phạm đến quyền lợi của đất nước,” mặc dầu không nêu tên nhưng mọi người đều hiểu các nước bị Iran coi như thù địch là Hoa Kỳ, các quốc gia Âu Châu và Israel.


Iran có quân số 545,000 hiện dịch, đứng hàng thứ tám trên thế giới, và 650,000 trừ bị. Ngoài ra lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo có khoảng 120,000 quân gồm bốn binh chủng hải quân, không quân, lục quân và lực lượng đặc biệt Quds. Lực lượng này còn phụ trách 12.6 triệu dân binh nam nữ tình nguyện chia thành 2,500 tiểu đoàn trong đó 3 triệu người có khả năng chiến đấu (theo số liệu của chính quyền Iran).


Trước cuộc Cách Mạng Hồi Giáo năm 1979, chính quyền của quốc vương Mohammad Reza Pahlavi được sự trợ giúp quân sự của Hoa Kỳ và mua nhiều loại vũ khí hiện đại bao gồm máy bay chiến đấu F-5 Freedom Fighter, F-4 Phantom và F-14 Tomcat. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Iran nhận được thêm một số máy bay từ Iraq đào thoát.


Kỹ nghệ quốc phòng Iran phát triển từ thập niên 1970 thời Shah Pahlavi, hiện nay đã có thể sản xuất nhiều loại vũ khí và xuất cảng. Theo tài liệu chính thức của Iran, năm 2003, quốc gia này xuất cảng $100 triệu vũ khí và trang bị quân sự, tới 2006 đã bán cho 57 nước trên thế giới. Từ 2007, thế giới nghi ngờ Iran có chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử.


Iran tự chế tạo được máy bay chiến đấu, trực thăng hoặc theo kiểu mẫu của Hoa Kỳ, Nga và cải tiến những máy bay cũ đã có. Hải quân Iran có tiềm thủy đĩnh và nhiều loại chiến hạm nổi từ khu trục hạm, hộ tống hạm đến các khinh tốc đỉnh phóng hỏa tiễn. Trong những năm gần đây, Iran phát triển được nhiều loại hỏa tiễn gồm cả các hỏa tiễn Shahab tầm trung bắn xa từ 1,000 đến 3,000 km và có thể mang đầu đạn nhắm tới nhiều mục tiêu, được coi như mối đe dọa cho Israel và Âu Châu.


Liên Hiệp Quốc từ trước đến nay đã bốn lần đưa ra biện pháp cấm vận Iran, nhưng điều mà quốc gia Hồi Giáo này lo sợ nhất là sự trừng phạt đối với ngân hàng trung ương của họ và biện pháp cấm vận xuất cảng dầu khí, nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho nền kinh tế.


Hồi cuối năm ngoái, trong thời gian còn đang nghỉ lễ ở Hawaii, Tổng Thống Barack Obama đã ký đạo luật cho phép cấm vận các ngân hàng Iran, một bước gây khó khăn cho nước đứng hàng thứ tư trên thế giới về xuất cảng dầu khí. Biện pháp này trước đây đã là một đề tài tranh cãi tại Quốc Hội Hoa Kỳ, nhiều thượng nghị sĩ và dân biểu ủng hộ, nhưng cũng rất nhiều người lo ngại là hậu quả sẽ làm giá dầu trên thế giới lên cao, phương hại đến nền kinh tế toàn cầu, và sự đối đầu tới đó có thể đưa đến chiến tranh.


Cũng vào những ngày cuối năm, Iran loan báo đã thành công trong việc chế tạo và thử nghiệm thanh nhiên liệu nguyên tử đầu tiên, đồng thời đưa tín hiệu sẵn sàng thảo luận với quốc tế về chương trình nguyên tử của họ.


Nhiều quan sát viên tin rằng Iran biểu dương lực lượng quân sự cũng như dùng khả năng phát triển nguyên tử nhằm răn đe Liên Âu đừng gia tăng cấm vận dầu lửa và thương vụ với ngân hàng trung ương Iran.


Thị trường tiền tệ Iran đã dao động sau khi có tin Tổng Thống Obama ban hành biện pháp cấm các cơ quan tài chính Hoa Kỳ giao dịch với hầu hết trong số 28 ngân hàng Iran. Ðồng real của Iran mất giá khoảng 11% so với đồng đô la hôm Thứ Hai, sau khi đã mất giá 37% qua suốt năm ngoái.


Anoush Ehsteshami, giáo sư khoa học chính trị Durham University ở Anh, nhận định: “Những hành động khiêu khích của Iran nhằm trắc nghiệm quyết tâm gia tăng trừng phạt kinh tế của Tây phương.” Gần 40% dầu xuất cảng của Iran đi đến thị trường Âu Châu và do đó, theo lời giáo sư Ehsteshami, “không dễ tìm nguồn sản xuất và cung cấp khác”.


Musaib Al Nuami, chủ bút tờ Al Wefaq ở Iran, giải thích với tờ Gulf News ở Dubai rằng: “Iran sẽ không hành động trước mà chỉ muốn chứng tỏ là sẵn sàng đối phó nếu bị tấn công.”


Và như là để gia tăng đe dọa, hôm Thứ Ba, Tướng Atollah Salehi, tư lệnh quân đội Iran, nói rằng Hoa Kỳ đã cho một hàng không mẫu hạm rời khỏi Vịnh Ba Tư vì Iran tập trận hải quân, nếu mẫu hạm này quay trở lại, Iran sẽ có thái độ. Ông nói: “Tôi khuyến cáo, đề nghị và cảnh cáo sự trở lại của mẫu hạm này và chúng tôi không quen cảnh cáo nhiều hơn một lần.”


Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Stennis đang được biệt phái cho Hạm Ðội 5 Hải Quân Hoa Kỳ đặt căn cứ ở Bahrain, đối diện với Iran qua Vịnh Ba Tư. Trung Tá Bill Speaks, phát ngôn viên Hải Quân Mỹ, tuyên bố: “Sự triển khai lực lượng quân sự Hoa Kỳ trong vùng Vịnh sẽ tiếp tục như từ nhiều thập kỷ qua.”


Ông nói thêm: “Hải Quân Hoa Kỳ hoạt động theo công ước quốc tế về hải dương và duy trì cảnh giác cao để bảo đảm sự liên tục, an toàn giao thông hàng hải trên những thủy lộ thiết yếu của thương mại toàn cầu.”


Với những sự kiện như vừa nêu, thật ra chúng ta chưa thể dự đoán vụ khủng hoảng Iran sẽ đi tới đâu. Có thể là Iran rút kinh nghiệm từ Bắc Hàn trong chính sách ngang ngạnh khiêu khích, nhưng chưa có hành động gây hấn quá giới hạn, vẫn đạt được hiệu quả. Thêm nữa, Iran có lợi thế hơn hẳn Bắc Hàn vì có tài nguyên dầu khí, và Iran từ trước đến bây giờ vẫn là một đối tượng khó khăn nhất trong sự đối phó của thế giới, cả về ngoại giao, chính trị cũng như kinh tế.


Gần đây Iran đã tìm cách chuyển những quan hệ kinh tế về phía các nước Á Châu bao gồm Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn. Trong năm 2010, Trung Quốc là đối tác mậu dịch lớn nhất của Iran và 11% dầu lửa tiêu thụ tại Trung Quốc nhập cảng từ Iran. Ðồng thời hai nước cũng ký kết nhiều hợp đồng về ngân hàng, đầu tư và xây dựng. Trừng phạt kinh tế Iran tác động đến Âu Châu, các nước Á Châu và kinh tế toàn cầu. Bình thường ở vào năm bầu cử, Washington rất khó có thể có những biện pháp đối ngoại quyết liệt và ảnh hưởng đến tình trạng quốc nội Hoa Kỳ. Biện pháp quân sự cũng khó có hiệu quả và đưa tới nhiều phản ứng bất lợi, nhất là sau kinh nghiệm Afghanistan và Iraq. Chỉ có Israel là sẵn sàng, và mong muốn tham chiến, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, Israel không dám và không thể có hành động đơn phương khi Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu chưa bật đèn xanh.


Tuy vậy, nếu như Iran tiếp tục leo thang gây hấn, chẳng hạn ngăn cản đường biển qua eo Hormuz, lúc đó, Hoa Kỳ có thể lâm vào hoàn cảnh bắt buộc phải hành động, và một cuộc xung đột có giới hạn về thời gian cũng như tầm mức kiểu oanh kích bằng không quân và hải quân nhắm vào một số mục tiêu ở Iran có thể xảy ra. Tình hình căng thẳng cho đến nay vẫn còn ở mức lời lẽ đe dọa qua lại, còn kéo dài hay đột ngột chuyển biến, là tùy thuộc ở Iran hơn là do Tây phương. (H.C.)

MỚI CẬP NHẬT