Friday, March 29, 2024

Khôi nguyên Nobel bỏ tranh cử tổng thống Ai Cập


Chỉ trích bầu cử thiếu dân chủ

 

CAIRO, Ai Cập (AP) – Lãnh tụ phái cải cách Ai Cập Mohamed ElBaradei rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống Ai Cập hôm Thứ Bảy, khi cho rằng không thể có bầu cử công bằng ngày nào còn giới quân nhân cầm quyền.


Lãnh tụ phái cải cách Ai Cập vừa là khôi nguyên giải Nobel, Mohamed ElBaradei, nói với AP tại nhà riêng ở Giza, nằm bên ngoài thủ đô Cairo, rằng ông rút lui cuộc tranh cử tổng thống để phản đối sự cai trị của giới quân sự. (Hình: AP/Bernat Armangue)

Trong khi nhiều người e ngại các tướng lãnh cầm quyền sẽ đưa người của họ vào nắm quyền cai trị đất nước.

Sự rút lui của khôi nguyên giải Nobel là một cái tát vào mặt giới quân sự, đồng thời làm mất niềm tin về kế hoạch chuyển giao quyền lực ở Ai Cập của họ. Ông ElBaradei được xem như là ứng viên ủng hộ cách mạng mạnh mẽ nhất và cũng là nhà tranh đấu đắc lực cho sự thay đổi hoàn toàn chế độ độc tài vốn cai trị đất nước trong một thời gian quá lâu. Do vậy, sự tham gia của ông tạo được một mức độ chính đáng cho tiến trình bầu cử do quân đội điều khiển.

Trong bản văn công bố hôm Thứ Bảy, ông ElBaradei khẳng định ông không thấy cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tháng 6 sẽ thực sự chấm dứt vai trò cai trị của quân đội, ông còn phê bình gay gắt rằng quân đội đã hành xử như thể chế độ của ông Mubarak chưa hề sụp đổ bao giờ.

Ông nói: “Tôi đã nói ngay từ đầu, lương tâm tôi sẽ không cho phép tôi ra tranh cử tổng thống hay bất kỳ một chức vụ chính quyền nào khác, ngoại trừ có sự tổ chức dân chủ thực sự.”

Phát biểu qua đoạn video được công bố vào hôm Thứ Bảy, ông ElBaradei phát biểu: “Ðể có sự thay đổi toàn diện, chúng ta phải làm việc từ ngoài hệ thống.” Ông nói ông sẽ làm việc để thống nhất các tổ chức những người trẻ tuổi, phục hồi lại mục tiêu của cuộc cách mạng, hướng đến công bằng xã hội, tự do và phát triển kinh tế.”

Ông ElBaradei, 69 tuổi, từng được giải Nobel qua sự làm việc của ông với tính cách điều hành cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc.

Ông đóng vai trò quan trọng ở hậu trường trong việc liên kết mạng lưới các nhà tranh đấu trẻ, vốn khai mào cuộc nổi dậy kéo dài 18 ngày khiến ông Mubarak bị lật đổ. Sau đó ông là người mạnh miệng chỉ trích lối hành xử của quân đội trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Nhưng ông chống lại áp lực ép ông đứng lên lãnh đạo phong trào, điều mà một số người cảm thấy cần có một nhân vật để tạo sự thống nhất và dẫn đạo. Sự miễn cưỡng của ông gây khó chịu đối với một số nhà tranh đấu.

Nhiều người Ai Cập trong giới dân chúng xem ông như người muốn đứng vòng ngoài hoặc là bất quyết, hay quá tỏ ra “người ngoài” vì ông đã sống ở hải ngoại hằng mấy thập niên. (T.P.)

MỚI CẬP NHẬT