Tuesday, April 16, 2024

Liên Âu sẽ cấm vận dầu lửa Iran


BRUSSELS (AP) –
Tiếp tục áp lực Iran về chương trình nguyên tử, các nước thành viên Liên Âu (EU) hôm Thứ Tư đã thỏa tuận nguyên tắc về việc cấm nhập cảng dầu lửa Iran.










Một giàn khoan dầu của Iran ngoài khơi vịnh Persic. (Hình: Atta kenare/AFP/Getty Images)


Quyết định chính thức dự tính sẽ được loan báo trong hội nghị các bộ trưởng ngoại giao họp vào cuối tháng này. Hoa Kỳ hoan nghênh động thái này trong khi Iran bác bỏ mối đe dọa và tiếp tục phủ nhận cáo buộc của Tây phương về chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của họ.


Nữ Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Victoria Nuland tuyên bố: “Ðây là những bước mà chúng tôi muốn thấy không chỉ ở những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ mà còn ở tất cả mọi quốc gia khác trên thế giới”. Cuối tuần trước Tổng Thống Obama đã ký đạo luật cấm các công ty giao dịch với ngân hàng trung ương Iran tham gia hoạt động trong hệ thống tài chánh Hoa Kỳ.


Dầu thô và vàng lên giá trong khi thị trường lo ngại về tình thế sẽ khó khăn. Giá vàng hôm Thứ Tư lên $6.90 tới $1,610.38 một troy-ounce. Dầu Brent lên $1.50 một thùng tới $108.79.


Julin Jessop, trưởng ban kinh tế quốc tế của Capital Economics tuy nhiên vẫn tin rằng trong năm 2012 dầu sẽ xuống giá. Ông nói: “Trước kia chúng ta đã dự đoán là dầu thô có thể lên tới $210 một thùng nếu eo biển Hormuz bị đóng. Tuy nhiên, chúng tôi không tin phía nào muốn tình thế đi đến chỗ vượt mức kiểm soát. Trong khi đó điều đáng lo ngại nhất là tình hình khủng hoảng tài chính ở khu vực đồng Euro tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Do đó chúng tôi dự đoán tới cuối năm một thùng dầu Brent sẽ xuống chỉ còn khoảng $85”.


Iran đứng hàng thứ 5 trong số các nước xuất cảng dầu lửa trên thế giới, phần lớn bán qua Á Châu: Trung Quốc 18%, Ấn Ðộ 17%, Nhật 15%, Nam Hàn 13%, Liên Âu chỉ khoảng 17%. Nếu Âu Châu cấm vận nhập cảng dầu Iran, kinh tế các nước Á Châu sẽ hưởng lợi vì giá rẻ trong khi Âu Châu phải tìm nguồn cung cấp khác. Nhưng Iran cũng thiệt hại lớn vì dầu lửa là nguồn thu nhập chính của quốc gia Hồi Giáo này, trong khi đóng cửa eo biển Hormuz thì sẽ là khó khăn cho toàn thế giới. Những hậu quả tương tác này khiến cho Iran không thể hành động vượt quá mức để Tây phương và các quốc gia khác lâm vào tình thế bắt buộc phải có phản ứng. (H.C.)

MỚI CẬP NHẬT