Thursday, April 18, 2024

Mối bất an cho thế giới: Chương trình nguyên tử Iran

 


Hà Tường Cát/Người Việt


 


Chế độ cầm quyền ở Iran vừa một lần nữa tỏ ra bất chấp dư luận quốc tế và thách thức những áp lực ngày càng gia tăng nhằm buộc họ phải ngưng chương trình phát triển vũ khí nguyên tử.


Trong một buổi lễ được quảng bá rộng rãi qua phóng sự truyền hình hôm Thứ Tư, Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad đích thân đưa một thanh nhiên liệu nguyên tử vào lò phản ứng hạt nhân ở Tehran. Theo giải thích, thanh nhiên liệu này đã do Iran hoàn toàn tự chế tạo và lò phản ứng hạt nhân là một lò sử dụng vào mục tiêu nghiên cứu. Cho đến bây giờ Iran vẫn luôn luôn khẳng định chương trình nguyên tử lực của họ hoàn toàn nhằm mục tiêu hòa bình trong khi thế giới vẫn tin rằng ý đồ chính là phát triển vũ khí.


Theo lời giải thích, thanh nhiên liệu đưa vào lò đã được tinh chế tới 20%. Loan báo này có ý nghĩa quan trọng trong ý đồ che giấu sự thật, vì để có thể sử dụng vào mục tiêu quân sự, uranium phải được tinh chế tới 90% mới có thể làm vũ khí nguyên tử. Nhưng một chuyên viên nguyên tử nêu lên nghi vấn khác là liệu Iran có khả năng chế tạo những thanh nhiên liệu phù hợp cho lò nguyên tử như vậy hay không và đã thử nghiệm để bảo đảm an toàn chưa.


Iran cũng tuyên bố họ đã có những máy ly tâm thế hệ mới đủ khả năng làm giầu quặng uranium hiệu quả và nhanh chóng hơn tại trung tâm nguyên tử Natanz. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ coi đây là một lời tuyên truyền có phần huênh hoang phóng đại, nhưng thể hiện ra thực tế là Iran quyết tâm xúc tiến chương trình nguyên tử của họ dù phải chịu áp lực quốc tế nào.


Mặt khác để giải tỏa bớt những áp lực ấy, một lần nữa Iran lại đề nghị tái tục đàm phán. Tháng 1 năm 2011, Iran đã đề nghị đàm phán nhưng chẳng bao lâu sau đó những cuộc thảo luận đi đến bế tắc vì Iran chỉ đồng ý thương thuyết nếu bãi bỏ tất cả mọi biện pháp cấm vận.


 


Ðàm phán với phương Tây


 


Hôm 16 tháng 2, chính quyền Iran gởi văn thư đến bà Catherine Ashton, trưởng Ban Ðối Ngoại Liên Âu (EU), đề nghị tái tục cuộc đàm phán đã ngưng trệ từ năm ngoái và cho biết Tehran có thể đưa ra “những sáng kiến mới.” Trong bản văn thư vắn tắt gởi đến bà Ashton, Iran chưa nói gì cụ thể về cái gọi là những sáng kiến mới này. Bà Ashton giữ vai trò tiếp xúc với Iran trong tư cách là đại diện của nhóm “P5+1” bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ðức (nước duy nhất trong nhóm không có vũ khí nguyên tử).


Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Trưởng Ban Ðối Ngoại EU Catherine Ashton hoan nghênh đề xuất này, nói là văn thư “tỏ ra có sự hiểu biết và chấp nhận yêu cầu từ lâu của Tây phương rằng mọi cuộc nói chuyện đều bắt đầu từ vấn đề nguyên tử và cần đạt tới thỏa thuận là Iran phải tuân thủ những nghĩa vụ quốc tế.” Cho đến nay Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã lần lượt ban hành nhiều biện pháp cấm vận kinh tế Iran, đồng thời Hoa Kỳ và EU cũng đơn phương đưa ra những biện pháp trừng phạt khác.


Sau cuộc họp giữa hai người, bà Clinton và bà Ashton nói với các phóng viên: “Chúng tôi tin rằng đây là một bước tiến quan trọng và chúng tôi tán thành văn thư của Iran.” Bà Clinton cho biết các cường quốc hãy còn cứu xét sự phúc đáp chính thức đối với đề nghị của Iran.


Trong tình thế hiện nay, Hoa Kỳ chắc chắn không chịu vướng vào những cuộc thảo luận kéo dài để cho Iran mua thời gian hoàn thành kế hoạch phát triển nguyên tử. Một cách cụ thể, Hoa Kỳ muốn đi đến kết quả Iran ngừng chương trình làm giầu quặng uranium của họ trước khi Israel có thể viện lý do tự vệ để thi hành những biện pháp quân sự đưa đến chiến tranh.


Chương trình nguyên tử của Iran là một trong những vấn đề dễ đưa đến biến chuyển đột ngột ở Trung Ðông vốn là một khu vực bất ổn định nhất trên thế giới. Giới lãnh đạo Iran nói là chương trình nguyên tử nhắm mục tiêu chính là sản xuất điện và như vậy hầu hết dầu khí của họ có thể để xuất cảng. Trong khi đó các giới chức Hoa Kỳ và Âu Châu đều tin rằng Tehran có kế hoạch phát triển vũ khí nguyên tử.


Tháng 11 năm 2011, cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) tìm thấy nhiều bằng cớ đủ để chứng tỏ rằng quả thật “Iran có những hành động liên quan đến việc chế tạo vũ khí nguyên tử và tiến trình này vẫn đang tiếp tục.”


 


Tham vọng nguyên tử nhiều thập niên


 


Chương trình nguyên tử của Iran thật ra khởi đầu ngay từ thời quân chủ trong những năm 1960 dưới triều đại quốc vương Shāh Pahlavi, tuy nhiên ít có tiến bộ và bị hủy bỏ sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo năm 1979. Giữa thập niên 1990, giới lãnh đạo Iran tỏ ra muốn thực hiện những nỗ lực mới và sự kiện này dấy lên nhiều nghi ngại cho Hoa Kỳ. Trong khi Iran cam kết tuân hành hiệp ước quốc tế cấm phát triển vũ khí nguyên tử thì một nhóm dân lưu vong công bố những tài liệu chứng tỏ Iran đang tiến hành một dự án bí mật.


Trước triển vọng có thể lãnh chịu biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc, chính quyền của Tổng Thống Mohammad Khatami năm 2003 đồng ý ngưng chương trình làm giầu quặng uranium và chấp thuận cho phái đoàn IAEA của Liên Hiệp Quốc đến thanh tra, đồng thời vẫn tiếp tục thương lượng với Pháp, Anh và Ðức về việc xây dựng những nhà máy điện nguyên tử.


Tháng 8 năm 2005, Mahmoud Ahmadinejad, một chính trị gia có lập trường cực đoan được bầu làm tổng thống thay thế Khatami và đến tháng 1 năm sau loan báo sẽ tái tục chương trình làm giầu uranium. Theo hiệp ước cấm phát triển vũ khí nguyên tử, Iran vẫn được phép tinh chế uranium nhưng IAEA đòi hỏi chỉ được thực hiện việc này sau khi đã làm sáng tỏ những nghi vấn về chương trình bí mật trước kia và chính quyền Ahmadinejad kéo dài thời gian mà không thi hành đòi hỏi ấy, Tháng 12 năm 2006, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận nghị quyết cấm vận Iran vì không ngừng chương trình điều chế uranium.


Từ đầu năm 2008 IAEA nhiều lần đưa ra những bằng cớ nghi ngờ chương trình nguyên tử của Iran là nhắm đến mục đích quân sự, nhưng Iran luôn luôn bác bỏ lập luận ấy. Trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng Thống Obama muốn dùng giải pháp ngoại giao sau khi Tổng Thống Bush đã qua nhiều năm không đạt kết quả buộc Iran tuân hành những đòi hỏi quốc tế, tuy nhiên cũng không thành công. Bằng nỗ lực vận động từ Hoa Kỳ và Âu Châu, tháng 6 năm 2010 Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biểu quyết chấp thuận một đợt những biện pháp cấm vận mới trong khi Hoa Kỳ và Âu Châu đơn phương thi hành thêm những biện pháp trừng phạt khác.


Tuy nhiên những áp lực quốc tế chưa đủ mạnh để Iran thay đổi chủ trương. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi một mặt Iran đe dọa trả đũa những biện pháp cấm vận, mặt khác loan báo thành lập thêm một trung tâm nguyên tử khác để đẩy mạnh việc điều chế uranium. Trong khi đó tình báo Israel tiến hành hoạt động bí mật ám sát các kỹ thuật gia nguyên tử Iran cũng như tấn công phá hoại qua hệ thống điện toán, ngược lại Iran trả thù bằng những hành động khủng bố chống Do Thái ở Ấn Ðộ, Thái Lan.


Trong tình hình hiện nay, nếu cuộc đàm phán do Iran đề nghị không thực hiện được và nếu cuộc thảo luận không đi đến kết quả, người ta khó dự đoán chuyện gì sẽ đến. Xung đột quân sự với Hoa Kỳ và Âu Châu khó xảy ra nhưng Israel có thể hành động bất ngờ lôi kéo các bên vào cuộc chiến. Tình trạng đối đầu có lẽ sẽ không tiếp tục kéo dài nhiều tháng nữa mà phải đi đến một giải pháp hay chuyển biến trong một tương lai gần. (HC)

MỚI CẬP NHẬT