Thursday, March 28, 2024

NATO chuẩn bị rút $30 tỉ chiến cụ khỏi Afghanistan


KABUL, Afghanistan (AP) –
Với lịch rút các đơn vị Mỹ khỏi chiến trường Afghanistan gia tăng nhanh chóng hơn trong năm 2012, các chuyên gia tiếp vận của NATO đang phải nhức đầu với bài toán vận chuyển số lượng chiến cụ khổng lồ, kể cả xe cộ, võ khí và các dụng cụ khác khỏi quốc gia nằm sâu trong đất liền với đồi núi chập chùng bao quanh này.










NATO sẽ phải đưa nhiều chiến cụ ra khỏi Afghanistan, bao gồm những chiếc xe này, khi cuộc chiến đang đến giai đoạn kết thúc. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)


Kế hoạch này liên quan đến việc di chuyển số lượng chiến cụ tối tân trị giá khoảng $30 tỉ khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, khi quân đội Mỹ và đồng minh chấm dứt vai trò chiến đấu của mình, theo một viên chức cao cấp NATO cho hay hôm Thứ Ba.


Phần lớn các chiến cụ Mỹ sẽ được đưa tới các kho bãi tồn trữ trên khắp nước Mỹ để tân trang rồi sau đó tái phân phối cho các căn cứ khác, tuy nhiên, cũng có một số sẽ được chuyển đến các căn cứ ở Âu Châu, phần lớn tại Ðức, hay ở các quốc gia Á Châu như Nam Hàn.


“Những món chúng tôi có nơi đây là những gì tối tân nhất được Mỹ chế tạo,” theo viên chức NATO. “Chúng còn tối tân hơn những gì các đơn vị ở Mỹ đang sử dụng.”


Ngoài các xe bọc sắt và xe vận tải, các quân cụ khác được chuyển ra gồm cả số lượng lớn các đồ chắn đạn, máy móc truyền tin, ống nhòm, ống nhắm, các khẩu đại bác và hệ thống điều khiển.


Năm 2011, quân đội đồng minh đã bắt đầu tiến trình rút gần 140,000 quân nhân ra khỏi Afghanistan, và khoảng 10,000 lính Mỹ nay đã được rút đi. Vào cuối năm nay, thêm 23,000 lính Mỹ khác sẽ được đưa về nước, cùng với hàng ngàn binh sĩ thuộc các quốc gia khác, và sẽ giảm quân số đồng minh ở Afghanistan xuống còn chừng 90,000 người.


Pakistan, quốc gia láng giềng với Afghanistan, đã đóng cửa các đường tiếp vận chính yếu từ cảng Karachi vào lãnh thổ Afghanistan hồi Tháng Mười Một sau khi xảy ra vụ phi cơ NATO tấn công lầm hai đồn biên giới khiến 24 lính Pakistan thiệt mạng.


Quân đội đồng minh đang tạm thời dùng các đường tiếp tế từ hướng Bắc, qua Nga và các quốc gia Trung Á. Tuy nhiên, hiện chưa có thỏa thuận nào cho phép Mỹ đưa chiến cụ ngược ra Âu Châu theo con đường phía Bắc này.


Khi rút khỏi Iraq, quân đội Mỹ chỉ chất đồ đạc của họ lên xe vận tải rồi đi hàng đoàn sang Kuwait, nơi có cảng nước sâu để tàu vào chở chiến cụ đi.


Ngược lại, các con đường chính ra khỏi Afghanistan đòi hỏi phải chất các xe cộ và thùng container lên các xe vận tải hoặc xe lửa trước khi khởi sự chặng đường dài. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT