Tuesday, April 16, 2024

Nga đưa 10,000 quân tập trận sát biên giới Ukraine

 

NEW YORK, New York (NV)Hôm Thứ Năm, Bộ Quốc Phòng Nga loan báo mở cuộc tập trận quy mô gần biên giới Ukraine với 8,500 binh sĩ tham dự, nhưng Hoa Kỳ cho rằng quân số ấy phải trên 10,000, theo một bản tin của đài truyền hình CNN.

Binh sĩ không mang phù hiệu, được coi là quân đội Nga, tuần tiểu bên ngoài một căn cứ quân sự tại Simferopol trên bán đảo Crimea. (Hình: Dan Kitwood/Getty Images)

Bà Samantha Power, đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, trình bày với Hội Đồng Bảo An rằng Nga điều động đến biên giới phía Nam giáp Ukraine “các đơn vị pháo binh, trực thăng tác chiến và ít nhất 10,000 binh sĩ”. Bà xem việc điều động quân đội này là “sự can thiệp quân sự của Nga”. Những binh sĩ tham gia cuộc tập trận này có lẽ là nhằm tăng viện cho 25,000 quân Nga đã có tại Crimea.

Động thái này xảy ra đúng vào lúc tình hinh Ukraine đang cực kỳ căng thẳng. Dân chúng nước cộng hòa tự trị Crimea sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ Nhật, 16 Tháng Ba, mà kết quả hầu như chắc chắn sẽ là chấp thuận để Crimea sát nhập trở lại vào Nga. Cách đây vài ngày, Quốc Hội bán đảo này đã bỏ phiếu tuyên bố độc lập khỏi Nga.

Trong số 2 triệu dân Crimea chỉ có 24% là dân Ukraine và 58% là dân Nga.

Hoa Kỳ và Liên Âu cho rằng việc chia cắt sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là bất hợp pháp. Hoa Kỳ đe dọa sẽ có biện pháp mạnh nếu cuộc trưng cầu dân ý  vẫn được tổ chức.

Nhưng hôm Thứ Năm, Tổng Thống Vladimir Putin khẳng định lại lập trường từ lâu của Nga, theo đó, vụ khủng hoảng ở Ukraine là vì những yếu tố nội tại chứ không phải do Nga.. Và nếu dân chúng muốn Crimea là một thành phần của nước Nga thì đó là quyền của họ và như thế Nga cũng có quyền bảo vệ họ.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin, lên án Tây Phương đã “quạt thêm gió cho ngọn lửa biến loạn” ở Ukraine bằng những sự can dự đưa tới  việc “lật đồ bất hợp pháp” Tổng Thống Viktor Yanukovych và sau đó chính quyên Tây Phương đã trấn áp phía đối lập làm chia rẽ quốc gia.

Về cuộc trưng cầu dân ý, vị đại sứ của Nga cho rằng dân chúng ở đây có quyền tự quyết định, giống như tất cả mọi ai khác mà thôi. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao dân Crimea lại là một ngoại lệ?”

Hôm Thứ Năm, các giới chức Tây Phương cảnh cáo rằng Nga sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nếu không thay đổi đường lối ờ Crimea. Tổng Thống Obama đã cam kết là “đứng bên cạnh Ukraine”. 

Phát biểu trước Quốc Hội Đức, bà Thủ Tướng Angela Merkel nói rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày Chủ Nhật là vi hiến, sự hiện diện quân sự của Nga trên bán đảo Crimea vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Bà cảnh cáo rằng hành động này sẽ đem tới “thảm họa” cho Ukraine và “sẽ làm biến đổi nước Nga về kinh tế và chính trị”.

Theo dự đoán, chính quyền Obama sẽ cho hàng không mẫu hạm H.W. Bush ở  lại Địa Trung Hải lâu hơn thời gian đã định để tái bảo đảm với các nước đồng minh NATO có thể cảm thấy bất an khi Nga vào Crimea.

Sau nhiều lần tố cáo Nga “xâm lăng quân sự” vào nước mình, ông Arseniy Yatsenyuk, thủ tướng lâm thời Ukraine, hôm Thứ Năm nói trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc rằng một giải pháp hòa bình để Moscow và Kiev trở lại thành “đối tác thực thụ” vẫn còn có thể thực hiện được.

Đây là lần đầu tiên chính quyền mới ở Ukraine bầy tỏ sự hòa hoãn và điều ấy có thể là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã tới gần và Nga cũng xác nhận ý chí cương quyết cùa mình khi điều động lực lượng với các đơn vị trang bị đầy đủ vũ khí chiến đấu tới cuộc tập trận sát biên giới Ukraine. 

Với niềm hy vọng rằng khó khăn nào cũng có thể giải quyết êm ả tránh xung đột và đối đầu vô ích, người ta chờ đợi những chuyển biến nhanh chóng trong mấy ngày tới.  (HC)

MỚI CẬP NHẬT