Thursday, April 18, 2024

Những nhân vật trong vụ sa thải Bạc Hi Lai

 


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt


 


Bạc Hi Lai, người bị sa thải, là một trong những hoàng tử của triều đình đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông này, tên tiếng Hoa là Bo Xilai, từng được xem là người cải tổ nhưng sau đó lại lộ bản chất rất “đỏ”.









Người mới người cũ trong cùng tấm hình: Bo Xilai (Bạc Hi Lai), bên phải, bắt tay Zhang Dejiang (Trương Ðức Giang) tại cuộc họp Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc hôm 13 tháng 3. Hai ngày sau, họ Bạc mất chức bí thư Trùng Khánh và họ Trương lên thay. (Hình: Liu Jin/AFP/Getty Images)


Vì cha ông là lãnh tụ hàng đầu của Trung Quốc, nên khi họ Bạc mới lập nghiệp, để tránh bị tai tiếng con ông cháu cha, ông được điều đi một tỉnh ở xa và khởi nghiệp ở một cấp thấp: Phó bí thư của một huyện ở Liêu Ninh. Từ từ ông thăng chức và chuyển qua thành phố Ðại Liên (Dalian), một thành phố của Liêu Ninh và là một cảng biển ở cực Bắc Trung Quốc.


Năm 1993, ông làm chủ tịch thành phố Ðại Liên. Tuy nhiên, đường tiến của ông bị Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân chặn lại. Phải tới khi Hồ Cẩm Ðào lên thế họ Giang, Bạc Hi Lai mới được đưa về trung ương trong chức vụ bộ trưởng thương mại.


Bạc Hi Lai được bổ nhiệm bí thư Trùng Khánh năm 2007. Tại đây, ông ra tay dẹp các thế lực xã hội đen, xã hội đỏ. Khác với các địa phương khác, họ Bạc đưa viên công an họ Vương từ Liêu Ninh về làm giám đốc công an Trùng Khánh, và thay vì dẹp xã hội đen, hai người nhắm vào các cán bộ nhà nước bao che cho tội phạm.


Trong thời gian ở Liêu Ninh, họ Bạc đàn áp Pháp Luân Công nặng nề. Một tòa án ở Úc ra phán quyết kết tội ông chịu trách nhiệm trong vụ tra tấn một tín đồ Pháp Luân Công. Tòa án Tây Ban Nha cũng truy tố họ Bạc và 4 nhân vật cao cấp khác của Trung Quốc với tội danh diệt chủng và tội ác chống nhân loại vì đàn áp Pháp Luân Công.


Ở Trùng Khánh, Bạc Hi Lai tái khởi động phong trào “văn hóa đỏ,” với các loại khẩu hiệu, bài hát thời Mao, cho học sinh đi làm thực tế ở đồng quê. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc, họ Bạc gởi tin nhắn tới 13 triệu người dùng điện thoại di động ở Trùng Khánh, trích dẫn Mao tuyển.


Một ngày trước khi họ Bạc mất chức, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo chỉ trích việc ông này tổ chức các cuộc mít-tinh kiểu Cách Mạng Văn Hóa ở đó – mặc dù chính gia đình Bạc Hi Lai cũng từng là nạn nhân Cách Mạng Văn Hóa.


Ôn Gia Bảo trích dẫn cuộc đại hội đảng chấm dứt phong trào đó, và nói “cách làm việc của chúng ta phải dựa trên kinh nghiệm và bài học của lịch sử”.


 


* Ông bố


 


Bo Xilai là con của Bo Yibo (Bạc Nhất Ba), một trong “bát đại nguyên lão” của đảng Cộng Sản. Có khi gọi tắt là “bát lão,” đây là 8 nhân vật quyền hành trong thời đổi mới của Trung Quốc, dẫn đầu bởi Ðặng Tiểu Bình.


Bo Yibo là bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung Quốc, nhưng bị thanh trừng trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Gia đình Bạc Hy Lai bị tù 5 năm và sau đó bị cho vào trại lao động. Trong thời gian này, mẹ ông bị đánh chết.


Sau khi Mao Trạch Ðông qua đời, gia đình họ Bạc được thả. Khi nội bộ của đảng Cộng Sản tranh luận gay gắt về mô hình kinh tế, ông Bo Yibo trong chức vụ phó thủ tướng cương quyết bảo vệ nền kinh tế thị trường, giúp đưa đến nền kinh tế phát triển hiện nay.


Tuy nhiên, Bo Yibo không ủng hộ việc cải tổ chính trị. Vì cản trở cuộc cải tổ của Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), ông được (bị) nâng lên làm phó chủ tịch Ủy Ban Cố Vấn Trung Ương, một chức vụ tuy cao nhưng không có thực quyền.


Dầu vậy, ở chỗ đó, ông vẫn vận động được để Hồ Diệu Bang mất chức. Khi cuộc biểu tình Thiên An Môn diễn ra, Bo Yibo ủng hộ việc đàn áp sinh viên, dẹp biểu tình, và cách chức Triệu Tử Dương.


 


* Viên công an


 


Một điều được nêu là lý do Bạc Hi Lai mất chức, là việc viên công an Wang Lijun (Vương Lập Quân) tìm vào tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Thành Ðô để xin tỵ nạn chính trị.


Họ Vương người sắc tộc Mông Cổ, khởi đầu sự nghiệp làm công an ở tỉnh Liêu Ninh. Nhưng ông nổi tiếng trong vai trò giám đốc công an Trùng Khánh và tới tháng 5 năm 2011 được nâng lên làm phó chủ tịch thành phố trực thuộc trung ương này.


Ông được cho là người sốt sắng trong việc bài trừ tham nhũng. Những vụ án tham nhũng do ông phụ trách khiến ông nổi tiếng, và đài truyền hình Trung Quốc lập cả một bộ phim nhiều tập dựa trên thành tích của ông.


Ngày 2 tháng 2, 2012, Vương Lập Quân đột nhiên bị đổi từ phụ trách an ninh qua một chức vụ khác phụ trách giáo dục, khoa học, môi trường. Hầu hết báo chí đều gọi đây là một cuộc giáng chức. Một tờ báo Trung Quốc hải ngoại, Obxun, cho rằng lý do là vì họ Vương đang điều tra một vụ tham nhũng dính tới vợ của Bạc Hi Lai.


Vài hôm sau, ngày 8 tháng 2, họ Vương vào trong tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Ðô, rồi sau đó quay trở ra. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xác nhận là họ Vương có đến tòa lãnh sự nhưng không bình luận gì về những điều hai bên nói và nói ông tự ý ra về, không bị ép.


Sau đó ông biến mất. Tin tức cho rằng ông bị bắt giam vì liên lạc với Mỹ để xin tỵ nạn chính trị.


 


* Người thay thế


 


Người được chỉ định ngồi vào ghế bí thư thành ủy Trùng Khánh, một thành phố trực thuộc trung ương, là Zhang Dejiang (Trương Ðức Giang).


Trương Ðức Giang, 65 tuổi, là phó thủ tướng, con một vị tướng quân đội. Tuy cũng “con ông cháu cha,” nhưng họ Trương không phải “thái tử triều đình” như họ Bạc.


Trong số các nhân vật mới nổi của đảng Cộng Sản Trung Quốc, họ Trương có thâm niên cao nhất trong Bộ Chính Trị, nằm trong cơ quan này đã 10 năm nay, từ khi làm bí thư tỉnh ủy Quảng Ðông. Nhiều người cho rằng trong năm nay ông sẽ được đưa vào ban thường vụ Bộ Chính Trị.


Ông là một nhân vật hiếm hoi trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm với nước cộng sản láng giềng, là Bắc Hàn.


Sinh tại Liêu Ninh, một tỉnh sát biên giới, học cử nhân ngành tiếng Hàn. Sau đó, ông qua Bắc Hàn học 2 năm tại đại học Kim Il-sung University và tốt nghiệp ngành kinh tế.


Thời gian 2002-2007 khi họ Trương làm bí thư ở Quảng Ðông cũng là lúc nạn dịch SARS nổi lên. Quan chức y tế địa phương giấu nhẹm chuyện này, khiến nạn dịch lây lan và làm hỏng uy tín của toàn bộ ngành y tế Trung Quốc. Cá nhân họ Trương bị chỉ trích nặng nề.

MỚI CẬP NHẬT