Friday, March 29, 2024

Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn Twitter

 


ANKARA, Thổ Nhĩ Kỳ (AP)Dự định ngăn chặn việc sử dụng mạng xã hội Twitter của Thổ Nhĩ Kỳ gây nên nhiều phản tác động đối với chính quyền Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan.









Liên Minh Giới Trẻ Thổ Nhĩ Kỳ mang những bức hí họa châm biếm Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan về việc ngăn chặn Twitter, tại thủ đô Ankara hôm Thứ Sáu. (Hình: AP/Burhan Ozbilici)
Một số người cho biết khi mở trang twitter.com thì bị dẫn về thông cáo của nhà quản lý viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn lệnh của tòa án yêu cầu có các “biện pháp bảo vệ” trên mạng
Việc này xảy ra sau khi Thủ tướng Erdogan cam kết “xóa sổ Twitter”, vì một số người sử dụng Twitter để công bố các tài liệu được cho là bằng chứng của những hành vi tham nhũng liên quan đến bản thân ông. Ông Erdogan mạnh mẽ bác bỏ sự tố giác. Ngày 30 tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc bầu cử địa phương và sẽ có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu dân ý đối với ông.


Tại Thổ Nhĩ Kỳ có chừng 10 triệu người sử dụng Twitter và chưa bao giờ trang mạng xã hội này bị cấm. You Tube đã từng bị cấm  trong 2 năm cho tới 201o, vì đăng các video clip được coi là báng bổ nhà lập quốc Mustafa Kemal Ataturk. Mạng xã hội là phương tiện được vận dụng để tổ chức các cuộc biểu tình chớp nhoáng chống chính phủ hồi năm ngoái.


Dư luận trong nước phản ứng mạnh mẽ biện pháp ngăn chặn Twitter và tìm cách đi vòng bằng đường khác.  Tổng Thống Abdullah Gul cũng theo cách đó để đưa ra ý kiến: “Tôi hy vọng quy định này không duy trì lâu”. Ông từng là đồng minh của Thủ Tướng Erdogan nhưng trong quá khứ đã công khai chống kiểm duyệt Internet dù tháng trước đồng ý với chính phủ là nên có sự kiểm soát chặt chẽ hơn.


Luật sư đoàn  đề nghị tòa án hủy bỏ lênh cấm Twitter vì vi phạm hiến pháp và luật nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Âu. Nhưng bộ trưởng Lutfi Elvan phụ trách vận tải và viễn thông, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một quốc gia cấm Internet, chỉ ngăn chặn sự phỉ báng trái pháp luật và sẽ tái lập truy cập khi Twitter loại bỏ các nội dung bất hợp pháp.


Phó Chủ Tịch Liên Âu Neelie Kroes phê phán  hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “không có căn cứ, vô dụng, hèn nhát”. Tại Berlin, ủy viên nhân quyền của chính phủ Đức Christopher Straesser kêu gọi Thổ rút lại biện pháp này ngay tức khắc vì “hạn chế tự do báo chí và dư luận tới mức như vậy là không thể chấp nhận được”. Bộ ngoại giao Anh nói rằng mạng xã hội  “có một vai trò trọng yếu” trong sinh hoạt dân chủ và cổ vũ sự minh bạch trong tranh luận công cộng.  (HC)

MỚI CẬP NHẬT