Thursday, April 18, 2024

Vàng bạc lên giá vì Iran có nhiên liệu nguyên tử

 


LONDON, Anh – Sau khi Iran loan báo vừa sản xuất thanh nhiên liệu nguyên tử lần đầu tiên do họ chế tạo, giới đầu tư nhảy qua mua quí kim, khiến vàng bạc trở nên đắt giá, theo tin của Bloomberg.



Ðồng tiền Iran mất giá kỷ lục so với đồng đô-la, hai ngày sau khi Tổng Thống Bacrack Obama ký luật trừng phạt đối với Ngân Hàng Trung Ương Iran. Tuy nhiên vàng bạc lên giá sau khi Iran loan báo chế tạo thành công thanh nhiên liệu nguyên tử. (Hình: AP/Vahid Salemi)


Vàng tăng 0.2%, lên tới trên $1,500 mỗi ounce tại thị trường London, trong khi bạc tăng 0.1% với giá mỗi ounce gần $28. Trong năm vừa qua, giá vàng đã tăng đến 10%, nhưng bạc lại giảm 9.9%.


Theo dữ kiện công bố trên mạng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), vàng dự trữ tăng cao trong Tháng Mười Một, 2011, ở Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Tajikistan, Macedonia, Moritius và Morocco, nhưng lại giảm bớt ở Mexico.


Cơ quan thông tấn Iran hôm Thứ Hai loan báo, họ cho nạp vào tâm lò phản ứng thanh nhiên liệu nguyên tử do họ chế tạo, sau khi thử nghiệm thành công.


Ðài RFI trích thuật bình luận của giới chuyên gia cho biết việc làm giàu uranium của Iran là nguyên nhân chính gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Uranium được làm giàu ở mức 20% được dùng thuần túy cho mục đích dân sự. Nhưng nếu mức làm giàu vượt quá 90% thì chất này có thể được dùng để chế tạo vũ khí nguyên tử.


Vào Tháng Mười Một năm ngoái, sau tám năm điều tra, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) đã công bố một bản báo cáo với những thông tin được cho là khả tín, theo đó, Iran đã tiến hành các hoạt động chế tạo bom nguyên tử. Theo giới quan sát, cho dù Mỹ vừa áp dụng thêm các trừng phạt, Iran vẫn tỏ ra nguy hiểm.


Theo AP, đồng tiền Iran mất giá ở mức kỷ lục so với đồng đô la, hai ngày sau khi Tổng Thống Bacrack Obama ký luật trừng phạt đối với Ngân Hàng Trung Ương Iran. Ðài truyền thanh chính phủ Iran tường trình 16,888 riyal ăn một đô la so với 15,200 hôm Thứ Năm.


Cũng theo RFI, các hoạt động quân sự cũng như thông báo chế tạo được thanh nhiên liệu hạt nhân của chính quyền Teheran diễn ra trong bối cảnh phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, gây áp lực, gia tăng cấm vận đối với Iran vì nước này không chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và bị nghi ngờ có tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử.


Từ nhiều năm nay, phương Tây đã liên tục gây sức ép, thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Liên Hiệp Quốc đã thông qua sáu nghị quyết trong đó có bốn văn bản liên quan đến các biện pháp trừng phạt Iran. Nhiều quốc gia phương Tây sau đó còn đơn phương bổ sung thêm các biện pháp cấm vận đối với nước này. (T.P.)

MỚI CẬP NHẬT