Friday, April 19, 2024

Ấn Độ-Nam Hàn khăng khít hơn nhờ truyền thuyết về một nàng công chúa

NEW DELHI – Theo BBC hôm 4 Tháng Mười Một, 2018, Đệ Nhất Phu Nhân Nam Hàn Kim Jung-sook đang có chuyến thăm thành phố cổ Ayodhya, Ấn Độ. Đây là thành phố có ý nghĩa lớn về mặt ngoại giao giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, không nhiều người biết lý do tại sao đệ nhất phu nhân Nam Hàn lại đến thăm thành phố này. Câu trả lời thuộc về câu chuyện bắt đầu từ 2000 năm trước.

Truyền thuyết kể lại rằng vào năm thứ 48 sau Công Nguyên, Công Chúa Suriratna hay có tên tiếng Hàn là Heo Hwang-ok, của vương triều Ayodhya ở Ấn Độ đã đến thành phố Gimhae, Nam Hàn để kết hôn với nhà vua Kim Suro, theo lệnh của vua cha.

Công Chúa Ấn Độ Suriratna trở thành hoàng hậu Hàn Quốc Heo Hwang-ok, cùng với nhà vua Kim Suro bắt đầu một triều đại thịnh vượng lấy tên gọi là Karak. Hai người sống hạnh phúc với nhau cho tới năm 150 tuổi và có với nhau 10 người con trai. Trong đó 8 người mang họ cha là Kim và 2 người còn lại được cho phép mang họ mẹ là Heo. Hai họ này vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay. Con cháu của họ đã lên tới 6 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số Nam Hàn.

Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in cùng Đệ Nhất Phu Nhân Kim Jung-sook (trái) từng có chuyến thăm chính thức Ấn Độ hôm 10 Tháng Bảy, 2018. (Hình: Getty Images)

Dòng dõi Karak là một dòng dõi cao quý của Nam Hàn với nhiều nhân vật tiếng tăm. Cựu Tổng Thống Nam Hàn Kim Young-sam và Kim-Dae Jung, cựu Thủ Tướng Kim Jong-Pil đều tuyên bố tổ tiên của họ là triều đại Karak.

Câu chuyện về Công Chúa Ấn Độ Suriratna từ thời cổ xưa còn truyền lại cho đến ngày nay, gây ra nhiều tranh cãi về độ xác thực, liệu đây là một phần có thật của lịch sử hay chỉ là truyền thuyết.

Một số người cho rằng câu chuyện chỉ là một truyền thuyết vì nó xảy ra đã quá lâu không cách nào kiểm chứng. Một số khác thì cho rằng, việc câu chuyện bắt nguồn từ thời đạo Phật du nhập vào Nam Hàn chứng tỏ câu chuyện có yếu tố lịch sử, đáng tin cậy.

Mặc kệ điều đó, hàng năm, những người Nam Hàn tự xưng là dòng dõi của Nữ Hoàng Suriratna vẫn thường đến thành phố Ayodhya, Ấn Độ để vinh danh và tưởng niệm Công Chúa Suriratna.

Cố Tổng Thống Nam Hàn Kim-Dae Jung từng tuyên bố tổ tiên của ông là triều đại Karak. (Hình: Getty Images)

Đặc biệt, vào năm 2001, hơn 100 sử gia và đại diện chính phủ Hàn, kể cả đại sứ Bắc Hàn đã đến Ấn Độ, khánh thành đài tưởng niệm của Hoàng Hậu Hwang-ok trên bờ phía Tây của Sông Saryu ở Ayodhya.

Trước đó vào năm 2000 thì Ayodhya của Ấn Độ và Gimhae của Nam Hàn đã ký thỏa thuận để chính thức trở thành hai thành phố kết nghĩa.

Giáo Sư Kim-do Young, chuyên gia về nghiên cứu Hàn Quốc tại Delhi, nói rằng truyền thuyết về nàng Công Chúa Suriratna, tổ tiên của những người Nam Hàn, ngày càng được người dân Ấn Độ biết đến nhiều hơn sau những thành công về mặt ngoại giao và thương mại giữa hai nước.

Theo ông, cho dù đó là lịch sử hay truyền thuyết thì khoảng cách về tinh thần giữa hai nước đã được rút ngắn và một nền tảng văn hóa chung được tạo ra nhờ mối liên hệ từ cổ xưa.

Truyền thuyết về Hoàng Hậu Heo Hwang-ok vô hình chung trở thành một yếu tố tạo nên quan hệ khắng khít giữa người dân hai nước. Và chuyến thăm của Đệ Nhất Phu Nhân Nam Hàn Kim Jung-sook tới Ayodhya một lần nữa khẳng định điều đó. (C.Thành)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT