Friday, April 19, 2024

Hàng ngàn người biểu tình ở Hồng Kông phản đối lệnh cấm đeo mặt nạ

HỒNG KÔNG (AP) — Hàng ngàn người dân bất chấp lệnh cấm, đeo mặt nạ xuống đường phản kháng, cảnh sát bắn lựu đạn cay, và thêm một thiếu niên trúng đạn bị thương, chỉ ít giờ sau khi đặc khu trưởng Hồng Kông trưng dẫn luật khẩn trương, ra lệnh cấm đeo mặt nạ trong các cuộc biểu tình.

Bày tỏ sự phản đối với lệnh cấm, vốn sẽ có hiệu lực sáng sớm Thứ Bảy, hàng ngàn người dân Hồng Kông tràn ngập đường phố ở khu thương mại chính cũng như các khu vực khác, hô khẩu hiệu kêu gọi hành động kháng cự.

Có hai nhà tranh đấu đưa đơn kiện, lấy lý do rằng lệnh cấm sẽ khiến tạo sự sợ hãi và ngăn trở quyền tự do phát biểu. Tuy nhiên, một tòa án bác bỏ yêu cầu tạm thời ngưng thi hành lệnh cấm này.

Cảnh sát Hồng Kông chuẩn bị tấn công người biểu tình. (Hình: AP Photo/Vincent Thian)

Có một số các nhóm nhỏ người biểu tình tấn công các chi nhánh ngân hàng Trung Quốc cũng như các cửa tiệm, phá các trạm xe điện ngầm và nổi lửa trên đường phố, khiến cảnh sát bắn lựu đạn cay để giải tán.

Một cảnh sát viên nổ súng để tự vệ khi bị người biểu tình tấn công ở khu Yuen Long, nằm về phía Bắc Hồng Kông, theo bản thông cáo của chính quyền.

Một giới chức cảnh sát nói rằng có một thiếu niên 14 tuổi bị trúng đạn, nhưng không thể xác nhận nạn nhân có phải mục tiêu nhắm bắn của cảnh sát hay không.

Đây là nạn nhân thứ nhì bị cảnh sát nổ súng bắn đạn thật, kể từ khi có các cuộc biểu tình vào Tháng Sáu, và diễn ra ba ngày sau khi một người biểu tình 18 tuổi bị cảnh sát nhắm bắn vào ngực.

Đặc Khu Trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam, tuyên bố trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu rằng bà đưa ra lệnh cấm đeo mặt nạ để  “cứu lấy Hồng Kông, cả hiện tại và tương lai”.

Lệnh cấm này áp dụng cho mọi cuộc biểu tình, bất kể là có phép hay không. Các hình thức mặt nạ, kể cả vẽ sơn lên mặt, cũng đều bị cấm với hình phạt có thể tới một năm tù ở.

Những ai có thể chứng minh là cần đeo mặt nạ vì lý do sức khỏe, làm việc hay tôn giáo sẽ được cho phép đeo.

Người biểu tình nói rằng không có lý do gì cảnh sát được đeo mặt nạ còn họ thì không.

Ngoại Trưởng Anh, Dominic Raab, nói rằng chính phủ của bà Lam nên tránh làm tình hình căng thẳng hơn và “đối thoại chính trị là giải pháp duy nhất”.

Trong khi đó, Thủ Tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, nhà lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới, nói rằng bà Lam nên từ chức và tiên đoán rằng Bắc Kinh sẽ “hành động”.

Lên tiếng trong một cuộc họp ở Kuala Lumpur, ông Mahathir nói bà Lam “phải tuân lệnh chủ ở Bắc Kinh” và cùng lúc phải tự vấn lương tâm của mình.

Ông Mahathir nói với hãng thông tấn Reuters là ông tin rằng Trung Quốc sẽ đàn áp người biểu tình ở Hồng Kông theo cùng cách xảy ra ở Thiên An Môn.

“Họ cho người ta biểu tình nhưng rồi sau cùng, như luôn xảy ra trong một chế độ độc tài, họ sẽ trở lại và làm những gì cần phải làm,” ông Mahathir, năm nay 94 tuổi, cho biết. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT