Monday, April 22, 2024

Vì sao người biểu tình Hồng Kông không chùn bước?

HỒNG KÔNG (NV) – Người Hồng Kông lo sợ sẽ mất những quyền tự do mà họ được hưởng theo hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” kể từ khi Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997. Đồng thời cho rằng hỗn loạn là không tránh khỏi trên con đường theo đuổi dân chủ.

Đạn cao su, hơi cay, dùi cui… Suốt hai tháng qua, những người biểu tình ở Hồng Kông, phần lớn là thanh niên, luôn phải đối mặt. Nhưng họ chưa bao giờ chùn bước.

Sinh viên Woody Ho nói với Reuters: “Khi Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc, Chủ Tịch Giang Trạch Dân lúc đó có hứa rằng chúng tôi sẽ được tổ chức tổng tuyển cử cho cả hội đồng lập pháp lẫn chức đặc khu trưởng. Nhưng đến nay chẳng có gì cả. Năm năm trước, chúng tôi cũng biểu tình đòi những quyền mà họ đã hứa cho chúng tôi. Nhưng nay, năm năm sau, không những họ không giữ lời hứa mà còn đưa ra dự luật dẫn độ. Như vậy còn tệ hơn nữa. Đó là lý do biểu tình nổ ra, và do cảnh sát quá hung bạo nên tình hình ngày càng xấu đi.”

Những cuộc biểu tình bạo động kể từ Tháng Sáu đến nay đã đẩy Hồng Kông vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong mấy chục năm qua. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất với vai trò lãnh đạo của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012.

Lewis, nhân viên văn phòng, phát biểu: “Khi chúng tôi muốn tuần hành, chính quyền ra lệnh cấm. Rồi khi chúng tôi xuống đường, họ bắt đầu bắt bớ chúng tôi và dùng vũ lực quá mức, như lúc nãy. Họ liên tục bắn hơi cay. Những người đi bộ trên đường hoặc trẻ em đứng ngoài cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi kiểu đối xử không đúng mực này.”

Slaine Lai, sinh viên ngành tâm lý học, 22 tuổi, cho rằng: “Người gây bất ổn ở Hồng Kông không phải là người biểu tình, sinh viên hoặc các đảng ủng hộ dân chủ, mà là chính quyền Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông. Từ Tháng Sáu đến nay, họ không sẵn lòng lắng nghe yêu sách của người biểu tình cũng như của công chúng. Người gây bất ổn cho Hồng Kông chính là chính quyền Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông.”

Bất chấp cảnh sát phản ứng mạnh tay và Trung Quốc có quan điểm cứng rắn, phong trào biểu tình ở Hồng Kông dường như vẫn được ủng hộ rộng rãi.

Cô Helen, một người dân Hồng Kông xúc động nói: “Tôi cũng hơi lớn tuổi, không thể chạy ra phía trước được. Tôi không lanh lẹ như những bạn trẻ đó. Tôi mà ra phía trước thì sẽ cản chân họ thôi. Tôi chỉ có thể ở phía sau hỗ trợ họ thôi, phát nước miễn phí cho họ… Nếu bây giờ mà không đứng lên phản đối thì tương lai chúng ta cũng không có quyền đứng lên phản đối nữa. Và tình hình càng tệ hơn nếu khi chúng ta xuống đường, chính quyền cứ muốn bắt ai thì bắt, không cần lý do, giải thích gì cả. Chúng tôi rất buồn vì điều này.”

Từ hát thánh ca đến tự thành lập nhiều nhóm hỗ trợ khác nhau, người biểu tình đã xây dựng được một hệ thống có tổ chức tốt để cung cấp đồ tiếp tế, sơ cứu và hướng dẫn đám đông.

Aleks Wong, một giáo dân Công Giáo cho hay: “Lần đầu tiên tôi hát bài này là ở khu trung tâm. Bài hát giúp làm giảm căng thẳng để cả hai bên, người biểu tình và cảnh sát, bình tĩnh lại, và mọi người có thể hiểu rằng lúc nào chúng tôi cũng đoàn kết với nhau.”

Slaine Lai, sinh viên ngành tâm lý cho biết thêm: “Chúng ta đang nhìn thấy những hình ảnh khác đây. Mọi người đang giúp đỡ nhau. Chẳng hạn, một số người dân mua những thứ như mũ bảo hiểm, khẩu trang và cả thức ăn cho người biểu tình ở tuyến đầu. Ngoài ra, nhiều đội sơ cứu cũng đã thành lập để phân phát dụng cụ sơ cứu.”

Một người làm nhiệm vụ sơ cứu cho người biểu tình bày tỏ hy vọng: “Hồng Kông hiện giờ đang hỗn loạn, vì thành phố này đang trên con đường hướng đến dân chủ. Chính quyền mà không đáp ứng hoặc hiểu được nguyện vọng của công chúng thì mâu thuẫn sẽ thường xuyên xuất hiện. Theo tôi, đây là chuyện không thể tránh khỏi trên con đường theo đuổi dân chủ. Nhưng tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng.” (Th.Long)

MỚI CẬP NHẬT