Thursday, March 28, 2024

Điểm qua 4 đội tuyển bảng D Asian Cup 2019

TỔNG HỢP – Giải vô địch bóng tròn Châu Á 2019 – Asian Cup 2019 – lần thứ 17 diễn ra tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập (United Arab Emirates – UAE) từ ngày 5 Tháng Giêng đến 1 Tháng Hai, 2019. Đây là lần thứ hai UAE đứng ra tổ chức vòng chung kết châu lục này sau lần đầu vào năm 1966.

Đây là lần đầu tiên giải Asian Cup bao gồm 24 đội tuyển quốc gia, nới rộng từ công thức thi đấu 16 đội được sử dụng từ 2004 đến 2015.

Với hình thức thi đấu mới, tất cả 16 đội tuyển được rút thăm chia ra làm 6 bảng mỗi bảng 4 đội. Sau khi vòng bảng kết thúc, hai đội đứng đầu mỗi bảng cùng bốn đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất có mặt ở vòng 16 đấu loại trực tiếp và tiếp tục cho đến trận chung kết.

Đội tuyển Australia đương kim vô địch giải. Và đội vô địch Asian Cup 2019 sẽ được quyền tham dự giải 2021 FIFA Confederations Cup vẫn chưa quyết định quốc gia nào đứng ra tổ chức sau khi đội chủ nhà Qatar của World Cup 2022 mất quyền đứng ra tổ chức giải đấu này.

24 đội tuyển, qua cuộc rút thăm, được xếp vào sáu bảng A, B, C, D, E, F nhưng trong bài viết này chỉ đề cập bảng D với đội tuyển Việt Nam, Iran, Iraq và Yemen.

Iran

Đội tuyển Iran hiện đứng thứ 29 trên bảng xếp hạng thế giới của FIFA và đứng số 1 khu vực Châu Á.

Trong 13 lần tham dự Asian Cup, đội tuyển Iran có ba lần giơ cao chiếc cúp vô địch trong những năm 1968, 1972 và 1976. Với giải Asian Cup 2015, đội tuyển Iran lọt vào tứ kết và chỉ chịu thua Iraq 6-7 bằng những quả đá phạt đền luân lưu sau khi cả hai hòa nhau 3-3 trong 120 phút thi đấu.

Huấn luyện viên: Carlos Queiroz. Thủ quân: Masoud Shojaei. Cầu thủ đáng xem nhất: Sardar Azmoun.

Đội tuyển Iran lần lượt gặp Yemen (trên sân Abu Dhabi) ngày 7 Tháng Giêng, 2019; so tài với Việt Nam (sân Abu Dhabi) ngày 12 tháng Giêng và đối đầu Iraq (sân Dubai) ngày 16 tháng Giêng, 2019.

Sự rối loạn và không chắc chắn trở nên danh từ bao quanh đội tuyển quốc gia Iran, tuy nhiên huấn luyện viên Carlos Queiroz sẽ xua đi những sự mất tập trung này qua một bên để hướng tới việc chấm dứt 43 năm chờ đợi danh hiệu vô địch giải đấu này.

Iran lần sau cùng đoạt chức vô địch Asian Cup vào năm 1976, khi họ toàn thắng ba giải đấu liên tiếp trở thành một trong những quốc gia thành công nhất của Châu Á từ trước đến nay.

Tuy nhiên đối với tất cả các thể hiện của Iran kể từ đăng quang vô địch sau cùng – tóm tắt bao gồm 5 lần tham dự World Cup và ba huy chương vàng Á Vận Hội – thì danh hiệu vô địch giải mà quốc gia điên cuồng về bóng tròn này đang khao khát nhất.

Thế nên lần này huấn luyện viên Carlos Queiroz triệu tập đến 11 cầu thủ từng tham dự World Cup 2018. Trong danh sách ban đầu của đội tuyển Iran, dễ dàng nhận thấy những tên tuổi như cầu thủ trẻ Sardar Azmoun của đội bóng Rubin Kazan, “lão tướng” Ashkan Dejagah từng thi đấu cho Fullham ở giải Ngoại hạng Anh hay thủ thành cao tới 1m94 – Alireza Beiranvand từng bắt chính tại World Cup 2018. Ngoài ra, Iran còn có cầu thủ Alireza Jahanbakhsh, từng đoạt danh hiệu vua phá lưới giải vô địch quốc gia Hòa Lan hay Karim Ansarifad, tiền đạo của đội Olympiacos, Hy Lạp.

Huấn luyện viên Iraq, Srecko Katanec, thứ hai từ phải, chỉ dẫn cầu thủ trong buổi tập dượt tại trung tâm huấn luyện ở Doha, Qatar. (Hình: AFP)

Iraq

Đứng thứ 88 trên bảng xếp hạng thế giới của FIFA và hạng 11 của Châu Á. Có 8 lầm tham dự Asian Cup từ trước đến nay và thành tích tốt nhất là vô địch giải năm 2007.

Riêng tại giải Asian Cup 2015, đội tuyển Iraq vào đến bán kết, chỉ chịu thua Nam Hàn 0-2 và tranh hạng ba thất bại trước UAE 2-3.

Huấn luyện viên: Mohammed Gassid. Cầu thủ đáng xem nhất: Bashar Resan.

Đội tuyển Iraq sẽ gặp đội tuyển Con Rồng Vàng (nickname của Việt Nam – sân Abu Dhabi) ngày 8 Tháng Giêng, sau đó lần lượt đối đầu với Yemen (sân Sharjah) và Iran ngày 16 Tháng Giêng, 2019 (sân Dubai).

Kể từ khi đăng quang chức vô địch năm 2007, tình hình an ninh tại Iraq đã ảnh hưởng không ít đến sự cải thiện đội tuyển Lions of Mesopotamia (nickname của Iraq) trong đó có cả sự chuẩn bị cho giải đấu này.

Đội tuyển Iraq từng vào đến bán kết 2015, đã không còn duy trì sức mạnh ngày nào khi mà nhiều cầu thủ tên tuổi lớn lần lượt giã từ sân cỏ.

Huấn luyện viên người Slovenia Srecko Katanec dẫn dắt đội tuyển trong Tháng Chín vừa qua, nhưng đội bóng của ông lại không có hàng công mạnh nhất để ghi bàn thắng nhất là lại nằm trong bảng D đầy khó khăn với Iran, nhà vô địch AFF Cup Việt Nam và Yemen. Thế nên nguy cơ rớt từ vòng bảng cũng có thể xảy ra cho Iraq.

Tiền vệ Nguyễn Quang Hải của đội tuyển Việt Nam, trái, trong trận chung kết giải AFF Cup 2018 với Malaysia diễn ra vào ngày 15 Tháng Mười Hai, 2018. (Hình: AFP)

Việt Nam

Lần đầu tiên sau thời gian dài, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-Seo mới lọt vào top 100 trên bảng xếp hạng thế giới FIFA sau khi trải qua một năm 2018 thành công đáng kinh ngạc về bóng tròn.

Tuy chỉ xếp thứ 17 của Châu Á và chỉ một lần dự Asian Cup trong năm 2007 (nhờ đóng vai trò quốc gia đồng tổ chức Asian Cup năm này) và lọt vào tứ kết và thua Iraq 0-2. Riêng Asian Cup 2015, đội tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng sơ loại nên không có vé đến Australia để dự vòng chung kết.

Huấn luyện viên: Park Hang-Seo. Thủ quân: Quế Ngọc Hải và cầu thủ đáng xem là tiền vệ 21 tuổi Nguyễn Quang Hải.

Việt Nam lần lượt so tài với Iraq (sân Abu Dhabi) ngày 8 Tháng Giêng, Iran ngày 12 (sân Abu Dhabi) và Yemen ngày 16 (sân Al Ain).

Huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo được báo chí Hàn Quốc ca ngợi là “thầy phù thủy” biến đổi các đội tuyển Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn, chơi thăng hoa, liên tiếp tạo những kỳ tích trong năm 2018 như đưa đội tuyển U-23 Việt Nam đoạt danh hiệu á quân U-23 Châu Á trong Tháng Giêng, rồi vào bán kết Asiad Games vào Tháng Tám và đưa đội tuyển quốc gia lần thứ hai đăng quang vô địch Đông Nam Á – AFF Cup trong tháng 12 sau khi đá bại đội tuyển Malaysia với tổng tỷ số 3-2 (lượt đi hòa 2-2, lượt về thắng 1-0).

Cho nên đội tuyển Golden Dragons (Những Rồng Vàng) đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập lần này với tâm trạng khác có niềm tự tin cao. Tuy nằm trong bảng tử thần với hai đội mạnh nhất là Iran và Iraq, nhưng đội tuyển Golden Gragons được đánh giá là “ngựa ô” và có thể hạ gục bất cứ đối thủ nào.

Thủ quân Yemen, Ala Al Sasi, trái, trong trận đấu với Bahrain tại giải 2014 Gulf Cup of Nations. (Hình: AFP)

Yemen

Đứng thứ 135 trên bảng xếp hạng thế giới FIFA và hạng 26 tại Châu Á. Đây là lần đầu tiên Yemen dự vòng chung kết Asian Cup.

Huấn luyện viên: Jan Kocian. Thủ quân: Ala Al Sasi. Cầu thủ đáng xem: Ala Al Sasi.

Yemen sẽ gặp Iran ngày 7 tháng Giêng (sân Abu Dhabi); Iraq ngày 12 tháng Giêng (sân Sharjah); và Vietnam ngày 16 Tháng Giêng, 2019 (sân Al Ain).

Yemen lần đầu tiên dự Asian Cup tại UAE sau khi chiếm ngôi á quân ở bảng đấu vòng loại mà Philippines chiếm ngôi đầu cùng với hai đội tuyển khác là Tajikistan và Nepal. Cuộc nội chiến triền miên là lý do quan trọng nhất cản trở sự chuẩn bị của đội tuyển quốc gia Yemen, khi không được thi đấu trên sân nhà vì vấn đề an ninh. Trong tháng Mười vừa qua, Yemen có sự thay đổi huấn luyện viên khi Jan Kocian của Slovakia thay thế Abraham Mebratu. Vì thế Yemen được xem là đội tuyển yếu nhất tại bảng D.

Thành tích đối đầu của Việt Nam với ba đội Iran, Iraq và Yemen

Việt Nam chưa lần nào đụng Iran ở cấp đội tuyển quốc gia cũng chưa từng thắng Iraq trong quá khứ khi gặp nhau ba lần trong đó thua hai hòa 1. Trong khi đó đối với Yemen, đội tuyển Việt Nam chỉ gặp một lần tại Asiad Games 2002 và thua 0-2.

Kết quả nói trên chỉ là quá khứ và hiện tại, với lứa cầu thủ trẻ như Quang Hải, Duy Mạnh, Công Phượng, Văn Toàn…nếu thi đấu tốt Việt Nam có thể làm buồn lòng cả ba đội Iran, Iraq và Yemen để giành quyền đi tiếp vào vòng 16.

Đặc biệt với sự tham dự của 24 đội, và chọn 16 đội vào vòng trong nên Việt Nam vẫn nhiều hy vọng nằm trong bốn đội xếp hạng ba của mỗi bảng có thành tích tốt nhất. Nếu may mắn hơn, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể cầm hòa hoặc giành chiến thắng trước Iraq để giành vé đi tiếp với vị trí nhì bảng D. (TTC)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT