Friday, April 19, 2024

Có 33 máy quay phim phục vụ trọng tài trong mỗi trận

Lần đầu tiên World Cup 2018 sử dụng VAR (Video Assistant Referee) nghĩa là kỹ thuật dựa vào video để hỗ trọng tài chính đang cầm còi trên sân quyết định hay sửa đổi quyết định nếu cần.

Số lượng máy quay phim phục vụ cho VAR và các trọng tài ở World Cup 2018 nhiều hơn so với khán giả truyền hình.

VAR được áp dụng cho toàn thể 64 trận World Cup ở Nga, và mặc dầu vẫn còn nhiều tranh cãi về tính cách hợp lý của thể thức này, nhưng không ai có thể phủ nhận giá trị chính xác và công bằng của nó.

Ngoài số máy quay thông thường để phục vụ khán giả truyền hình trên toàn thế giới, các trọng tài ở Nga còn dùng thêm nhiều máy quay phim đặc biệt hơn, nhằm ghi nhận và phân tích tỉ mỉ các tình huống xảy ra rất nhanh mà mắt thường không thể nào nhận biết chính xác.

Toàn bộ diễn tiến của trận đấu được hệ thống VAR ghi hình và truyền trực tiếp về một trung tâm, đặt tại Moscow, nơi có các chuyên viên và một toán bốn trọng tài ngồi quan sát các video, trong đó trọng tài trưởng toán thường trực liên lạc vô tuyến điện thoại với trọng tài chính trên sân cỏ để đưa ra khuyến cáo khi cần.

Trung tâm này theo dõi hình ảnh do 33 máy quay phim đặt quanh sân, thu từ nhiều góc cạnh, bao gồm hai máy riêng được đặt ở hai nửa sân để theo dõi các tình huống việt vị và 14 máy ghi hình tốc độ chậm (slow-motion) và siêu chậm (super slow-motion) rải đều ở cả bốn cạnh sân và trên cao, để theo dõi trận đấu. Trong các trận vòng đấu loại trực tiếp, phía sau khung thành sẽ được bổ sung thêm hai máy ghi hình siêu chậm. Hầu hết những hình ảnh từ máy quay phim có thể chỉ được trọng tài theo dõi chứ không xuất hiện trên truyền hình công cộng.

VAR, về bản chất là kỹ thuật, hỗ trợ trọng tài ra quyết định trên sân bóng chứ không thay thế được các vị vua sân cỏ.

FIFA cho biết mọi quyết định của trận đấu vẫn do trọng tài chính trên sân quyết định. Toán trọng tài video ngồi ở Moscow theo dõi qua máy quay phim chỉ hỗ trợ, thông báo khi thấy có lỗi bị bỏ sót hay một tình huống bị xử lý sai lầm. Trọng tài chính trên sân khi được trọng tài video thông báo, có thể lựa chọn cho ngưng trận đấu trong vài phút và bước ra xem lại tình huống qua một màn hình riêng đặt bên ngoài đường biên, rồi giữ nguyên quyết định hay “bẻ còi,” nghĩa là thay đổi quyết định trước đó.

Trọng tài cũng có quyền tự ý quyết định để trận đấu diễn tiến theo tiếng còi của mình, coi trọng tài video như không có và chịu trách nhiệm, nếu FIFA xét xử sau này.

VAR lần đầu tiên được FIFA áp dụng ở World Cup đã giúp trọng tài hạn chế bỏ sót các tình huống phạm lỗi trong vùng cấm địa, hoặc quyết định sai lầm. Do đó, năm nay có số trái phạt đền trong 48 trận vòng bảng nhiều nhất lịch sử World Cup, 18 lần, và đồng thời cũng có một số trường hợp bị trọng tài từ chối sau khi đã thổi phạt rồi đưa tay làm hiệu ngưng trận đấu để bước ra xem lại màn hình.

VAR cũng giúp xác định được tình huống bóng đã đi qua lằn vôi ngang khung thành, nghĩa là đã có bàn thắng. Đó là trường hợp trận Pháp-Úc, bóng chạm xà ngang khung thành, đi xuống đất, rồi ra ngoài, không vào lưới.

Tuy nhiên, người ta  cũng chứng kiến VAR ở World Cup bị nhiều phản ứng gay gắt từ cầu thủ cũng như cổ động viên. Cầu thủ và  cổ động viên Morocco cho rằng VAR là “rác rưởi,” chỉ phục vụ cho đội mạnh, vì nó và trọng tài đã bỏ sót nhiều tình huống dẫn đến việc đội bóng này bị Tây Ban Nha loại ở Bảng B. (HC)

Nga bắt kẻ dọa đánh bom sân bay trong lúc diễn ra World Cup

MỚI CẬP NHẬT