Tuesday, April 16, 2024

Trọng tài tại World Cup 2018 phạt chính xác hơn nhờ video

Sau 2 năm thử nghiệm qua hơn 1,000 trận đấu, hệ thống sử dụng video hỗ trợ cho trọng tài (VAR) đã được Hội Đồng Lập Quy Bóng Đá Quốc Tế  (IFAB) chính thức ghi vào luật bóng đá, nhưng chưa bắt buộc các liên đoàn phải thi hành ngay.

Sở dĩ có điều kiện ấy vì đã có  nhiều tranh cãi quanh việc dùng VAR. Nhiều người cho rằng hệ thống này phiền phức rắc rối gây nên lộn xộn, không bảo đảm đem đến kết luận công bằng hợp lý như mong muốn. Có những ý kiến cho rằng VAR làm cho trận đấu mất tính liên tục. Ở một số trận khi VAR được sử dụng, nhiều khán giả la ó huýt gió mỗi lần trọng tài phải bước ra ngoài sân để xem đoạn video vừa thu.

Khán giả Mỹ có lẽ quen thuộc hơn với kỹ thuật này. VAR đã được dùng cho một số các trận đấu của MLS (Major League Soccer) năm 2017, và kỹ thuật tương tự cũng đã được dùng cho các trận football của NFL (National Football League), VAR được áp dụng lần đầu tiên tại Cúp Liên Đoàn các Châu Lục (2017 FIFA  Confederations Cup) Tháng Mười năm ngoái.

Ngày 18 Tháng Ba, 2018, FIFA biểu quyết chấp thuận sẽ áp dụng VAR lần đầu tiên cho tất cả 64 trận đấu tại World Cup ở Nga. Chủ tịch FIFA, ông Gianni Infantino, dân Colombia, nói rằng trước kia ông chống VAR nhưng bây giờ tán thành nó “sau khi đã duyệt gần 1,000 trận thử nghiệm và nhận thấy mức chính xác tăng từ 93% lên 99% nghĩa là gần như hoàn hảo.”

VAR hoạt động như thế nào?

VAR được viện tới trong 4 tình huống: (1) xác định một bàn thắng là đúng và không có vi phạm; (2) các quyết định phạt, đặc biệt quan trọng khi phạt đền; (3) phạm lỗi phạt thẻ đỏ (đuổi ra khỏi sân) không kể thẻ đỏ đương nhiên do từ hai thẻ vàng liên tiếp; (4) xác định đúng lý lịch cầu thủ bị phạt.

Một trọng tài video VAR, có phụ tá, theo dõi trận đấu trên màn hình và luôn luôn giữ liên lạc vô tuyến trực tiếp với trọng tài chính trên sân. VAR sẽ duyệt đoạn video quay lại khi nghi ngờ có lỗi lầm hoặc khi trọng tài chính yêu cầu. Nếu xem video quay lại không thấy có sai, VAR sẽ không cần báo gì cho trọng tài và trận đấu tiếp tục như thường. Nếu VAR tin rằng rõ rệt có sai lầm, sẽ báo ngay cho trọng tài.

Trong trường  hợp này, trọng tài có thể: (a) thay đổi quyết định theo khuyến cáo của VAR hoặc (b) bước ra ngoài đường biên, đến màn hình xem video quay lại, với trợ giúp của chuyên viên hình ảnh, để cuối cùng  giữ nguyên hay thay đổi quyết định. Theo quy định của FIFA, trọng tài chính vẫn là người có quyền quyết định cuối cùng.

VAR là một hệ thống trọng tài hoạt động rất phức tạp. Tại World Cup 2018 ở Nga, mỗi trận đấu ngoài 3 trọng tài trên sân còn cần tới 4 trọng tài của FIFA và 4 chuyên viên kỹ thuật video. Bốn trọng tài gồm một VAR và ba phụ tá, hai trong ba phụ tá có mặt bên cạnh sân ở khu đặt màn hình cho trọng tài chính ra xem lại video. Cầu thủ bị phạt thẻ vàng nếu tỏ dấu hiệu muốn trọng tài ra xem lại video hay xâm nhập khu vực này, thành viên đội tuyển vi phạm như thế sẽ bị đuổi khỏi sân.

Trọng tài video VAR và phụ tá trong tất cả các trận của Wold Cup Nga sẽ ngồi ở trung tâm video tại Moscow, nơi đây có hình ảnh của mọi máy thu hình ở sân đấu trong đó có hai máy dành riêng theo dõi các lỗi việt vị.

IFAB cho rằng VAR là “một bước tiến lịch sử cho sự công bằng trong bóng đá” và triết lý của VAR là ‘can thiệp tối thiểu nhưng mang lại lợi ích tối đa,’ hệ thống này nhằm giảm số lượng những lỗi rõ ràng hoặc tình tiết nghiêm trọng bị bỏ sót trong bóng đá.”

Trong thực tế, dù được đánh giá tích cực đến đâu thì VAR vẫn chỉ được điều khiển bởi con người, với những quyết định đưa ra bằng mắt thường và không thể nào là tuyệt đối hoàn hảo, cũng như sẽ không tránh khỏi hết các tranh cãi. (HC)

Những độc giả đầu tiên nhận ấn bản “Cẩm nang World Cup 2018” tại nhật báo Người Việt

MỚI CẬP NHẬT