Tuesday, April 16, 2024

Bị công luận chỉ trích, CSVN nới lỏng việc ‘dán tem’ đào rừng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thủ tướng CSVN chỉ đạo cấm chặt đào rừng, lập tức Tổng Cục Lâm Nghiệp bắt buộc người dân phải “dán tem” và làm đơn mô tả nguồn gốc cây đào rừng thì mới được bán. Sau khi bị công luận chỉ trích, lãnh đạo Tổng Cục Lâm Nghiệp xuống giọng “tùy theo tình hình thực tế của từng tỉnh và nhu cầu, nguyện vọng của người dân chứ không nhất thiết.”

Ngày 22 Tháng Giêng, nói với báo Tiền Phong liên quan việc một số cơ quan chức năng tỉnh Tây Bắc bắt giữ đào rừng của người dân để kiểm tra nguồn gốc, ông Trần Quang Bảo, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, biện minh cho rằng sau khi thủ tướng CSVN chỉ đạo về việc cấm chặt đào rừng, kiểm soát cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu, Bộ Nông Nghiệp đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn các tỉnh có trồng đào rừng.

Đào rừng của người dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, bị bắt buộc dán tem kiểm soát. (Hình: Dương Hưng/Tiền Phong)

Theo đó, việc khai thác cây đào, mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng “tùy điều kiện cụ thể địa phương có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc xuất xứ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.”

“Nếu xảy ra hiện tượng cơ quan hữu trách địa phương giữ đào của người dân buôn đào về xuôi bán, đề nghị chính quyền sở tại chỉ đạo các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông cây đào. Việc kiểm tra trong lúc lưu thông chỉ nên được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lâm nghiệp,” ông Bảo nói.

Trước đó lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp, khẳng định việc dán tem “truy xuất nguồn gốc” để phân biệt đào rừng “là cần thiết,” bởi vì hiện nhiều mặt hàng nông sản muốn tạo thương hiệu uy tín trên thị trường đều “cần dán nhãn truy xuất nguồn gốc.”

Liên quan đến cây đào rừng do người dân ở các huyện Vân Hồ, Bắc Yên… tỉnh Sơn La trồng ra hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán nhưng không thể bán cho thương lái vì giới hữu trách ép buộc phải dán tem “truy xuất nguồn gốc” khá rắc rối, khiến nhiều người thất thu lo mất Tết, ngày 20 Tháng Giêng, ông Vũ Thanh Hải, phó chủ tịch huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, “thủ phủ” đào rừng Tây Bắc, cho biết huyện đã phát hành 10,000 con tem in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký của trưởng Phòng Nông Nghiệp huyện xác nhận nguồn gốc cây đào trồng.

Theo báo Tiền Phong, sau khi được cấp tem, Ủy Ban Nhân Dân các xã thành lập Tổ Cấp Phát-Kiểm Soát, bao gồm chủ tịch, trưởng công an xã, trưởng bản…để “kiểm soát chặt chẽ số lượng tem phát ra, bảo đảm cấp đúng cho các hộ trồng đào theo số lượng đào hiện có tại nương, vườn; nghiêm cấm cấp phát tem tràn lan, sai đối tượng.”

“Mất một ngày lựa chọn, tôi mua được 60 cành đào khá đẹp do người dân trồng. nhưng khi chuẩn bị vận chuyển về Hà Nội thì bị cơ quan hữu trách giữ lại. Họ cho biết cần có thời gian để cán bộ tới tận nhà dân xác minh xem có đúng đào rừng nhà trồng hay không. Nhiều thương lái có mặt ở xã Tà Xùa chỉ vì chuyện này đã bỏ cuộc không dám mua,” ông Nguyễn Văn Hiếu, một thương lái buôn đào rừng gần 10 năm, cho biết.

Người dân trồng đào ở các tỉnh vùng Tây Bắc lo không bán kịp đào dịp Tết vì các thủ tục rườm rà của chính quyền. (Hình: Minh Chuyên/Giao Thông)

Trong khi đó ông Phan Văn Bình (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết mấy ngày nay ông phải “chạy ngược chạy xuôi” hỏi thăm thông tin lô đào rừng mà ông đã mua của người dân trên Tà Xùa bị cơ quan hữu trách giữ lại chờ xác minh.

“Sau khi ra Ủy Ban xã Bắc Yên, tôi bị cán bộ xã yêu cầu ký vào giấy xác nhận với nội dung là mua của gia đình nào, số lượng ra sao… rồi chờ cán bộ đi kiểm chứng, với sự xác nhận của ủy ban xã và hàng loạt cán bộ xã. Vì lý do này, lô đào hơn 50 triệu đồng ($2,170) của tôi đã bị giữ lại mất ba ngày…,” ông Bình mệt mỏi nói.

Theo ông Bình, thời điểm Tết đã cận kề, bắt đầu vào vụ mua bán hoa đào rừng nên nếu cứ chờ truy xuất nguồn gốc, dán tem chứng nhận… nhiều thủ tục như vậy, dân buôn không dám “đánh hàng” tiếp, người dân cũng không thể chặt đào mà mình trồng để bán. Hơn nửa tháng nay, việc buôn bán “đào rừng” trồng ở một số tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… dường như bị tê liệt.

Ông Tếnh A Chìa, chủ tịch xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, cho biết đến thời điểm hiện tại hơn 300 hécta đào rừng của người dân xã này vẫn chưa được khai thác. Trong khi đó cây hoa đào là một cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương mỗi khi Tết đến. Thông thường, bắt đầu từ Tháng Mười Một Âm Lịch, việc buôn bán cành đào ở các bản trong xã diễn ra rất nhộn nhịp.

“Người dân trong xã có vườn đào cả chục năm tuổi không dám rao bán. Các thương lái năm nay chưa có ai lên hỏi mua. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị ủy ban huyện, tỉnh xác nhận nguồn gốc cây đào trồng để người dân yên tâm sản xuất, trồng theo quy mô lớn. Nhưng đến nay, xã chưa nhận được văn bản hướng dẫn của cấp trên. Nếu không sớm xử lý nhanh, hoa đào lỡ thời gian khai thác sẽ rất lãng phí và gây thiệt hại lớn cho bà con,” ông Chìa nói. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT