Friday, March 29, 2024

Dân Đồng Nai đua nhau chặt hồ tiêu, bán rễ cho Trung Quốc

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Thương lái Trung Quốc đang cho người ồ ạt thu mua rễ cây hồ tiêu với giá khá cao, khiến nông dân ở Đồng Nai đua nhau chặt cây để đào lấy rễ đem bán.

Theo Sở Nông Nghiệp Đồng Nai, lợi dụng giá hồ tiêu đang thấp, hiện thương lái không thu mua hồ tiêu mà đi gom mua rễ cây hồ tiêu để bán cho các doanh nghiệp mang qua Trung Quốc với giá khá cao để làm gì thì chưa rõ.

Ông Đặng Quang Hải, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, có 1 héc ta hồ tiêu. Đầu Tháng Ba vừa rồi ông đang định chặt bỏ toàn bộ vườn tiêu cũ để trồng mới thì có thương lái tìm đến đặt vấn đề mua rễ tiêu.

“Trước mình chặt thì gom rễ đốt, giờ họ mua thì mình bán. Tôi thu được 4 triệu đồng tiền bán rễ nhưng thật sự tôi không biết họ mua để làm gì,” ông Hải cho biết.

Nói với báo VNExpress, ngày 9 Tháng Năm, ông Lê Đình Hưng, phó chủ tịch ủy ban xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, cho biết hiện tượng này diễn ra trong khoảng 2 tháng nay. Tại xã này đang có 4 thương lái thu mua rễ cây hồ tiêu với giá 20,000 đồng/kg tươi và 80,000-90,000đồng/kg khô. Sau khi thu mua họ bán lại cho công ty Âu Nga.

“Qua làm việc với công ty Âu Nga, đơn vị này cho biết sẽ bán lại cho một doanh nghiệp khác ở Sài Gòn để xuất qua Trung Quốc làm thuốc bắc,” ông Hưng nói.

Khảo sát của ủy ban xã Xuân Thọ ghi nhận, hiện tại ở xã đã có 14 hộ trồng tiêu đào rễ bán cho thương lái với diện tích hơn 10 héc ta, phần lớn diện tích tiêu nông dân chặt bỏ để bán rễ đều là cây già, năng suất thấp.

Một vườn hồ tiêu đã bị chặt, đào rễ bán cho thương lái. (Hình: Dân Trí)

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, giá hồ tiêu đang xuống thấp chỉ còn vài chục ngàn  đồng một kg, trong khi giá rễ tiêu được thu mua khá cao nên ban quản lý lo sợ người dân sẽ chặt ồ ạt tiêu để bán rễ.

Tin cho biết trước đó, khi giá hồ tiêu cao cũng đã xuất hiện tình trạng cắt trộm dây tiêu bán giống. Theo ông Hưng, có thể có hiện tượng đào trộm rễ tiêu. Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh ở địa phương.

Mới đây, Sở Nông Nghiệp Đồng Nai cũng đã có cảnh báo về vụ việc trên. Đồng thời, đề nghị các địa phương thông tin đến người dân những hệ lụy. “Mục đích của việc thu mua này là không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường.”

“Tình trạng này dễ dẫn đến nguy cơ người dân sẽ chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ hay có đào trộm rễ tiêu để bán. Việc này sẽ làm lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất, trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội,” văn bản do ông Trần Đình Minh, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Đồng Nai nêu.

Ngoài thu mua rễ tiêu làm thuốc bắc, theo cơ quan này, một số thương lái có thể thu mua khô rồi đem xay thành bột để trộn với tiêu thật để làm gia vị. Việc này rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi mua nhầm tiêu gia vị xay sẵn có trộn lẫn bột rễ tiêu. Bởi trong thân, gốc, rễ cây hồ tiêu có thể còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất.

Nói với báo Người Lao Động ngày 8 Tháng Năm, ông Trần Lâm Sinh, chi cục trưởng Chi Cục Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật tỉnh Đồng Nai, cho rằng về mặt kỹ thuật, các bộ phận của cây trồng (như rễ, gốc, thân,…) khi vận chuyển từ vùng này sang vùng khác nếu không kiểm soát kỹ có thể lây lan dịch bệnh.

“Nếu cây hồ tiêu bị bệnh chết thì gốc và rễ phải được chôn ở hố có rải vôi để xử lý dịch bệnh, chứ không được vận chuyển sang nơi khác làm lây lan dịch bệnh. Trường hợp dùng gốc và rễ tiêu để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm hoặc dược liệu cũng không bảo đảm do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong quá trình canh tác,” ông Sinh giải thích. (Tr.N)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Chè chuối khoai lang”

MỚI CẬP NHẬT