Thursday, March 28, 2024

‘Chuyện thần tiên’ của Chánh Lục Sự Hugh Nguyễn: Tìm được cha ‘tưởng đã chết’ sau gần nửa thế kỷ

Đỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Câu chuyện ông Hugh Nguyễn, một người mang hai dòng máu Mỹ – Việt, tìm được cha ruột sau gần nửa thế kỷ sẽ giống như bất cứ “chuyện thần tiên” nào đó ở đời.

Tuy nhiên, cái đặc biệt trong “chuyện thần tiên” của ông là tìm được người cha “tưởng đã chết” cách nay gần 50 năm!

Ông Hugh Nguyễn, tên Việt Nam là Hiếu Nguyễn, một người Việt lai Mỹ trắng, hiện là chánh lục sự Orange County, phụ trách lưu giữ tất cả các loại hồ sơ liên quan đến hộ tịch, thương mại, giấy phép của 3 triệu cư dân Orange County.

Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ này trong lịch sử Orange County.

“Bây giờ tôi có thêm một gia đình”

“Tôi rất sốc khi biết tin tôi có con. Tôi cũng cảm thấy có lỗi. Tuy nhiên, điều tôi sung sướng nhất là Hugh có một gia đình tuyệt vời. Bây giờ tôi có thêm một gia đình nữa,” ông Roy Patterson, hiện là cư dân thành phố Cookeville, tiểu bang Tennessee, nói với nhật báo Người Việt, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster, hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Chín, khi ông được ông Hugh Nguyễn, con trai ruột của ông, đưa tới đây thăm.

Ông kể thêm: “Lúc đầu, khi nghe người bà con của tôi nói tôi có con ở Việt Nam, tôi không tin. Sau đó, người này kể những nơi chốn, thời điểm, thì tôi nhớ là tôi có đóng quân ở những nơi này, vào thời điểm đó. Thế là tôi quyết định nói chuyện với Hugh.”

“Tôi là người theo đạo Tin Lành, tôi tin là Chúa đã sắp đặt mọi thứ để tôi gặp được Hugh ngày hôm nay,” ông Patterson nói thêm.

Ông Hugh Nguyễn xúc động kể: “Tôi không thể ngờ là có ngày hôm nay. Tôi vẫn thường nhủ, không bao giờ bỏ cuộc. Nếu mình tin và mình kiên nhẫn, thì cuối cùng mình sẽ đạt được. Và ngày hôm nay, đứng ở tượng đài này, tôi được gặp lại người cha của tôi.”

Bà Lorena Nguyễn, vợ của vị chánh lục sự, nói: “Thực ra, chúng tôi quen nhau từ hồi học lớp 9, và anh chẳng bao giờ kể chuyện này. Sau này, khi quen thân hơn, anh mới giới thiệu gia đình, nhưng không đề cập đến chuyện người cha. Sau này anh mới kể, nhưng là nghe nói đã chết. Tôi nói anh phải đi tìm, đừng tuyệt vọng, vì không có bằng chứng là cha anh thật sự chết.”

Ông Roy Patterson hồi tham chiến tại Việt Nam. (Hình: Hugh Nguyễn cung cấp)

“Và mọi chuyện xảy ra vô cùng nhanh, bất ngờ. Và bây giờ, những dày vò, cắn rứt, và nghi ngờ của anh đã chấm dứt. Anh vẫn yêu thương những người trong gia đình, nhưng bây giờ anh tìm được người cha. Mọi thứ đã khép lại, và anh đang bắt đầu một chương mới,” bà Lorena nói tiếp.

Tuy nhiên, đối với cô Gabrielle Nguyễn, người con gái của ông Hugh Nguyễn, mọi chuyện có hơi khác một chút.

Cô nói: “Tôi chưa bao giờ trải qua chuyện như vậy, nên không biết nói làm sao. Chuyện này có thể xảy ra với bất cứ ai, và tôi nghĩ cha tôi, gia đình tôi được ơn phước trong vụ này. Tôi sẽ bay đến Tennessee để thăm và làm quen với ông nội trong những ngày tới.”

Câu chuyện người cha “đã chết”

“Theo như mẹ tôi kể, sau khi có bầu, bà đến căn cứ nơi cha tôi đóng quân để tìm ông, thì bạn ông nói ông chết rồi. Mẹ không tin lắm, có trở lại mấy lần, nhưng đều được trả lời là ông tử trận,” ông Hugh kể.

Ông nói thêm: “Sau này tôi mới biết, có lẽ các bạn muốn bảo vệ ông, để ông có thể trở về Mỹ không bị rắc rối.”

Dù nghe mẹ kể vậy, trong thâm tâm, ông Hugh không bao giờ tuyệt vọng trong việc đi tìm cha.

“Tôi luôn nghĩ trong đầu là thứ nhất, có thể vì trách nhiệm, thứ hai, có thể vì gia đình ông, và thứ ba, tôi không được quyền tuyệt vọng,” vị chánh lục sự gốc Việt ở Orange County chia sẻ.

Vào một ngày của Tháng Bảy, 2015, ao ước tìm cha của vị chánh lục sự gốc Việt lại bị thôi thúc thêm một lần nữa.

Ông Hugh Nguyễn hồi còn nhỏ đứng trước cửa nhà ông bà ngoại ở Nha Trang, Việt Nam. (Hình: Hugh Nguyễn cung cấp)

Ông kể: “Tại một buổi họp, sau khi nghe câu chuyện của tôi, một bà Mỹ nói rằng ‘Ông là chánh lục sự của quận hạt, ông biết nguồn gốc của tất cả mọi người, mà lại không biết nguồn gốc của ông.”

Về nhà, ông Hugh trằn trọc mãi, không ngủ được. Và cuối cùng, ông nhất quyết phải bắt đầu cuộc hành trình đi tìm người cha của mình, ông Roy Patterson.

Đi tìm cha qua DNA

Sau một thời gian tìm hiểu, ông Hugh lấy DNA của mình, nộp cho Ancestry.com, LLC, một công ty lưu trữ DNA của hàng triệu người, có văn phòng ở Utah, đồng thời giúp truy tìm người thân cho người khác, qua phân tích DNA.

Thủ tục của công ty là khách hàng cung cấp mẫu DNA của mình.

Sau đó, AncestryDNA, một công ty con của Ancestry.com, tìm các mẫu DNA khác để xem có phù hợp, có quan hệ huyết thống gì hay không, gọi là “ethnicity estimate.”

Khi có kết quả, họ báo cho khách hàng, và những người này tự liên lạc với nhau.

“Tôi được Ancestry.com báo cho biết tôi có một người chị họ, bà Sherry Stokes. Thế rồi Tháng Tư năm nay tôi liên lạc bà, không thấy bà trả lời. Đến Tháng Tám, tôi liên lạc bà lần nữa,” ông Hugh Nguyễn kể.

Ông nói tiếp: “Đến ngày 12 Tháng Tám, bà email cho tôi, cho biết bà biết cha tôi là ai. Sau khi tôi kể lý lịch của tôi cho bà, bà liền gọi cho ông. Thế là ông liên lạc với tôi. Tôi nói ông lên Nashville thử DNA rồi gởi cho Ancestry.com. Sau đó, chúng tôi biết chúng tôi là cha con.”

“Sau này ông kể, khi lần đầu tiên nói chuyện với tôi, dù chưa thử DNA, ông biết ngay 99% tôi là con của ông,” vị chánh lục sự kể.

Ông Hugh Nguyễn chia sẻ thêm một chi tiết nhỏ, nhưng vô cùng quan trọng, đó là bà Stokes.

“Anh biết không, nếu không có bà này, chưa chắc tôi tìm được cha. Trong một lần sinh nhật của bà, người con của bà tặng bà một ‘coupon’ của Ancestry.com, để bà thử DNA rồi giao cho họ. Nhờ vậy mà người ta mới khám phá ra bà có cùng dòng máu với tôi.”

Câu chuyện của thế kỷ trước

Trong một lần trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt hồi Tháng Tư, 2015, ông Hugh kể rằng: “Mẹ tôi nói cha tôi là lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, tử trận ở Nha Trang trước năm 1975. Tôi chưa từng biết mặt cha tôi kể từ khi chào đời.”

Ông Hugh Nguyễn (trái) và người cha ruột, ông Roy Patterson, chuẩn bị bước vào Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ông cho biết thêm: “Cha tôi chết trong khi tôi còn trong bụng mẹ. Vì là con lai, sau khi sinh được hai tháng, mẹ tôi giao tôi cho ông bà ngoại và cô Nhâm nuôi.”

“Sau đó, tôi được ông bà ngoại đưa vào ở với người chú tên Đạt. Khi ấy chú tôi đi lính, đóng ở Long Khánh. Tôi được đưa vào học tại một trường Công Giáo. Cuối tuần tôi mới được về nhà, nhưng vì chiến tranh, gia đình ông bà ngoại đưa tôi về Sài Gòn,” ông kể.

Cuộc chiến Việt Nam kết thúc 1975 đánh dấu cuộc đổi đời của cậu bé con lai, khi ấy mới 7 tuổi.

“Vì là con lai, ông bà ngoại sợ Việt Cộng trả thù nên đem tôi và đứa em gái hai tuổi cho tổ chức nhận con nuôi của Mỹ. Tôi ở với họ được hai ngày thì ông bà ngoại đến đòi cho hai anh em tôi về,” ông nói.

“Vì cô Nhâm làm cho tòa Đại Sứ Mỹ hồi đó, nên cô lại tìm cách cho gia đình chúng tôi đi Mỹ. Nhờ thế mà hai em chúng tôi thoát chết, vì nếu còn ở lại với cơ quan nhận con nuôi thì chúng tôi có thể đã lên chuyến bay thuộc chương trình ‘bốc con lai’ bị rớt hồi đó rồi,” ông nói thêm.

“Tôi còn nhớ hôm xe đến đón gia đình tôi để vào phi trường Tân Sơn Nhất, mẹ tôi không muốn đi. Bà khóc ròng, ở lại. Khi xe vào đến phi trường, tiếng đạn pháo kích làm chúng tôi sợ lắm. Tôi nhớ hôm ấy là ngày 28 Tháng Tư, chúng tôi được chuyển lên xe buýt để ra chỗ máy bay đậu. Nhưng đến ngày hôm sau, chúng tôi, gồm hai anh em, cô Nhâm, và ông bà ngoại, được trực thăng đưa ra hàng không mẫu hạm USS Midway trước. Nơi đây chúng tôi gặp lại cô Mười và cô Vui, hai người bị kẹt không lên cùng chuyến xe buýt,” ông kể.

Ông cho biết sau đó, vào ngày 3 Tháng Năm, 1975, gia đình ông đến một căn cứ Hải Quân Mỹ ở Subic Bay, Philippines. Sau đó lại được đưa đến căn cứ Anderson Naval Station ở đảo Guam vào cuối Tháng Sáu, trước khi lên máy bay về căn cứ Thủy Quân Lục Chiến ở El Toro, sau cùng là đến Camp Pendleton, và lưu lại nơi này đến Tháng Bảy.

“Ngày 2 Tháng Chín, 1975 gia đình chúng tôi được nhà thờ Grace Lutheran ở El Centro, California, bảo trợ. Tôi bắt đầu cuộc sống mới. Tôi bắt đầu học tiếng Anh. Tôi thầm kính phục cô Nhâm của tôi về tài quán xuyến của cô. Vừa đi dạy kèm, vừa học lái xe, cô lo kiếm sống nuôi gia đình gồm bảy người, trong suốt bốn năm,” ông kể.

Đầu Tháng Bảy, 1979, gia đình ông dọn về sinh sống ở Orange County.

“Tôi học McFadden Junior High, rồi tốt nghiệp Saddleback High School năm 1987. Sau đó tôi theo học Santa Ana College và hoàn tất chứng chỉ môn quản trị trong hai năm. Tôi vừa đi học, vừa đi làm cho tờ báo LA Daily Journal được một năm,” ông kể tiếp.

Ông thêm: “Tôi xin làm cho Sở Lục Sự Orange County một năm rưỡi, không có quyền lợi gì, nhưng tôi giúp cho ông sếp của tôi là ông Gary Granville khi ông ấy ra tranh cử và đắc cử. Từ năm 1998 đến năm 2006, tôi được vào chức vụ phó lục sự. Tháng Bảy, 2006, tôi được thăng chức và làm phụ tá thư ký Hội Đồng Giám Sát,” ông nói.

Khi Chánh Lục Sự Tom Daly đắc cử chức vụ dân biểu tiểu bang Địa Hạt 69, ông Hugh Nguyễn là một trong 900 người nộp đơn vào chức vụ chánh lục sự.

“Sau cùng, tôi là một trong 11 người được Hội Đồng Giám Sát Orange County bổ nhiệm vào thay ông Tom Daly. Tháng Sáu, 2013 tôi ra tranh cử chức chánh lục sự. Tôi thắng vẻ vang với tỉ lệ phiếu 61% trong số bốn ứng cử viên. Nhờ phiếu của người Việt mình nhiều lắm,” ông khẳng định.

“Tôi cũng không quên được nỗi vui mừng khi đắc cử. Đúng là nước Mỹ là đất của cơ hội, của tự do. Tôi rất hãnh diện mang dòng máu Việt của mẹ tôi,” ông tâm sự.

Trước khi từ Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ra về, vị chánh lục sự gốc Việt lai Mỹ có một lời nhắn cho những người trong hoàn cảnh của ông.

“Đừng bao giờ tuyệt vọng. Nếu thật sự muốn đi tìm cha mình, quý vị có thể làm được điều đó. Và đó là ngày hôm nay, tôi đứng tại đây với cha ruột của mình,” ông Hugh Nguyễn nói. (Ðỗ Dzũng)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Người Việt lai Mỹ tìm lại cha sau 50 năm”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT