Thursday, March 28, 2024

Làng lụa Mã Châu đang dần lụi tàn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Cơ sở lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nơi kế thừa nghề nuôi tằm, dệt lụa danh tiếng trong và ngoài nước bậc nhất của xứ Quảng một thời, hiện đang dần lụi tàn.

Trước đây, lụa Mã Châu, thứ lụa mà hàng trăm năm trước được các thương buôn Nhật, Tây phương… ghé Hội An, đi thuyền nhỏ theo sông Thu Bồn đến tận làng trồng dâu dệt lụa để đưa các sản phẩm dệt tơ lụa nổi tiếng như đoạn, lĩnh, gấm, vóc, trườu, sa… của xứ Đàng Trong đi khắp thế giới.

Về phẩm chất các làng lụa xứ Quảng, danh nhân Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ Biên Tạp Lục rằng: “Người Phủ Thăng, Phủ Điện dệt được các loại the, đoạn, lụa, là hoa hòe chẳng kém gì Quảng Đông.”

Vậy mà giờ đây cơ sở lụa đã thưa dần tiếng khung cửi, tiếng nói cười của công nhân, và chỉ vài tấm lụa trắng đang phơi phất phơ.

Ông Trần Hữu Phương, người duy nhất còn sống chết với nghề lụa Mã Châu, kể: “Cùng thời với tôi vào những năm bao cấp, Hợp Tác Xã Lụa Mã Châu có hơn 300 người làm nghề, nhưng bây giờ thì không còn ai.”

Ông là cháu đời thứ 17 của một nghệ nhân quê ngoài Bắc, ông bà ôm cả tro cốt thân nhân vào định cư làm nghề nuôi tằm dệt lụa Mã Châu. Bà tổ truyền nghề dệt cho làng này cũng từ miền Bắc vào, tên bà là Mã Chấu, sau gọi trại đi thành Mã Châu.

Cô Trần Thị Yến, chủ cơ sở lụa, bên khúc Mã Châu nhuộm màu từ chất liệu thiên nhiên. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Cô Trần Thị Yến, chủ cơ sở lụa, bên khúc Mã Châu nhuộm màu từ chất liệu thiên nhiên. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chỉ vào máng nhuộm, ông chân thật nói: “Chúng tôi nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp. Còn loại lụa nhuộm bằng màu tự nhiên thì thỉnh thoảng mới làm vì giá thành cao nên ít khách hàng. Ai cũng biết lụa Mã Châu nếu được nhuộm bằng màu có gốc từ cây cỏ tự nhiên là nhất hạng. Ví như một xấp lụa màu vàng nhuộm hoa hòe đủ may một cái áo dài chỉ có giá khoảng 1.4 triệu đồng (khoảng $75).”

Nói về cách làm các loại màu tự nhiên truyền thống của làng nghề, ông chỉ vào cái nia tre, nơi có các loại vỏ cây, hạt cỏ, cho biết: “Các màu căn bản có gốc thiên nhiên của lụa Mã Châu như màu xanh chàm, từ vỏ cây già (cây chỉ có ở Quảng Nam), màu vàng từ hoa hòe, màu cà rốt từ quả cau, màu đỏ tươi từ cà rốt và đất phèn, màu xanh dương đậm từ lá trà, màu xanh ngọc từ đậu đen xanh lòng, màu đen từ lá bàng…”

“Có người hỏi lụa Mã Châu có gì khác biệt, tôi thưa với họ, hiện nay chỉ có lụa Mã Châu được kéo tơ dệt thẳng từ kén tằm, mà tơ tằm sống cũng có đặc tính sinh học như con tằm, luôn đề kháng với các biến đổi bất thường bên ngoài môi trường nên phần nào giúp bảo vệ sức khỏe của người mặc lụa,” ông chia sẻ.

Cầm trên tay xấp lụa Mã Châu chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp quý phái không gì có thể so sánh, nhưng buồn thay mình lụa này lại không phải là thứ được các bà, các cô ưa chuộng so với các loại vải hàng hiệu, thậm chí các loại lụa công nghiệp thời thượng mà vô duyên của Trung Quốc hay Nam Hàn.

Loại vỏ cây già chỉ có ở xứ Quảng Nam dùng để làm phẩm nhuộm màu xanh chàm. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Loại vỏ cây già chỉ có ở xứ Quảng Nam dùng để làm phẩm nhuộm màu xanh chàm. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Bà Thanh Thúy, một khách hàng, nói: “Từ hồi biết được các đặc tính quý giá của lụa Mã Châu, tôi cố hết sức giúp quảng bá để tìm khách hàng nhưng phải nói là khó. Phải chăng thị hiếu của chúng ta ngày nay thay đổi đến mức không còn nhìn ra vẻ đẹp của mình khi mặc lụa Việt Nam?”

Cả làng lụa Mã Châu lừng danh một thời vậy mà hiện nay mỗi tháng chỉ sản xuất lụa tơ tằm tự nhiên không hơn 300 mét, người dệt lụa thu nhập chỉ hơn ba triệu đồng một tháng (khoảng $135) và các mảnh đất phì nhiêu để trồng dâu nuôi tằm cũng bị “cưỡng chế” cho các mục đích khác.

Rời làng lụa Mã Châu, chúng tôi đi viếng lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu còn gọi là Đoàn Quý Phi. Bà là chánh phu nhân của chúa Nguyễn Phúc Lan, thân mẫu của chúa Nguyễn Phúc Tần, là vị quốc mẫu nhân đức với công gầy dựng nghề ươm tơ dệt lụa vang danh của xứ Đàng Trong được người đời xưng tụng là Bà Chúa Tằm Tang.

Nhìn ngôi mộ uy nghi giữa núi rừng hoang vu vắng lạnh của bà, không thể không liên tưởng đến nghề nuôi tằm dệt lụa ở xứ Quảng và cả nước đang ngày một lụi tàn. Không thể đổ thừa là thời đại này nhu cầu thị hiếu của người Việt đã khác.

Có lẽ, nếu các tấm lụa tuyệt mỹ Mã Châu có thể lên tiếng về số phận của mình, hẳn nó cũng sẽ có chung tiếng nói với mọi người Việt: Chính hàng hóa giá rẻ và độc hại từ Trung Quốc đã đẩy nghề dệt lụa và các nghề thủ công tinh hoa của dân tộc vào chỗ kêu cứu mãi mà không có tiếng phản hồi.

Dân Đồng Tâm vẫn giữ 20 công an, cán bộ

MỚI CẬP NHẬT