Friday, April 19, 2024

Nhiều nạn nhân liên tiếp ‘tự tử’ tại nhà tạm giam của công an

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai ngày liên tiếp của tuần lễ vừa qua, có hai người bị công an bắt để điều tra đã “tự tử,” theo lời giải thích rất quen thuộc của công an CSVN.

Theo báo điện tử Dân Việt, sau khi bị bắt hai ngày, nghi can Hoàng Văn Long (27 tuổi, trú thôn Tam Liên, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) được phát hiện đã tự tử ngay trong nhà tạm giữ.

Báo này cho hay, ngày 13 Tháng Sáu, ông Long bị bắt tạm giam tại công an huyện để điều tra về “hành vi trộm cắp dây tiêu của một số gia đình ở địa phương.” Ông từng là một người nghiện ma túy.

Đến tối ngày 15 Tháng Sáu thì “cơ quan công an phát hiện nam thanh niên đã chết, nghi do tự tử trong trại tạm giam.”

Tờ Lao Động viết rất vắn tắt rằng “Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã khám nghiệm tử thi và làm thủ tục bàn giao cho gia đình để lo hậu sự.” Không thấy báo nào nói ông Long tự tử bằng cách nào.

Ông Long là nạn nhân thứ sáu chết trong tay công an CSVN từ đầu năm 2017 đến giữa Tháng Sáu khi vừa mới bị tạm giam để điều tra.

Trước đó một ngày, tức ngày 14 Tháng Sáu, ông Ngô Chí Tâm (40 tuổi, ngụ tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức, Sài Gòn) đã “treo cổ bằng dây thun quần” tại trụ sở công an phường Tam Bình sau một ngày bị “mời đi làm việc.”

Kể lại với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Từ Thị Nhường, vợ nạn nhân, cho biết khoảng 8 giờ tối 13 Tháng Sáu, một công an phường Tam Bình đến tận nhà kêu ông Tâm lên trụ sở công an có việc.

Đến sáng 14 Tháng Sáu, công an phường và tổ trưởng khu phố đến nhà mời bà lên phường. “Khi lên phường, họ thông báo là chồng tôi đã thắt cổ chết tại phường Tam Bình. Họ hỏi chồng tôi có buồn phiền chuyện gì không, tôi nói là chồng tôi đang phụ giặt quần áo với tôi thì mấy anh mời đi… Tôi thấy rất vô lý, chồng tôi sống với tôi 20 năm nay không có chuyện gì, tại sao phải thắt cổ chết ở phường,” bà bực tức kể.

Theo báo điện tử Infonet, bà Nhường cho biết, cách đây 4-5 năm, chồng bà đã đi cai nghiện xong rồi trở về với gia đình. Sau đó, ông tu chí làm lụng lo cho vợ con. Ông bán đồ điện, bà giặt đồ thuê, gia đình có ba người con.

Ông Ngô Văn Lâu, cha của nạn nhân, cho hay ông được mời đến nhận mặt con trước khi pháp y mổ và: “Lúc đó, tôi thấy mắt con tôi tụ máu, có chảy máu miệng và mặt sưng.”

Tháng trước, ông Nguyễn Hữu Tấn (38 tuổi, ngụ tại phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) một tín đồ Phạt Giáo Hòa Hảo ăn chay trường, sống với nghề bán hủ tíu chay, bị công an tỉnh Vĩnh Long “bắt khẩn cấp” vì bị vu cho là “có hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước.”

Bị bắt tối 2 Tháng Năm thì sáng hôm sau Sở Công An tỉnh Vĩnh Long cho người tới nhà nạn nhân thông báo là ông Tấn đã “dùng dao rọc giấy của cán bộ điều tra tự sát trong trại tạm giam vào sáng 3 Tháng Năm.”

Vết cắt dài và sâu vòng quanh cổ rất khó có thể do ông Tấn tự cắt và đầu bị móp mềm nhũn cùng những dấu tích khác đã là những bằng chứng để gia đình ông Tấn không tin là ông “tự tử.”

Tuy chính quyền Việt Nam đã ký vào Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc từ Tháng Mười Một, 2013, nhưng từ đó đến nay, không có dấu hiệu gì chứng tỏ các điều tra viên của guồng máy công an trên cả nước từ bỏ thói quen đánh đập, tra tấn nghi can để ép cung. Năm nào cũng có người bị chết bất thường khi vừa mới bị bắt vào trụ sở công an được vài giờ hay một vài ngày.

Vu cho nạn nhân “tự tử” là cách chạy tội gọn nhất, giản dị nhất vì guồng máy công an nằm hoàn toàn trong sự chỉ huy thay trắng đổi đen của đảng CSVN. Pháp y là “pháp y” của chế độ từ công an đến quân đội nên luôn luôn làm theo “chỉ đạo” từ bên trên, không khách quan vì không độc lập. Khám nghiệm pháp y cũng không có chụp quang tuyến nên trong rất nhiều trường hợp không làm lộ các dấu tích của tra tấn. (TN)

MỚI CẬP NHẬT