Thursday, March 28, 2024

Một ông ở Sài Gòn mở trại hòm giúp người nghèo

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Ai bệnh mình đứng ra giúp, ai chết không có hòm mình đứng ra mua cho. Nhưng biết một số trại hòm chặt chém, mình không cam tâm nên mở trại hòm riêng luôn.”

Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Giao (59 tuổi), chủ cơ sở mai táng Vạn Phúc Đức ở quận Bình Thạnh, khi nói về công việc của mình.

Tối 26 Tháng Tám, bà BTH, sống độc thân ở phường 2, quận Bình Thạnh, không may té từ căn gác mục xuống đất chết. Chủ trại hòm báo giá chi phí mai táng là 25 triệu đồng (khoảng $1,100). Thân nhân người xấu số chỉ biết khóc bởi vì mọi người đều rất nghèo. Hơn nữa, họ mới lo đám tang em trai ruột mất chưa đầy tháng…

Làm sao bây giờ? Có những tiếng lao xao: “Gọi cho ông Giao thử! Cha con ổng thường xuyên làm từ thiện!”

Và sau một cú điện thoại, hai người đàn ông nhanh chóng có mặt. Đó là ông Giao và anh Nguyễn Trọng Đức (26 tuổi), con trai ông.

Trưa hôm sau, khi có kết quả giảo nghiệm tử thi, thân nhân bà BTH đưa thi hài bà từ nhà xác sang khu vực hỏa táng ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Trước đó, cha con ông Giao cùng đội động liệm đã có mặt chỉnh tề để thực hiện các nghi thức an táng.

Bà Huệ (60 tuổi, làm nghề giúp việc nhà), chị ruột của bà BTH, nghẹn ngào nói với báo Thanh Niên: “Anh Giao miễn phí toàn bộ, kể cả phần hỏa táng cho em gái tui. Nếu không có cha con ảnh giúp đỡ, tụi tui không biết xoay xở làm sao.”

Cha con ông Giao (thứ hai và thứ ba, từ trái) trong lễ an táng bà BTH ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, Sài Gòn. (Hình: Báo Thanh Niên)

Một buổi trưa Tháng Tám, đôi vợ chồng trẻ làm phụ hồ nhờ người bạn đến trại hòm Vạn Phúc Đức đặt mua chiếc quách (áo quan nhỏ) cho đứa con hai ngày tuổi của họ mới mất. Tìm hiểu câu chuyện, cha con ông Giao lập tức quyết định giúp đỡ trọn gói.

Bất kể trời đang mưa to, anh Đức mang ngay chiếc quách đến nhà xác bệnh viện, sau đó chở anh thợ hồ cùng thi hài đứa trẻ đến một ngôi miếu ở quận Bình Thạnh. Tại đây, ông Giao tổ chức tẩm liệm cho cháu bé trước khi cháu được đưa về Bạc Liêu chôn cất theo ý nguyện của người thân.

Lo cho đứa bé xong, ông Giao còn giúp người chồng trả số nợ 2 triệu đồng (khoảng $88) anh đã mượn hàng xóm để đưa vợ đi sinh. Đồng thời, ông cũng thanh toán viện phí 2 triệu đồng cho người vợ và mua cho họ chiếc xe gắn máy để có phương tiện đi làm…

Bà BTH và đứa bé trên chỉ là một trong hàng trăm trường hợp mà ông Giao đã hỗ trợ an táng gần 25 năm qua. Họ là những người vô gia cư, bệnh nhi, sinh viên, nghệ sĩ, lao động nghèo, thậm chí có cả phạm nhân.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi ngay từ thời trai trẻ, khi còn mưu sinh bằng nghề nhổ lông vịt ông Giao đã có “máu” giúp người. Sau này gia đình có điều kiện hơn, ông cho thuê xe du lịch và dùng phần lớn số tiền đó chia sớt với những mảnh đời bất hạnh.

Nói đến việc mở trại hòm, ông Giao kể, vào năm 2012, chủ một cơ sở mai táng đến nói với ông: “Chi phí ngày càng đắt đỏ, một mình anh cho mỗi tháng 3-4 cái hòm mà tôi cảm thấy đuối giùm. Chi bằng anh hùn với tôi, lời, lỗ chia đôi. Mình vừa kinh doanh vừa giúp người sẽ bền vững hơn.” Nghe hợp lý, ông Giao gật đầu.

Song, áy náy bởi số hòm phía mình cho ngày càng nhiều, sợ thiệt thòi cho đối tác, đầu năm 2017, ông Giao mở cơ sở mai táng Vạn Phúc Đức ở quận Bình Thạnh và lập thêm xưởng đóng hòm ở quận 12.

Những lúc trại hòm bị âm vốn, anh Nguyễn Trọng Đức tranh thủ làm bánh để bán. (Hình: Báo Thanh Niên)

“Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới nghề này. Mình cũng kinh doanh, nhưng lấy phần lời từ những người khá giả san sẻ lại cho người khổ. Đôi khi không có tiền lời, mình lấy tiền túi ra cho. Người ta ra nghề này là cha truyền con nối, còn tôi từ Mạnh Thường Quân,” ông Giao giải thích.

Anh Nguyễn Trọng Đức, con trai út của ông Giao, vốn là một đầu bếp có thu nhập ổn định cũng chuyển sang làm quản lý cơ sở mai táng trên.

Anh bộc bạch: “Bạn bè hỏi sao tôi bỏ công việc ngon lành để theo cái nghề chuyên tiếp xúc xác chết? Tôi nói nghề chọn mình chứ mình có chủ ý chọn đâu. Nhưng từ cái thế bị động, dần dần tôi thấy việc mình làm có ích vì khi nhà người ta hữu sự, mình là người thay họ đứng ra lo liệu mọi thứ. Rồi mình cùng ba lo cho nhiều người bất hạnh nữa, nên lòng cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng lắm.”

Có điều ít ai biết khi anh Đức “bật mí,” những khi cha con anh bị âm vốn, anh tận dụng tay nghề bếp làm một số loại bánh để bán bù vào.

Anh Đức day dứt: “Có những người cơ nhỡ, cần mình trợ giúp nhưng mình không biết và người ta cũng không biết tìm mình ở đâu. Gần đây, chúng tôi đọc trên mạng thấy thông tin đau lòng là có hai bệnh nhi chết mà phải ẵm đi xin hòm. Thật ra, với những ca như vậy, chỉ cần gọi vào số điện thoại 0973273239 là cha con tôi đến hỗ trợ mọi khoản mai táng.”

Linh Mục Nguyễn Văn Hành, chánh xứ giáo xứ Chính Lộ, quận Bình Thạnh, cho hay ông Giao đã hỗ trợ mai táng cho một số giáo dân nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Lan, phụ trách giáo khu 3, giáo xứ Chính Lộ, nêu cụ thể hơn: “Bốn năm nay, anh Giao đã giúp cho gần chục ca trong khu này. Điều đáng nói, dù miễn phí hay có thu ít phí, anh đều làm chu đáo.”

Còn ni trưởng Vạn Liên, trụ trì tịnh xá Ngọc Quang, quận 8, kể: “Trước năm 2016, tôi và cậu Giao chưa từng biết nhau. Nhưng ngay từ lần đầu tiên tôi gọi điện nói có Phật tử mất, cậu Giao chạy tới liền và giúp toàn bộ, giúp rất tận tình.”

Không chỉ giúp ấm lòng những người “ra đi,” gia đình ông Giao còn tặng hàng ngàn phần quà, đóng góp xây nhà tình thương, tặng hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn ở Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành. Với một số bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, ông Giao còn giúp họ chữa bệnh, tái khám, hỗ trợ phương kế sinh nhai. (Tr.N)

Cháy kho phân, thuốc nông nghiệp ở Tiền Giang, 1,500 học sinh nghỉ học

MỚI CẬP NHẬT