Thursday, March 28, 2024

‘Dặm trường’ tường thuật phiên tòa Ðoàn Thị Hương

Ngọc Lan/Người Việt (Từ Kuala Lumpur)

KUALA LUMPUR, Maylaisia (NV) – Ðây không phải là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài làm phóng sự. Tuy nhiên lần này nhận phân công đi sang Mã Lai tường thuật về buổi xét xử Ðoàn Thị Hương trong vụ án gây chấn động dư luận từ hồi trung tuần Tháng Hai, tôi cảm thấy “đánh lô tô” trong bụng.

Lo là lo thật. Bởi, đó là nơi mình chưa hề đặt chân tới, đó là nơi mình không hề có bất kỳ sự quen biết nào, và, đó là nơi, lần đầu tiên, mình thật sự phải xoay xở một mình, cho một công việc mang tính chính xác và nhanh nhạy.

Sau khi lên Facebook dò tìm những gợi ý, chỉ dẫn về đường đi nước bước, tôi nhận được lời giúp đỡ “em sẽ cầm bảng ghi tên ‘Ngọc Lan’ để đón chị ở sân bay” từ một cô gái chưa từng gặp mặt quen biết.

Ði tìm tòa án

Ðáp xuống phi trường Kuala Lumpur lúc gần 2 giờ chiều ngày Thứ Ba, tôi dáo dác nhìn xem ai cầm bảng có tên mình để đi tới.

Lau chùi mắt kiếng hai ba bận mà sao chẳng thấy tên mình, mà người đi đón nơi đây cũng thưa thớt chứ không rình rang như chợ Tân Sơn Nhất.

Ði lòng vòng ra cửa ngó ngó rồi lại đi vô ngó ngó. Tự dưng ánh mắt tôi đụng phải mắt của một cô gái đứng cách tôi chừng một… bước chân. Cổ nhìn tôi. Tôi nhìn cổ. “Chị có phải là Ngọc Lan không?” Cổ lên tiếng trước. “Ðúng rồi,” tôi trả lời trong mừng rỡ.

Cổ giới thiệu tên là T. và bảo, “Em nhỏ hơn chị, chị kêu em bằng em nghen.” Ừ, muốn kêu gì kêu.

“Ðể em kêu chồng em lái xe tới,” T. nói bằng giọng miền Nam đặc sệt. T. sang Mã Lai đã 18 năm, từ khi mới 18 tuổi. Có chồng người Mã Lai và có 4 đứa con.

Alex, chồng T., xuất hiện, khác hẳn với hình ảnh một ông già xấu xí, “ghê ghê,” mà không biết vì lý do gì tôi dựng lên trong đầu từ khi đọc nhiều bài báo về chuyện những cô gái Việt lấy chồng Ðài Loan.

Alex trạc tuổi T., có gương mặt hiền khô và nụ cười thân thiện, nói rất ít và nói nhỏ, khác hẳn 180 độ so với T.

Tôi nói ngay liền công việc của mình khi đến Kuala Lumpur, những nơi tôi muốn đến, những gì tôi muốn làm, dù rằng người giới thiệu T. cho tôi dặn “đừng nói mình là nhà báo, không thôi cổ ngại,” vì đó là nguyên tắc đầu tiên mà nơi tôi làm việc bắt buộc để không phải có những rắc rối về sau.

“Mình muốn đến tòa án để hỏi thủ tục xin vào dự phiên tòa,” tôi đề nghị.

T. nói, “Ồ, tòa đó gần đây lắm. Chị có địa chỉ không?”

Tôi đưa địa chỉ ghi trong quyển sổ cho Alex xem và nói tôi lấy địa chỉ này tôi tìm từ Google. Hình như thoáng có nét băn khoăn trên gương mặt cả hai vợ chồng T.

“Nơi đó gần đây không?” Tôi hỏi. “Cách đây khoảng 45 phút. Mình đi chị,” T. trả lời.

Quãng đường gần cả tiếng đó là thời gian để tôi ngó đường phố Kuala Lumpur dưới cơn mưa chợt đến chợt tắt và nghe sơ qua những gì tôi muốn tìm hiểu về đời sống của những phụ nữ Việt sang đây tìm đường mưu sinh.

Không chỉ vậy, những cuộc điện thoại liên tục của T. trên xe với nhiều người cho tôi thoáng hiểu nhiều điều hơn những gì tôi đang muốn biết.

Dừng trước địa chỉ tôi có, cả 3 chúng tôi đều nói, “Ðây không phải là nơi xử án.”

Và quả đúng như vậy. Vào trong hỏi thì đó là văn phòng của Liên Ðoàn Luật Sư Mã Lai ở Salangor. Hỏi về thủ tục xin vào dự phiên tòa, người phụ nữ mặc trang phục truyền thống cho biết: Luật của Mã Lai không cho phép nhà báo vào bên trong phòng xử, chỉ có gia đình nghi can và bị can, ngoài trừ có những thông báo đặc biệt.

Người phụ nữ này chỉ Alex đường đến tòa tối cao Shah Alam. Lái xe khoảng 25 phút nữa thì tới.

Alex dẫn tôi vào trong để hỏi thủ tục và giờ giấc một lần nữa cho chắc ăn.

“Ồ, vụ này xử bên tòa Sepang, không phải ở đây,” hai người phụ nữ đứng nơi chỗ tiếp tân trả lời.

T. bảo, “Em đã nói là xử bên Sepang mà, em đọc báo Mã Lai có thấy nhắc, nhưng tại chị đòi đi đến đây.”

Hic, ai biết đâu, đọc báo thấy nói là phiên tòa sắp tới xử tại tòa án tối cao Shah Alam, thì cứ mò theo đó.

Lại phải lái xe vòng ngược lại thêm một tiếng nữa.

Tôi nhận ra trụ sở tòa án Sepang quen thuộc qua những hình ảnh đã thấy trên báo chí. Ðã gần 4 giờ 30 chiều. Alex nói chuyện với người bảo vệ bằng tiếng Mã Lai, rồi nói tôi muốn biết gì thì phải vào trong hỏi nhưng mà giờ họ nghỉ rồi!

Trời ạ. Nhưng biết được nơi đây là yên tâm rồi. Tôi nhờ Alex cầm phone quay giùm tôi một đoạn video clip để chuẩn bị làm bài gửi về nhà.

Rời khỏi tòa án Sepang cũng là lúc đường phố bắt đầu kẹt xe. Và tất cả đều đói rã rời. T. nói “Tụi em sống về đêm nên ăn trễ lắm,” tuy nhiên đến 6 giờ chiều mà chưa có bất cứ thứ gì trong bụng thì quả là… run rẩy.

T. đưa thêm lời đề nghị hoặc tôi ở khách sạn gần tòa cho tiện công việc hoặc ở gần nơi nhà T. để tìm hiểu thêm về đời sống người Việt và tiện cho việc T. đưa tôi những nơi tôi muốn. Dĩ nhiên tôi chọn ở gần nhà T.

Về đến khách sạn đã hơn 7 giờ tối. Tôi bắt tay viết bài đầu tiên với những gì tôi thu lượm được từ cuộc nói chuyện qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Vy, mẹ kế Ðoàn Thị Hương, và những người nơi tòa án cung cấp.

Phóng viên Ngọc Lan trong số các nhà báo đến tường thuật về phiên tòa lần hai, xử Ðoàn Thị Hương. (Hình: NV)
Phóng viên Ngọc Lan trong số các nhà báo đến tường thuật về phiên tòa lần hai, xử Ðoàn Thị Hương. (Hình: NV)

Liên lạc người nhà nghi phạm và phỏng vấn lãnh sự

Theo hẹn, sau 12 giờ trưa T. sẽ đón tôi chở tới Ðại Sứ Quán Việt Nam tại Kuala Lumpur. Tôi có một quãng thời gian buổi sáng để làm những việc cần thiết khác.

Mặt trời nơi đây dường như đến muộn và phố xá cũng im lìm cho đến gần 10 giờ mới trở mình.

Tôi rời khách sạn hỏi nơi mua thẻ điện thoại. “Ðến Seven 11 có,” người trực ở khách sạn chỉ dẫn.

Mua thẻ điện thoại phải đưa passport. Ðó là điều lạ lùng tôi mới biết.

Trở lại khách sạn, tôi gọi cho Trần Hoàng, cháu của ông Ðoàn Văn Thạnh, bố của Hương, để hỏi tin tức phỏng vấn. Hoàng cho biết, “Bác Thạnh đang ở bên trong lãnh sự, em chờ bên ngoài, khi nào bác ấy ra thì sẽ cho chị biết.”

Tôi gọi tiếp cho một người của tổ chức BPSOS, thì được cho hay, “Chiều nay lúc 5 giờ sẽ có cuộc họp báo giữa bác Thạnh với phóng viên các nước. Chị có thể đến đó để hỏi những gì chị muốn.”

Vợ chồng T. chở tôi đến lãnh sự quán cũng đã hơn 4 giờ chiều. Trên đường đi thì nhận được tin nhắn từ người của BPSOS, ông Thạnh sẽ không có mặt tại buổi họp báo, chỉ có Hoàng thay mặt. Ðồng thời cũng cho biết mọi liên lạc phỏng vấn ông Thạnh phải qua đại sứ quán.

Chuyện gì đã xảy ra sau khi ông Thạnh vào tù thăm con vậy? Một nguồn tin cho tôi biết, rằng thì là ông đã được đại sứ quán sắp xếp cho ăn ở ngay trong trụ sở lãnh sự.

Tại văn phòng lãnh sự, khi nghe tôi giới thiệu là nhà báo ở Mỹ, anh Thanh, tiếp tân, bảo nếu tôi có số điện thoại của bà Tôn Thị Ngọc Hương, tham tán lãnh sự, thì cứ thử gọi. Tôi gọi không ai nghe. Anh Thanh cho tôi số của một người tên Hạnh.

Anh Hạnh, sau này tôi biết tên đầy đủ là Phạm Ðức Hạnh, bí thư thứ hai, Ðại Sứ Quán Việt Nam tại Mã Lai, qua điện thoại, bằng một giọng rất nhẹ nhàng, lịch sự, nói rằng tôi không thể gặp phỏng vấn ai được vì không báo trước, mà họ thì ít người, phải báo trước cả tuần mới sắp xếp được. Anh xin lỗi vì không giúp được gì.

Ðành chịu. Ngay trước cổng lãnh sự, tôi nhờ T. quay giùm một clip để tôi tường thuật ngắn gọn những gì diễn ra.

Xong, T. đưa tôi đến nơi có cuộc họp báo. Như trong bài tường thuật đã nói, ngoài tôi, không có phóng viên người Việt nào có mặt ở đó, trừ phóng viên ngoại quốc và nước sở tại. Có lẽ họ đã biết trước điều gì.

Và, cũng trong thời điểm này, tôi lại nhận được điện thoại của anh Phạm Ðức Hạnh, sắp xếp cho tôi có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với chị Nguyễn Thị Nơ, tham tán phụ trách lãnh sự. Thật lòng, tôi cảm kích điều này.

Tường thuật phiên tòa

Sau giấc ngủ 3 tiếng, thức dậy chuẩn bị hành trang “ra trận.” Cầm theo máy ảnh, phòng khi điện thoại hết pin. Máy ghi âm. Máy charge pin.

Vợ chồng T. đón tôi lúc 6 giờ. 7 giờ đến nơi.

Từ xa đã thấy xe bắt đầu kẹt và lính canh dày đặc. Tòa án Sepang hôm đầu tôi đến vắng lặng, nay đông nghịt người. Phóng viên các nơi với máy móc hầm hố sẵn sàng tác chiến. Cảnh sát dàn đầy bên ngoài, trước tòa và cả đường đối diện.

Nhảy xuống xe, quyết định chỉ dùng phone làm việc.Chạy đến nơi ghi danh dành cho báo chí, mới biết là danh sách 20 phóng viên nước ngoài được vào trong đã kín. Họ đến trước tôi. Ðành chịu.

Một bài học. Ði tác nghiệp trong hoàn cảnh “hừng hực khí thế” này, một mình một thân thì phải tính toán chọn làm cái gì bỏ cái gì, không thể ôm hết được.

Không dùng máy ảnh lớn, dùng phone thì cũng có cái lợi là có thể len len vào nơi các nhà báo lớn bắc thang, dựng máy ống kính to ống kính dài, mà luồn tay đưa phone vào những ngóc ngách để chụp hình.

Thấy có tấm biển ghi tiếng Mã Lai dán nơi cổng. Không đọc được gì ngoài số 10. Hỏi chàng cảnh sát “Tờ giấy này nói gì vậy?” – “Phiên tòa bắt đầu lúc 10 giờ.”

Thì đứng chờ. Nóng thôi là nóng. Nhớ ra là mình chẳng có chai nước hay bất cứ cục kẹo cái bánh nào mang theo. Chờ lâu thì lại nghĩ, ủa sao không đến năn nỉ thử coi họ có cho vô không.

Ði làm việc mà lại dùng chiêu năn nỉ. Mà đến năn nỉ ỉ ôi thiệt, rằng thì là tui là tờ báo tiếng Việt duy nhất từ Mỹ về làm tin mà không vào trong được thì tiếc quá. Anh chàng cảnh sát trưởng của toán tiếp báo chí đó lắng nghe và giải thích là bây giờ họ không cho vào nữa, là tôi biết cô là phụ nữ đi làm thì cũng muốn giúp nhưng luật qui định phải theo. Tôi nhìn gương mặt anh chàng cố gắng giải thích tự dưng cũng đâm mắc cười.

Họ nói 10 giờ xử, chắc 9:30 xe chở phạm nhân sẽ tới. Chờ hoài, đến 9 giờ 45 thấy có một anh nhà báo từ trong đi ra đứng bên hàng rào nói chuyện với một anh cầm máy quay bên ngoài, tôi chạy lại nghe ké. Mới hay là phiên tòa vừa xong. Trời. Thông báo 10 giờ xử dán chình ình mà 9:45 thì tòa xong. Hay quá. Toàn bộ nội dung chính bên trong như thế nào, tôi nghe qua tường thuật của anh này, và gửi ngay về cho đồng nghiệp.

Lúc đó mới biết là các nghi can đã không đưa vào bằng cửa chính, mà đi cửa sau.

Khoảng 5 phút sau khi tôi nghe những gì ông nhà báo đó nói với đồng nghiệp bên ngoài, thì mới thấy mọi người từ phòng xử ùa ra. Khi đó tất cả như ong vỡ trận. Máy quay bật lên. Túm được ai phỏng vấn đó.

Người thì chụp hình. Người thì quay phim. Người thì mở máy tính viết. Rần rần. Chạy tới chạy lui, ngó thấy một anh Hàn Quốc vừa lau mồ hôi vừa đọc tờ giấy gì trên tờ giấy in. Tôi ghé mắt vào. Ồ “Bài nói chuyện của luật sư phải không?” Tôi hỏi. “Vâng,” anh ta trả lời. Ngó qua bên kia, cũng thấy một chị người gì chả biết, cũng đang chúi mặt vào văn bản đó. “Cho tôi chụp bản này nha,” miệng nói là tay tôi canh bấm máy liền. Hai trang giấy. Gửi luôn về nhà để đồng nghiệp lấy thêm thông tin, trong lúc mình tìm kiếm thứ khác tại hiện trường.

Tôi đã có thông tin trước là ông Thạnh sẽ không có mặt tham dự phiên tòa. Nghĩ cũng lạ. Lặn lội sang đây nhưng lại không xuất hiện nơi này. Mà cũng có thể ông thấy vào tù nhìn thấy con là đủ. Nhiều thứ “bí mật” bên trong khó giải thích. Thế nhưng, lạ nhất là tôi nhìn thấy Hoàng, người cháu dẫn ông Thạnh đi sang đây. Hoàng hỏi tôi, “Chị có thấy bác Thạnh đến dự không?” – “Mình không thấy, nghe nói là bác ấy không đến.” “Ủa, thế em không đi cùng, ở cùng bác ấy à?” – “Dạ, bác ấy ở trong Lãnh sự, em không liên lạc được.”

Hay hén. Hai người cùng đi trong một hành trình, mà lại không biết tin nhau. Vậy là sao?

Rần rần rồi cũng xong.

Vợ chồng T. và Alex nằm trong xe ngủ suốt mấy tiếng chờ tôi. Về nhà thôi. Mệt rồi.

Bài tường thuật vụ án coi như tạm xong.

Tôi dành thời gian ít ỏi còn lại theo T. đi xem một phiên chợ đêm của người nghèo Mã Lai để hiểu thêm một góc sinh hoạt của cả người Việt mình nơi xứ lạ.

Vụ án Ðoàn Thị Hương tạm dừng lại, bắt đầu cho bài viết những phận người khác tiếp theo.


Tin Trong Ngày Videos


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT