Friday, March 29, 2024

Thẩm phán Philippines: Trung Quốc ngụy tạo chủ quyền Biển Đông

MANILA, Philippines (NV) – Một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines hôm Thứ Năm ra mắt một cuốn sách nội dung nêu nghi vấn về việc Trung Quốc nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông.

ABC News trích lời Thẩm Phán Antonio Carpio nói rằng ông sẽ phổ biến cuốn sách qua Internet để tránh khỏi sự kiểm duyệt của Trung Quốc.

Theo ông, lúc này sách viết bằng tiếng Anh có thể tải xuống miễn phí và sau này sẽ có thêm phiên bản bằng tiếng Việt, Quan Thoại, Bahasa, Nhật và Tây Ban Nha, để giúp thêm nhiều người hiểu được căn bản về lập trường của Philippines đối với việc Trung Quốc tự nhận chủ quyền tại Biển Đông.

Ông Carpio nói, ý kiến của quần chúng, kể cả ở Trung Quốc, có thể giúp áp lực Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài đưa ra hồi năm ngoái, rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không có giá trị lịch sử dựa theo thỏa ước hàng hải ký kết vào năm 1982.

Ông Carpio cũng là người giúp thảo đơn kiện nộp lên tòa trọng tài mà Philippines giành được chiến thắng. Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ phán quyết này và tiếp tục phát triển bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa.

“Tôi tin rằng cũng như tất cả mọi người trên thế giới, bản chất của người Hoa đều là tốt nhưng chính phủ họ đã bơm vào đầu họ rằng Trung Quốc sở hữu chủ quyền Biển Đông từ 2,000 năm trước. Điều này, dĩ nhiên là hoàn toàn ngụy tạo và cả thế giới sẽ không bao giờ chấp nhận,” ông Carpio tiếp.

Trong cuốn sách nhan đề “The South China Sea Dispute: Philippine Sovereign Rights and Jurisdiction in the West Philippine Sea,” ông Carpio dùng bản đồ xưa, hình chụp, trích đoạn phán quyết của tòa trọng tài, văn bản của chính phủ Trung Quốc và các tài liệu, để nêu nghi vấn về giá trị của việc nhận chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc.

Ông Carpio trong sách cảnh cáo rằng Trung Quốc có thể đang dự tính xây thêm các đảo tiền đồn ở các bãi đá ngầm, Luconia Shoal ngoài khơi Malaysia và Scarborough Shoal ngoài khơi Tây Bắc Philippines, từ đó tầm radar Trung Quốc có thể quét đủ rộng ở Biển Đông để lập vùng nhận dạng phòng không, như họ từng làm vài năm trước đây ở biển Hoa Đông, gây tranh chấp lãnh hải với Nhật. (T.P)

Mời độc giả xem bình luận xây tường hay bắc cầu?(1/2)

MỚI CẬP NHẬT