Thursday, March 28, 2024

Tháng Bảy Slovakia…

Phạm Chí Dũng (Nguồn: Blog VOA)

Một ngày Tháng Bảy của năm 2018, trong một căn phòng nhỏ là nơi được Tổng Thống Slovakia Andrej Kiska dùng làm việc, Cảnh Sát Trưởng Milan Lučanský với gương mặt cực kỳ căng thẳng khi đối diện với Tổng Thống Andrej Kiska.

Tháng Bảy lại thường là thời gian nóng nực nhất trong năm trên miền đất ôn đới Slovakia.

Những Tháng Bảy nóng nực và căng thẳng

Bối cảnh cuộc gặp có vẻ không còn đường lùi trên diễn ra hơn hai tháng sau cuộc gặp giữa Thủ Tướng Slovakia Peter Pellegrini với Thủ Tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào đầu Tháng Năm, năm 2018. Trong khi bà Merkel phàn nàn về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với chi tiết một đoàn cán bộ công an cấp cao của Việt Nam dường như đã lợi dụng lòng hiếu khách và sự nhẹ dạ của chính phủ Slovakia để mượn một chiếc máy bay của Slovakia, rồi dùng máy bay này để “vận chuyển” Trịnh Xuân Thanh bay qua không phận Ba Lan về Hà Nội,… thì báo chí Đức nêu ra một câu hỏi rất khó chịu với Peter Pellegrini: “Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa Hè năm ngoái?”

Năm ngoái, truyền thông Đức cho biết vào ngày 26 Tháng Bảy, 2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, bộ trưởng Công An Việt Nam là Tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với bộ trưởng Nội Vụ nước này. Trong đoàn của ông Tô Lâm lại có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.

Thủ Tướng Peter Pellegrini đã không trả lời thẳng câu hỏi của bà Merkel, nhưng lại mạnh miệng khẳng định với đám đông các nhà báo vây quanh là chính phủ Slovakia không dính dáng gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Ngay trước đó, rất có thể ông Peter Pellegrini đã được tham mưu bởi Bộ Trưởng Nội Vụ Robert Kaliňák – nhân vật luôn cho là “không liên quan” đến vụ bắt cóc.

Khi đó, Thủ Tướng Slovakia Peter Pellegrini cũng như Bộ Nội Vụ Slovakia đã bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Peter Pellegrini chỉ mới thay thế cho người tiền nhiệm là Thủ Tướng Robert Fico, sau khi ông Fico phải từ chức do liên đới trách nhiệm về cái chết của một nhà báo chống tham nhũng tại Slovakia. Khỏi phải nói, Peter Pellegrini mong muốn đến thế nào việc Slovakia “vô can” trước nghi vấn về Trịnh Xuân Thanh đã được trung chuyển qua đất nước này, trước khi đến Moscow và được đưa về Hà Nội trên một cái cáng cứu thương. Cũng là để Peter Pellegrini không phải chịu bất kỳ trách nhiệm “đổ vỏ” nào cho đời thủ tướng cũ Robert Fico.

Những diễn viên chính của vở kịch

Ít lâu sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Robert Kaliňák chuyển giao cái ghế bộ trưởng Nội Vụ cho người khác.

Nhưng mới đây, vào thời điểm kết thúc phiên tòa thượng thẩm Berlin xử Nguyễn Hải Long – một nghi can tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – sớm hơn dự kiến gần cả tháng do Nguyễn Hải Long rốt cuộc đã quyết định thú tội bắt cóc để được hưởng mức án 3 năm 10 tháng tù giam, thay vì phải “bóc lịch” đến 7 năm rưỡi, phía cảnh sát Đức đã nêu công khai về một cuộc họp chính thức giữa bộ trưởng Bộ Công An Việt Nam là Tô Lâm với Bộ Trưởng Nội Vụ Kaliňák ở Bratislava vào Tháng Bảy, năm 2017, dường như “chỉ có một mục đích,” cụ thể là “di chuyển ông Thanh tương đối suôn sẻ từ khối Schengen về đến Việt Nam.”*

Thì ra lời khẳng định “không liên quan” vào năm 2017 của Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia Robert Kaliňák lại tương phản hoàn toàn với hình ảnh chính ông ta thủ vai diễn viên chính trong vở kịch “trung chuyển Trịnh Xuân Thanh.”

Còn vào lúc này đây, có lẽ nụ cười xuê xoa như thể chối bỏ trách nhiệm của Thủ Tướng Slovakia Peter Pellegrini đã tắt lặng. Thay vào đó, viên Cảnh Sát Trưởng Milan Lučanský đang nhìn chằm chằm vào Tổng Thống Andrej Kiska như thể chờ đợi những lời khiển trách nặng nề.

Bởi Tổng Thống Kiska đang hỏi về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bày tỏ sự không hài lòng với công việc của cảnh sát Slovak.

“Vụ án này đã trở thành một vụ bê bối quốc tế” – Tổng Thống Andrej Kiska nói, “Việc này có thể có hậu quả nghiêm trọng về sự tin tưởng trong quan hệ giữa Slovakia và Đức,” tờ nhật báo The Slovak Spectator của Slovakia thuật lại như thế.

Khác hẳn với bầu không khí vài ba tháng trước chỉ thuần túy bị nghi ngờ nhưng không có bằng chứng, giờ đây chính phủ Slovakia đang phải hứng chịu búa rìu từ báo chí Đức – những tờ báo mang đẳng cấp quốc tế và có uy tín trên thế giới, chẳng hạn như Frankfurter Allgemeine Zeitung, kéo theo sự “tham chiến” của nhiều tờ báo Mỹ và các nước khác, tạo nên một sức ép ghê gớm về việc cấp thiết phải minh bạch việc Slovakia có tiếp tay cho Bộ Công An Việt Nam để “vận chuyển” Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam hay không.

Tại thời điểm Tháng Bảy, năm 2018, báo chí Đức tự tin viết rằng “gần như không còn nghi ngờ” rằng một máy bay của chính phủ Slovakia đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng chính vào thời gian nước sôi lửa bỏng hiện thời, cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Robert Kaliňák lại chạy một đường vòng lắt léo khi từ chối những tuyên bố rằng ông biết về vụ bắt cóc khi ông tại chức, bỏ lại một di sản bê bối chính trị mang tầm cỡ quốc tế mà chẳng biết trách nhiệm sẽ trút lên đầu quan chức nào mang trọng trách của Slovakia.

Kaliňák còn bày tỏ quan điểm của ông ta về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên một mạng xã hội: tên của Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách hành khách sử dụng máy bay do chính quyền Việt Nam cung cấp; không có bệnh nhân nào được vận chuyển trên máy bay, hoặc một ai bị trói hoặc có cử động bị hạn chế theo bất kỳ cách nào khác; mọi người đều có hộ chiếu ngoại giao.

“Làm thế nào những chính trị gia như chúng ta có thể đối mặt với hàng trăm ngàn người đang kêu gọi một Slovakia tử tế, một Slovakia, nơi quyền lực chính trị sẽ không bị lạm dụng, khi chúng ta không nhìn vào những gì đã được nói đến!,” Tổng Thống Andrej Kiska thốt lên đầy bức bối và có thể cả giận dữ.

Khi đã được xác nhận rằng Slovakia cung cấp máy bay của chính phủ, sau đó được sử dụng để bắt cóc cựu quan chức Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, hiển nhiên một lời giải thích thuyết phục về tất cả những nghi ngờ và phản đối hoặc hình phạt đối với những người có trách nhiệm là điều mà Tổng Thống Andrej Kiska đang mong đợi và hối thúc.

Cường độ hối thúc trên sẽ chắc chắn tăng vọt và cực kỳ khẩn cấp khi vào ngày 3 Tháng Tám, 2018, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, đã đăng một bài báo tường thuật về một phát giác mới: chính cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia Robert Kaliňák đã giúp Bộ Trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia.

Bộ Trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi…

Khác hẳn với thái độ nhẩn nha và lẩn tránh trách nhiệm cách đây vài ba tháng, vào lúc này chính phủ Slovakia đang như thể bấn loạn để cứu vãn cấp thời thể diện đối nội và uy tín quốc tế của họ. Đã đến lúc Slovakia phải tìm cách đưa ra ít nhất một quyết định nào đó, và phải là quyết định cứng rắn và sòng phẳng về mặt ngoại giao, để cứu vãn tình thế.

Tương lai của những tháng tiếp tới trong quan hệ Slovakia-Việt Nam là cực kỳ khó đoán định. Sẽ không loại trừ khả năng do phải chịu áp lực từ dư luận đủ lớn tại Slovakia, từ chính phủ Đức và từ giới báo chí quốc tế, phản ứng tối thiểu của chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là “tốt đẹp” trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA).

Ngay vào thời điểm này, cả ông Kaliňák và Bộ Nội Vụ Slovakia đều phủ nhận các cáo buộc của báo chí, gọi đây là “những điều bịa đặt.”

*Khối Schengen bao gồm các quốc gia là Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Luxemburg, Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Italy, Estonia, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Hungary, và Na Uy, Iceland và Thụy Sĩ.

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Ứng xử của cha mẹ quyết định sự giảm stress nơi các em”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT