Wednesday, April 17, 2024

Thương nhớ anh Đào Đê

 Anh của chúng tôi tinh danh Đào Đê, Pháp danh Quảng Điền, sinh ngày 11/11/1929, cựu sĩ quan kỹ thuật của Sư đoàn 1 Không quân Quân Lực VNCH, đã vãn kiếp ngày 23/2/2014, hưởng thọ 86 tuổi. Trong nỗi thương tiếc người anh ruột đã vĩnh viễn ra đi, tôi xin ghi lại đây đôi điều về anh tôi.





Anh Đê chúng tôi, cùng với 4 anh chị em được sinh ra trong 1 gia đình gốc nông dân, nguyên quán làng quê An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên , cách thành phố Huế 5 cây số về hướng đông nam, nhưng trú quán ở thôn Vĩ Dạ. Chúng tôi có thân phụ thuở thiếu thời theo học hán học, sau chuyển sang tân học, nhưng chỉ hết chương trình tiểu học rồi vui thú điền viên với đôi mẫu ruộng ở quê nhà. Các anh chị tôi được cắp sách đến trường, Cuộc sống êm ả dần trôi cho đến khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, Nhật chiếm đông Dương. Ngày 29 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh ở Huế, súng nổ âm vang từ Tòa Khâm sứ gần cầu Tràng tiền, gia đình chúng tôi lánh nạn về quê. Nhưng, không như các gia đình khác hồi cư sau biến động, thân phụ chúng tôi quyết định định cư hẳn ở quê nhà và đây là 1 bước ngoặc lớn của lịch sử dân tộc VN chúng ta nói chung và của riêng chính gia đình chúng tôi. Các anh chị tôi phải bỏ học, hai anh theo giúp cha chúng tôi việc đồng án, còn chị tôi lúc ấy còn nhỏ đã biết giúp mẹ tôi việc nhà và chăm sóc tôi và em gái út. Cuộc sống càng bi đát hơn khi Pháp tái thống trị Đông Dương và chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Làng quê chúng tôi một cổ hai tròng, dân làng rất cơ cực, lại thêm ảnh hưởng nặng nề của nạn đói năm đó – năm Ất Dậu.


Không thể tiếp tục sống ở làng quê, năm 1948 gia đình chúng tôi hồi cư về thành phố Huế. Anh cả và anh Đê chúng tôi phải ra đời kiếm sống với mảnh bằng Primere. Anh Đê chúng tôi xin vào làm y công ở bệnh viện quân đội Pháp – Hopital Military Francaise ở Hữu ngạn sông Hương – nay là 1 phần của BV Trung Ương Huế. Chiến tranh ngày càng khốc liệt trên quê hương chúng ta, anh Đê chúng tôi đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ những người quốc gia bảo vệ đất nước. Anh gia nhập Không quân QLVNCH, theo học khóa Đào tạo chuyên sửa chữa máy bay tại Trung Tâm Huấn Luyện Không quân Nha trang. Ra trường anh được về phục vụ tại Không Đoàn 1 Không quân sau này là Sư Đoàn 1 Không quân ở Đà nẵng. Anh đã qua nhiều chức vụ như trưởng đoàn Chế tạo, trưởng đoàn Vật cụ Yểm trợ thuộc Không Đoàn Yểm cứ Sư đoàn 1 KQ. Anh được tưởng thưởng nhiều huy chương như Tham mưu Bội Tinh, Kỷ thuật bội tinh, Chiến dịch bội tinh v.v… Không chịu dừng lại với kiến thức Tiểu học anh đã tham gia các lớp học đêm để nâng cao kiến thức và rèn luyện Anh ngữ. Năm 1961 anh được sang tu nghiệp bảo trì máy bay tại Texas – Hoa kỳ thời gian1 năm.


Nơi đơn vị, anh là một chỉ huy giỏi, được tin tưởng của thượng cấp, được yêu thương và kính trọng của đồng sự và nhân viên thuộc quyền. Trong gia đình anh là 1 người con chí hiếu, chăm sóc cha mẹ và các em tận tình. Trong gia đình riêng, anh là 1 người chồng chung thủy, một người cha cương nghị nhưng yêu thương và chăm sóc con cái hết mình. Anh thường nói: “Đời ba đã khổ sở vì chiến tranh, việc học hành gián đoạn, các con phải được học hành đến nơi đến chốn, Ba mẹ dầu thiếu thốn đến đâu cũng không bao giờ để các con thiếu thốn, các con phải học cho thành tài để sau này có tương lai cho mình và đóng góp nhiều cho xã hội”. Anh cũng nói thế với tôi khi anh cho tôi tiền đi học ở bậc phổ thông.


Hỡi ơi! Đành rằng hữu sinh hữu diệt, nhưng nỗi đau mất mát, vợ khóc chồng, em khóc anh, con khóc cha, cháu khóc ông… làm sao ngăn được giòng nước mắt. Anh ơi! Còn đâu những lời răn dạy đầy tình yêu thương của anh với chúng em, với các cháu – các con yêu thương của anh. Còn đâu những lời trìu mến anh nói với chị, người đồng hành đầu ấp tay gối hơn 60 năm qua. Đau đớn biết bao!


Ngàn thu vĩnh biệt! Nơi cõi vĩnh hằng xin anh hãy an nghỉ, hành trình nhân gian của anh với bao niềm vui, nỗi nhọc nhằn trăn trở rồi cũng đã qua đi. Xin anh hãy an tâm vì chúng em tuy cách xa nửa vòng trái đất, tuy các con anh đứa ở xa, đứa ở gần nhưng đều quan tâm chăm sóc, an ủi chị và nhất là các con của anh đều đã trưởng thành như nguyện ước của anh.


Xin anh hãy an nghỉ, xin anh hãy an nghỉ! Vĩnh biệt anh thân yêu của em!


Đào Thương.

[disqus_shortcode_codeable]