Friday, March 29, 2024

Anh Bằng người nhạc sĩ đàn anh khả kính

Nam Lộc

Anh Bằng tên thật Trần An Bường, sinh năm 1926 tại thị tứ Điền Hộ, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1935, ông xa gia đình để học Tiểu chủng viện Ba Làng tại huyện Tĩnh Gia, thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau đó ông lại tiếp tục theo học trung học ở Hà Nội. Vì gia đình anh em ông chống Việt Minh, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông bị Việt Minh bắt giam ở trại Lý Bá Sơ. Các anh em ông bị tuyên án tử hình nhưng sau được thả, riêng người anh Trần An Lạc bị Việt Minh thủ tiêu. Ông theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở khu Bà Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975.

Ông gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1957 ngành Công binh sau chuyển sang Nha Chiến tranh Tâm lý trong Đại đội 2 Văn nghệ đến năm 1962 thì giải ngũ. Anh Bằng sáng tác vở kịch Đứa con nuôi. Tác phẩm này đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc”

Năm 1975, ông cùng gia đình di tản sang Hoa Kỳ ở độ tuổi 50, và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981-1990). Thời gian sau này ông cộng tác với Trung tâm Asia.
Ông mất ngày 12 tháng 11 năm 2015 tại tư gia ở quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ vào lúc 8h55 tối (giờ địa phương), hưởng thọ 90 tuổi sau 8 năm chống chọi với căn bệnh ung thư gan.

_____________

 

Cuộc đời tôi có hai điều may mắn: Điều thứ nhất là được khoác áo nhà binh. Dù thời gian này chỉ kéo dài có ba năm ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho tôi những kinh nghiệm sống cho suốt cả một đời. Bởi vì nhờ đó mà tôi biết được thế nào là lòng quả cảm, sự hy sinh, tình chiến hữu và nhất là tư cách con người mà tôi rút tỉa được từ những cấp chỉ huy.

Điều may mắn thứ hai của tôi, là được tham gia hoạt động trong lãnh vực văn nghệ. Bởi vì cũng chính từ đó tôi có dịp học hỏi nhiều ở những bậc đàn anh, không chỉ thu gọn trong phạm vi nghề nghiệp mà còn nhiều vấn đề liên quan đến các lãnh vực khác trong cuộc đời và xã hội.

Đáng kể nhất là đối với hai nhạc sĩ lão thành, Nguyễn Hiền và Anh Bằng. Lúc Nguyễn Hiền còn sinh tiền, mỗi khi có những việc khó khăn, tế nhị trong cách ứng xử hoặc đối phó với những vấn đề nan giải của cộng đồng, tôi thường tìm đến cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền để hỏi ý kiến. Mỗi khi bế tắc về các chi tiết liên quan đến lịch sử, hoặc văn học, nghệ thuật, tôi lại gõ cửa để xin ông chỉ dẫn, và thường gọi đùa ông là cuốn tự điển sống.

Nhưng nếu nhạc sĩ Nguyễn Hiền dậy dỗ và chỉ bảo tôi bằng lý thuyết và bằng lời nói, thì nhạc sĩ Anh Bằng cho tôi những bài thực hành vô cùng giá trị trong đời sống cùng cách đối xử với tha nhân qua ánh mắt, cử chỉ và hành động ở ông. Mặc dù chưa bao giờ ngỏ lời để xin gọi ông bằng Thầy, nhưng tôi rất hãnh diện và tự xem mình là một người học trò trung thành và chăm chỉ của ông!

Hoạt động gần gũi với nhóm điều hành trung tâm Asia từ hơn 10 năm qua mà người giám đốc chính là cô con gái của nhạc sĩ Anh Bằng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông hiện diện ở những buổi họp liên quan đến việc thực hiện chương trình. Cũng chẳng bao giờ ông can thiệp vào công việc làm của anh chị em chúng tôi, ấy thế mà tôi lại là người bị ảnh hưởng ở ông rất nhiều. Những việc tôi làm, những điều tôi viết hay những lời tôi nói, không nhiều thì ít, nó phản ảnh từ tinh thần yêu nước, yêu nghệ thuật, trọng nhân tài, quý bạn hữu và lòng nhân từ của người nhạc sĩ hiền lành, nhưng mang trong người môt trái tim bão nổi. Bão nổi với những đổi thay của quê hương đất nước, của những người bất hạnh, của các chiến hữu không may, của những anh hùng ngã ngựa và của những kẻ … phản bội!

Thời gian gần đây, có lẽ vì tuổi tác, nên nhạc sĩ Anh Bằng hơi bị lãng tai, vì thế đã có những khó khăn mỗi khi chúng tôi trao đổi. Nhưng qua âm nhạc, qua ánh mắt và nhất là cách biểu tỏ trên gương mặt, tôi có cảm tưởng ông còn nói với tôi nhiều điều hơn những người khác muốn nói! Hay cũng có thể vì tôi quá chú trọng và lắng nghe những lời chia sẻ của ông? Một đức tính đáng quý nữa mà tôi học được ở ông là sự khiêm nhường, và cũng chính vì thế mà tôi không dám nói nhiều về con người và sự nghiệp cùng những đóng góp vĩ đại mà ông đã để lại cho đời và cho hậu thế từ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Tôi xin được kết thúc bài viết này bằng một câu nói thật giản dị: Cám ơn anh “Anh Bằng, Người Nhạc Sĩ Đàn Anh Khả Kính” của em!

Nam Lộc – Mùa Tạ Ơn 2008

[disqus_shortcode_codeable]