Wednesday, April 17, 2024

Bò Rừng đã về núi, nỗi buồn còn đọng lại

GVMD

 

Một trăm năm rong chơi trần thế, Tổng Ủy Viên Trần Văn Lược đã trở về trời tại Sài Gòn, lúc 14g ngày  6/12/2018, thọ 100 tuổi, để tiếp tục nhiệm vụ luyện tiên đan cho Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Trưởng Trần Văn Lược là một Hướng Đạo sinh có “số đỏ”, đi từ Hướng Đạo (HĐ) tân sinh cho đến ngôi cao nhất là Tổng Ủy viên (TUV). Cuộc đời của Cụ gắn liền với bao thăng trầm trôi nổi của HĐVN, là một vai chính đã dẫn dắt anh em từ mấy chục năm nay. Cụ ra đi để lại nỗi nhớ niềm thương cho biết bao nhiêu thế hệ HĐS. GVMD chúng tôi xin ghi lại một vài nét về cuộc đời của vị huynh trưởng đặc biệt này.

Đôi nét về đời thường

Trưởng Trần Văn Lược sinh ra trong một gia đình đông con nhưng nay chỉ một mình người còn tại thế. Cụ sinh ngày 02/10/1920 (theo giấy khai sinh), thật ra thì Cụ sinh năm 1919. Cụ có cả thảy là 9 người con, hiện chỉ còn 5 người, phần nhiều là HĐS trong đó có người con cả là Trần Cao Bằng hiện ở Pháp, một nữ HĐS khác là chị Trần Thị Hoàng Oanh hiện đang chăm sóc cơm cháo cho Cụ.

Là một công chức mẫn cán làm việc tại nhiều tỉnh và có cái tật đáng yêu là đi đến đâu thì lập HĐ đến đó. Ngoài việc làm công chức ở Bộ Thanh niên, Cụ còn dành thì giờ dạy ngoại ngữ cho Trường Đại học Minh Đức (Công giáo), Đại học Vạn Hạnh (Phật giáo), dạy Sử Địa cho một số trường trung học. Sau năm 1975, thì chỉ còn dạy Trường Chí Thiện của Cha Thới Hoà mà thôi.

Buồn vui đời Trại 

Trưởng Lược nói: Kỳ trại để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất đó là Trại họp bạn Tráng sinh năm 1953 tại đồi Tùng Nguyên, trong kỳ trại này tôi được đổi tên Rừng từ Bò Lác thành Bò Lém. Còn 2 việc sau thật hoành tráng mà tôi nhớ mãi không quên:

1. Cụ Lâm Toại, Hội trưởng đương kim được tuyên hứa dưới cờ với TUV Tôn Thất Dương Vân.
2. TUV Tôn Thất Dương Vân lên Đường với Chủ Đường là TUV Trần Điền.
– Thế còn kỳ Trại nào làm anh không vui lòng?
– Đó là kỳ Trại họp bạn tại Ninh Bình: Năm đó, họp bạn miền Bắc tại Hoa Lư động. Trại Trưởng là cụ Hổ Sứt
Hoàng Đạo Thuý, quản lý là Ngựa Dò Từng Bước Phạm Văn Nam. Kỳ trại này Đoàn Trần Lục đoạt giải nhất.
Đáng lý thì được trao cờ danh dự màu vàng viền kim tuyến thêu sẵn thì Trưởng Hoàng Đạo Thuý lại trao một
bó cờ lau mà trong Trại chỗ nào cũng có. Thật dở khóc dở cười. Và từ đó sự tôn kính của tôi với Trưởng Hổ Sứt có vơi đi phần nào vì tính cách kỳ thị của ông.

Đời Hướng Đạo

Cuộc đời HĐ của Bò Rừng dài dằng dặc, không sao kể siết nên ở đây chỉ nêu vài nét đan thanh mà thôi.

– Đơn vị sinh hoạt ban đầu là Đoàn Trần Lục ở Hải Phòng lúc lên 15 tuổi – do bào huynh của Trưởng là Hổ Cáu Trần Văn Thao thành lập. Thoạt tiên Cụ là HĐS “mặt trắng” (tức là tân sinh mới vào mang số 2 đứng gần Đội Trưởng còn Đội Phó là mang số 8 đứng sau cùng. Một tháng sau thì tuyên hứa, 3 tháng sau thì lên hạng nhì và 2 năm sau thì đạt danh hiệu hạng nhất, năm sau nữa thì tiễn lên Tráng.

– Năm 1939: Được cử đi Trại Dự bị (DB) ngành Thiếu;
– Năm 1940: DB Ấu;
– Năm 1946: Tráng sinh lên Đường;
– Năm 1956: Đi Bạch Mã Ấu tại Tùng Nguyên;
– Năm 1958: Dự Trại Bằng Rừng (BR) Thiếu;
– Năm 1961: Dự Trại BR Ấu;
– Năm 1964: ITTC tại Thailand;
– Năm 1967: Akela Leader;
– Năm 1971: LT.

Các chức vụ đã giữ 

– Đội Phó, Đội Trưởng đội Mãnh Sư Trần Lục;
– Năm 1939: Phó Đoàn Trưởng;
– Năm 1940: Bầy Trưởng;
– Năm 1941: Liên Đoàn Trưởng;
– Năm 1944: Đạo Trưởng;
– Năm 1954: Chuyển vào sinh hoạt tại miền Nam – Đạo Trưởng Đạo Tân Bình, Châu Gia Định;
– Năm 1962-1966: Phó Châu Trưởng Châu Gia Định;
– Năm 1967: Phó TUV kiêm UV ngành Kha;
– Năm 1969: Được Đại Hội đồng bầu làm TUV;
– Năm 1975: HĐ ngưng sinh hoạt Cụ lui về ở ẩn cho đến khi tái sinh hoạt “chui” cũng với tư cách cựu TUV lãnh đạo khối HĐ đông nhất hoạt động song hành với các Nhóm GĐHĐ Xuân Hoà của Trưởng Đại Bàng Vui Trần Văn Hợp, Nhóm Ban Liên Lạc của Trưởng Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê, CLB cựu HĐS và Diệc Bặt Thiệp Phan Kim Phụng, Nhóm Khăn quàng đỏ, Khăn quàng xanh…

Đến lúc HĐ tại Sài gòn sinh hoạt mạnh với các LĐ Bạch Đằng, LĐ Âu Lạc, LĐ Hoa Lư cùng với các đơn vị khác của Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu họp tại Đồng Nai thành lập BĐH HĐVN, Trưởng Trần Văn Lược được bầu làm Trưởng Ban. Mãi đến năm 2013, thấy mình tuổi già sức yếu Cụ làm đơn xin từ nhiệm, Trưởng Trần Minh Thiện lên thay thế với số phiếu bầu cao nhất.

Cụ đã sinh hoạt qua 7 Đạo, trong đó có các Đạo Yên Tử, Tượng Sơn của Kiến An, Tân Bình, Trấn Biên, Định
Tường, Kiến Hoà.

– Là một công chức (HLV cao cấp ngành TDTT) nên đi đến đâu Bò Rừng cũng có điều kiện lập các Đoàn HĐ.

– Có thể nói rằng Cụ Bò là một huynh trưởng có nhiều bài viết về HĐ nhất, tính từ năm 2000 trở về trước Cụ đã có 69 đầu sách đủ loại viết về Ấu, Thiếu, Tráng và cuối cùng viết cuốn “Ngành Kha mùa Xuân của HĐ”. Văn chương của Bò Rừng thật bình dân, tếu táo về chuyện HĐ đặc biệt là cuốn “Nụ cười HĐ” mà chúng tôi xin trích 2 câu chuyện để chứng tỏ tấm lòng của Cụ đối với HĐ. (Xem phần sau)

– Nổ cho vơi nỗi niềm: Cụ yêu HĐ quá nên hay phóng đại. Bò Rừng viết: “Tổng số HĐ năm 1968 là 70.000 đoàn sinh. Khi tôi nhậm chức năm 1969 tổ chức một cuộc chu du thiên hạ từ Sài gòn ra đến Quảng Trị, ngược đường lên Tây nguyên rồi về miền Tây đến tận Cà Mau gọi là Nối Vòng Tay Lớn thì tổng số lên đến 200.000 người”.

Khi đọc bài này, SDT có viết bài đăng trên Thiệp Hoa với tiêu đề là “Nổ bậy” nội dung như sau: “Theo sử sách HĐ thì thời tiền chiến HĐVN như tế bào nấm gặp mưa mọc lên khắp nơi. Cả Việt Nam có 12 Châu, từ Châu Cao Bắc Lạng miền Tây Bắc đến Châu tận cùng đất nước ở miền Tây là Châu Hậu Giang mà cũng chỉ có 30.000 HĐS thôi. Thời kỳ 1969-1970 là thời kỳ ở VN có chiến tranh ác liệt, HĐ chỉ sinh hoạt tại các thành phố từ Quảng Trị vào Nam mà thôi. Vậy thì đào đâu ra con số 200.000.

Hơn nữa, trong bảng thống kê do chính TUV Trần Văn Lược ký ngày 31/12/1974 thì tổng số HĐS miền Nam có 12.432 HĐS trong đó có 2.195 Trưởng, 2.758 Ấu sinh trong 145 Bầy do 595 Sói già trông nom. Thiếu sinh 6.265 trong 246 Đoàn, Kha sinh 1.332 trong 70 Kha đoàn, Tráng sinh 882 trong 41 Tráng đoàn”.

Vậy là đã rõ, xin Cụ Bò Rừng đừng nổ bậy để các đàn em khỏi hiểu lầm VN đã từng là cường quốc HĐ. Đọc bài báo này cụ Bò gọi điện thoại cho tôi xuề xoà nói: “Chú mày nói chí phải mà anh nói cũng không sai: 200.000 HĐS mà anh nêu là gồm cả các cựu HĐS của nhiều thế hệ. Phần chú chỉ tính thực tại mà thôi. Vậy là anh cũng đúng mà chú cũng đúng. Biết ông chống chế tôi chỉ vâng vâng dạ dạ mà thôi.

Tả xung hữu đột

Sau 1975, khi HĐ tan đàn rẽ nghé thì TUV cũng về ẩn cư tại gia chẳng ai dám vỗ ngực xưng tên là HĐS vì các cựu HĐS từ miền Bắc vào thành thật cho biết ngoài ấy HĐ coi như triệt tiêu vì đã hoà tan trong Hội Liên hiệp Thanh niên, thời kháng chiến HĐ bị mang tiếng oan khủng khiếp,

HĐ là gián điệp, cho rằng cụ B.P. là ông tổ của ngành tình báo và họ khuyên anh em nên im hơi lặng tiếng là hơn.

Sau đó, khi có một số đơn vị tái sinh hoạt anh em đề nghị cụ Bò nên đứng ra lãnh đạo thì Cụ trả lời: “Mình phải biết người biết ta, Bò Rừng này thuộc loại BKG nên đứng ra thế nào được”. Khi các đơn vị đã tự đứng ra thành lập các đơn vị đến cấp Liên đoàn khắp nơi thì cụ Bò Rừng chịu đứng ra thành lập HĐVN với tư cách cựu TUV.

Kể lại giai đoạn này cụ nói hóm hỉnh: “Ta như Lưu Bị được các anh chị em phò tá giống như Quan Công,
Trương Phi đã phò tá Lưu Bị, nên HĐVN mới tái sinh hoạt được. Công là công của anh em chứ Bò Rừng này có tài cán gì đâu.

Tuy nói vậy nhưng hình ảnh của Cụ Bò Lém giống như một vị nguyên soái già tả xung hữu đột với đám tàn quân: Buổi sáng sinh hoạt ở Sài gòn, chiều về Vũng Tàu dự trại, sáng hôm sau lại về Biên Hoà khai mạc trại ALT. Trời cho sức khỏe nên Cụ sinh hoạt với anh em không biết mệt mỏi.

Những kỳ trại khó quên

Từ năm 1959, sau khi mở Trại họp bạn toàn quốc tại Trảng Bom thì im hơi lặng tiếng. Mãi đến năm 1970 khi Cụ Bò làm TUV thì cho mở Trại họp bạn toàn quốc tại Suối Tiên, Thủ Đức kỷ niệm 40 năm thành lập HĐVN.

– Năm 1972: Họp bạn Kha sinh tại Lâm Viên.
– Năm 1973: Kha sinh du khảo Phú Quốc.
– Năm 1974: Họp bạn toàn quốc tại Tam Bình, Thủ Đức.

Phải nói rằng thời kỳ chiến tranh tàn khốc mà mở được các Trại họp bạn như thế thì đúng là một kỳ công. Đã nói kỳ công thì nói luôn: Trong kỳ Trại họp bạn Suối Tiên chính tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đến đánh trống khai mạc Trại với tư cách là một cựu HĐS, đại tướng Trần Thiện Khiêm (Thủ tướng) đến dự lễ, tướng Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ cũng đến thăm Trại. Về phía công giáo thì Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đến dâng thánh lễ. Về phía Phật giáo có Đại lão Hoà thượng Thích Trí Thủ – Viện Trưởng Viện Hoá Đạo cũng đã đến tại Niệm Phật Đường trong Trại để cầu cho quốc thái dân an và cầu cho các HĐS Phật giáo thân tâm an lạc.

Bò Lém hay Bò Rừng Lém

Với giọng tếu táo Trưởng Lược kể: Anh chú mày ngày xưa cũng ghê lắm, nhưng mà lúc đó ngành Ấu thiếu Sói già nên các ổng bắt anh đi ngành Bầy thay vì ngành Thiếu. Hôm đi học Dự Bị ở Châu Sơn Nam do HĐS Pháp tổ chức, trong lớp học anh cùng Vũ Thanh Thông đánh croix zéro, thằng Tây ngồi cạnh nói ngay:”Bọn Việt Nam dơ bẩn”, bị nhục mạ, anh và Vũ Thanh Thông tức lắm.

Giờ giải lao được ra sân chơi Vũ Thanh Thông bất ngờ tiến đến sau lưng thằng Tây dùng 2 tay khoá chặt, còn anh ở trước đánh túi bụi vào bụng, và ngực thằng Robert nhưng nó to con quá đánh đá chẳng nhằm nhò gì. Nó vùng vẫy dữ làm cho Vũ Thanh Thông đuối sức, thấy thế nguy nên anh không dùng tay nữa mà dùng đầu húc mạnh vào bụng nó, nó ngất xỉu, mấy AE khác xúm lại can ngăn…

Đến khi động Rừng chúng nó hè nhau đặt tên cho anh là Taureau Furieux tức là Con Bò hung dữ. Trưởng Lược cười nói tiếp:

“Chú mày biết không mắt con bò có ba trạng thái: khi bình thường thì tròng đen nằm giữa, khi nó bế được một con bò cái nào đó thì nó dùng miệng hích vào mông con bò cái khi đó tròng đen đưa ra mí mắt ngoài trông thật ngô nghê. Còn khi tức giận thì tròng đen đưa vào khoé mí mắt trong, đôi mắt trắng dã và cứ thế húc vào đối phương. Bọn Tây đặt tên rừng cho anh như thế vì anh đã dùng đầu húc vào bụng Robert. Tên rừng Taureau Furieux chuyển qua Việt ngữ là “con Bò Lác (lác mắt)””.

Đến năm 1953, khi dự Trại họp bạn ngành Tráng ở Tùng Nguyên do Trưởng Gà Hùng Biện Trần Điền làm Trại
Trưởng. Trong một đêm lửa trại nọ, cụ Gà gọi Lê Trường Thọ (Đạo trưởng Châu Thăng Long) và anh đến phán: anh Lê Trường Thọ cao, to mập nên đặt tên Sư tử là đúng rồi nhưng vì nước da đen mà Sư Tử Đen thì
không hay, anh hay nói lắp nên ta đặt cho chú là Sư Tử Hoạt Bát để nhớ mà sửa cái tật cà lăm. Còn chú Lược mang tên rừng là Bò Lác thì không ổn vì trong miền Nam này Lác có nghĩa là ghẻ chốc. Vậy ta đổi cho chú là Bò Lém. Từ đó anh mang tên rừng là Bò Lém.

– Hỏi: Thưa Trưởng, Bò Lém sao lại thành ra Bò Rừng Lém?
– Trưởng Lược cười hả hả và nói: “Bò nhà thì hiền khô còn Bò Rừng thì mới lém lĩnh. Vậy cho nên đã lém thì
phải là Bò Rừng, cho nên anh thêm từ Rừng cho cho oai vậy”.
– Thưa Trưởng: Tên rừng chỉ được đặt một lần, Trưởng Điền tự ý cải đổi tên rừng sao không ai không phản đối?
– Ối giời! Cười ha hả, ai mà dám cải ông Gà Hùng Biện, ổng nổi tiếng là nhiệt tình và độc đoán. Ông nói sao thì nghe vậy, không ai dám hó hé. Trầm ngâm một lúc ông nói: Tiếc thật nếu ông Gà còn thì HĐVN đã tổ chức Trại họp bạn Á châu -Thái bình dương. Chú có biết không, Trưởng Khu Công chánh 2 là một Trưởng HĐ đã được lệnh san ủi mặt bằng ở Biển Hồ Tây nguyên để mở Trại họp bạn. Buồn quá, mùa Xuân 1968 ông đã về với Cụ B.P.rồi.

Chọn mặt gửi vàng 

Thỉnh thoảng tôi hay đến thăm Cụ Bò để nghe Cụ tếu táo về chuyện tiếu ngạo giang hồ của HĐ. Cụ kể chuyện này đến chuyện nọ thâm cung bí sử của HĐVN, có lần tôi hỏi:
– Các Trưởng HĐVN thường được nhắc nhở “Khi nhậm chức thì việc trước nhất là chọn người thay thế mình. Anh ở ngôi cao đã mấy chục năm rồi đã chọn dược người thay thế mình chưa?
– Đã chọn từ lâu nhưng mà chưa dứt khoát ai cả.
– Sao vậy anh?
– Hiện nay có rất nhiều Trưởng giỏi nhưng chưa chọn được ai cả. Khá nhất là Trưởng Trần Trung Phúc nhưng
tay này thiếu quyết đoán, ông Tiến Lộc rất giỏi nhưng phải 2 cái tội, một là làm linh mục, hai là ông tốt bụng quá đối với bất cứ ai. Còn anh Tôn Thất Hàn thì như xe lu bạ đâu húc đó, dễ đổ vỡ lắm.

À! Ông Cụ thân sinh của anh Hàn giỏi Hán học lắm và cũng thông hiểu về tánh khí của con trai mình là nóng nảy nên mới đặt tên là “Hàn” để trung hoà cái tánh nóng. Ừ ông cụ giỏi thiệt (Thật ra Hàn ở đây có nghĩa là ngòi bút, hàn lâm là rừng bút).
– Còn anh Phạm Quang Thuỳ thì sao?, tôi hỏi.
– Thuỳ ấy à! Anh ta thì giỏi, hăng hái, xông xáo nhưng khổ nỗi một số anh em không ưa.
– Anh Sam ấy à, anh Sam là một trong những huynh trưởng giỏi nhất nhưng khổ nổi ông có máu vương tôn có vẻ cao ngạo nên anh em khó gần, hơn nữa anh lại ở xa. Tôi quý trọng tài năng của anh Sam lắm, còn nhớ khi thành lập nội các HĐ, tôi đã mời anh Sam làm Ủy viên ngành Thiếu nhưng anh không nhận nên phải mời một trưởng giỏi khác là anh Trương Trọng Trác làm Ủy viên ngành Thiếu cùng thời vs Ông Tiến Lộc Ủy Viên ngành Tráng, ông Trần Văn Hiến làm Ủy viên ngành Ấu.

Cuối cùng thì Trưởng Lược đã chọn anh Lương Hải làm phụ tá. Sau đó thì chọn anh Trần Trung Phúc.

Đến tháng 12 năm 2012 thấy mình sức khỏe yếu không thể đảm đương công việc được nữa nên anh viết đơn từ chức. Và đại hội nhất trí bầu Trưởng Trần Minh Thiện lên thay thế.

Khi nghe tin Trưởng Trần Minh Thiện được bầu làm Trưởng Ban Điều hành, Trưởng Lược lấy làm hài lòng lắm và nói: “Tốt đẹp lắm, Thiện là con nhà nòi, cháu của cựu TUV Trần Điền và em của DCC Trần Tiễn Huyến”.
– Còn anh Tuấn Mã Trần Xê thì sao?
– Xê thì được quá, giỏi lắm nhưng lại ở xa tận ngoài Đà Nẵng làm sao mà điều hành được.

Xin trích vài mẫu chuyện trong Rừng chuyện cười HĐ của Cụ Bò

1. Ong nào cũng là ong: Trong chuyến viếng Đan Viện Biển Đức ở Ban Mê Thuột chúng tôi nói với nhau về chuyện Mowgli gặp ong rừng liền chọc phá, rồi nhảy ùm xuống sông để bọn khỉ Bandalog bị ong chích chết tơi bời. Anh Hoẵng có ý nghĩ hơi kỳ lạ là ong rừng các ông nuôi nên muốn thử xem sao. Anh em nói: “Ong nào cũng là ong anh đụng vào chúng là chết đấy”.

Hoẵng Láu không tin và cho rằng dữ như sư tử, hổ, báo mà phường xiếc thuần dưỡng được cũng trở nên hiền khô. Sá gì ong nhà. Nói xong anh dùng gậy nạng chọc vào tổ ong. Thấy sự đã rồi tôi la lớn: “Chạy mau không ong nó đốt chết”. Anh Hoẵng không chạy, tôi chạy khá xa ngoảnh mặt lại thì thấy bầy ong bu vào đầu vào mặt anh. Hoẵng Láu kêu cứu vang trời. Còn tôi thì la lớn: “Cứu với! Cứu với!” May nhờ có đám thợ rừng gần đấy chạy đến dùng lửa xua đàn ong đi mới cứu được anh Hoẵng thoát chết.

Tôi chạy lại nhìn kỹ bộ mặt của anh Hoẵng lúc này không còn láu nữa. Sưng vù rất thê thảm vì thử nghiệm tai hại của mình làm bộ mặt vốn đẹp trai bây giờ như đĩa xôi gấc. Sưng vù lồi lõm rất khó coi. Rõ ràng ong nào cũng là ong không nên chọc chúng.

2. Vào thiên đàng: Một anh nọ suốt đời chăm chỉ sinh hoạt HĐ đến khi chết được cho vào thiên đàng. Mừng quá anh đi ngay đến cửa thiên đàng, anh cứ thập thò dáo dác nhìn vào chứ không vào. Thánh Phê-rô giữ cửa thiên đàng lấy làm lạ bèn hỏi:
– Ngươi đã được xét cho vào nước Chúa sao không vào ngay đi mà ngấp ngó cái gì.
Người kia lễ phép thưa:
– Bẩm Thánh, con nhìn xem trong ấy có vợ con không. Thấy không có vợ con thì con mới vào.
– Thế vợ ngươi có phải HĐS không?
– Thưa không?
– Thế thì ngươi cứ yên chí mà vào đi.

Chuyện chai rượu sâm

Những năm về sau này tuy da dẻ vẫn còn hồng hào, sức khoẻ chưa sút kém bao nhiêu nhưng Trưởng đã bị lãng tai và mơ hồ đãng trí như câu chuyện sau:
Mỗi khi chúng tôi đến thăm ông lại hào hứng kể câu chuyện này: “Tết năm rồi có 2 ông đại tá ngoài Bộ vào thăm anh. Gớm. Gì mà trọng hậu thế. Hai ông mang theo trà và chai rượu sâm Cao Ly. Anh ngu gì mà lại uống, cất vào tủ để đó. Uống vào mà chết à…..”

Cũng câu chuyện này ông đem kể mãi mỗi khi có khách
đến thăm, năm này đến năm nọ. Lần đó, tôi với anh Ong Siêng Năng đến thăm, Cụ lại đem câu chuyện này ra kể và như mọi lần Cụ nói: “Ngu gì mà uống. Uống vào mà chết à”.

Tôi và anh Ong lấy mắt nhìn nhau rồi thưa: “Cho bọn em chai rượu đó đi”. Tức thì ông nói: “Oanh ơi! (Oanh là người con gái chăm sóc Cụ hằng ngày) vào lấy chai rượu đưa cho hai anh mày”. Chị Oanh nói nhỏ với chúng tôi:
“Ông cứ nói mãi chuyện này. Rượu còn đâu nữa”.

Tứ trụ triều đình ngành Bầy

Thuở HĐ xa xưa, năm 1934 Bầy Trứng Rồng được thành lập ở Bắc Kỳ do Họa sĩ Lê Thị Lựu (Sói Dí Dỏm) và GS Trung học – bà Chenevier làm Sói Già. Đến thập niên 60 thì ngành Bầy phát triển mạnh ở miền Nam với tứ trụ triều đình ngành Sói là các Akela Leader Nguyễn Thúc Tuân, Lê Văn Ngoạn, Trần Văn Lược và Nguyễn Thới Hòa. Đây là tứ đại thiên vương mà Trưởng Lược thuộc hàng đệ tam,
nhưng luôn cố vươn lên và thật ngoạn mục, đến năm 1969 thì chễm chệ trên ghế TUV. Trước nay, chức vị này chỉ dành riêng cho huynh trưởng ngành Tráng, ngành Thiếu nên khi Trưởng Lược lên thì anh em xì xào nhưng rồi sau đó nhận ra rằng đây là vị Tổng Ủy Viên có tài điều binh khiển tướng nhất.

Khi bốc lên thì coi trời bằng vung

Thông thường trong những buổi khai mạc trại họp bạn, trại huấn luyện, lửa trại, chào cờ đầu năm… Anh em hay mời Cụ nói câu chuyện dưới cờ. Ban đầu Cụ nói hay lắm nhưng phút chốc Cụ đổi đề tài nói xiên nói xẹo, chửi xéo người ta làm anh em lên ruột mà không biết cách gì can ngăn.

Tỉ như khi khai mạc Trại họp bạn Bách Hợp, Cụ nói quan chức bây giờ toàn là bọn tham nhũng đè đầu đè cổ thiên hạ, đục khoét của công, vơ vét cho đầu túi tham mà không lo gì đến việc giáo dục thanh thiếu niên, tệ nạn đầy rẫy trong xã hội. HĐ chúng ta là một đoàn thể giáo dục ưu việt có mục đích đào luyện con em trở thành người tốt cho xã hội. Thế mà lại bị cấm đoán o ép, thật là độc tài… Ổng bốc lên phê bình chỉ trích gắt gao. Anh em kêu khổ nhưng không biết làm sao can ngăn được…

Sau đó, nhận thấy mình quá đà, cũng ngán nên đột quỵ ngay tại trại, Trưởng Nguyễn Thúc Tuân vào Trại cứu thương đấm bóp cho Cụ. Thấy một cụ già gần 100 tuổi chăm sóc cho Cụ già 90 tuổi nên “người ta” cũng bỏ qua, nhưng kỳ trại đã bị rút ngắn một ngày. Từ đó, mỗi khi Cụ Bò đăng đàn nói chuyện thì anh em nơm nớp lo sợ. Cuối cùng thì cái khó ló cái khôn: khi thấy Cụ quá đà thì anh em vỗ tay và A. A. A liên hồi. Thoạt
tiên Cụ ngỡ ngàng nhưng rồi hiểu ngay, từ từ tiến về chỗ ngồi, tỉnh bơ. Cười nói như không có việc gì xảy ra.

Ghi chú:
1. Thái Thượng Lão Quân: Các truyện Tàu như Tây du ký, Bát tiên, Song kiếm xuân thu, Xuân thu oanh liệt… thì Thái Thượng Lão Quân là một vị tiên ông ở thượng giới chuyên luyện tiên đan cho Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ông trông coi các động địa tiên ở trần gian và chuyên cho thuốc tiên đan để họ sống trường sinh bất lão.
Khi Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung bị bắt, bị nhốt vào lò luyện đan, cứ nghĩ chỉ 2 khắc giờ là thân hình của Đại Thánh sẽ cháy thành tro bụi. Không ngờ khi mở nắp ra thì trong chảo nóng với lửa tam muội Tề Thiên vẫn ung dung vừa vọc nước tắm vừa chọc quê Thái Thượng tiên ông: “Cám ơn Thái Thượng đã cho ta tắm trong lò bát quái này, mát lắm, mát lắm”. Nói xong, Đại Thánh vùng đứng dậy đạp đỗ lò bát quái làm lửa rơi xuống trần tạo thành những hỏa diệm sơn ngày nay.

2. Hoẵng Láu: Là huynh trưởng kỳ cựu ở miền Bắc. Năm 1944, trong kỳ Trại họp bạn Qua Châu, Ông đoạt giải nhất chạy băng đồng. Năm 1954, vào Nam lập Đạo Kỳ Hoà ở Chợ Lớn, giỏi Anh, Pháp, Hoa văn, đã từng làm việc tại Nhật, làm việc cho cơ quan văn hoá Hoa kỳ tại Việt Nam. Viết một cuốn sách để đời là “Nghề Trưởng”, sách rất có giá trị, là gối đầu giường cho các huynh trưởng, một ALT và từng là UV ngành Thiếu Bộ TUV.

3. Chenevier (anh em thường gọi vui là Sơn Nữ Vương): Là Nữ trưởng 4 gỗ của HĐ Pháp tại VN, từng là Ủy Viên ngành Ấu của HĐ Bắc Kì . Năm 1945, bà về Pháp và khi phái đoàn HĐVN qua dự trại ở Pháp, bà ân cần tiếp đón rất thân tình.

4. Mười hai Châu: Thời cực thịnh HĐVN có 12 Châu là: Cao Bắc Lạng, Sơn Hưng Tuyên, Thăng Long, Châu Sơn Nam, Châu Hải Bắc, Châu Hải Trung, Châu Hải Nam, Châu Trường Sơn, Châu Gia Định, Tiền Giang, Hậu
Giang (quên mất Châu thứ 12 – ai biết xin chỉ giùm).

Tâm sự cuối cùng

Ngày 10/10/2018 nghe tin Cụ bị bệnh nặng, Cha Xứ đã 2 lần xức dầu. Tôi lật đật đến thăm, khác với thường lệ kỳ này Cụ không xuống lầu được nên chúng tôi lên thăm Cụ trên giường bệnh ở lầu 1. Vị anh hùng của HĐ nằm thiêm thiếp rồi tỉnh táo tỏ bày nỗi lòng:

“85 năm nay Anh một lòng theo lý tưởng HĐ. Trời không phụ mà anh em cũng hết lòng phò tá nên HĐVN đã trải qua những ngày vinh quang với hai kỳ trại họp bạn toàn quốc liên tiếp là trại Giữ Vững Suối Tiên năm 1970 và Tự Lực ở Tam Bình Thủ Đức, mà thế giới đã ca ngợi là trại họp bạn trong chiến tranh. Nay anh đã 100 tuổi, Chúa gọi về là được rồi, không còn vướng bận những gì ở hồng trần nữa chỉ tiếc rằng HĐ nước ta chưa được chính thức sinh hoạt. Âu đó cũng là định mệnh”.

Thay lời kết

Trong lễ viếng tang, một Trưởng Lão của Nhóm GVMD đã đọc một bài ai điếu lời lẻ vừa hào hùng vừa bi thiết mà chúng tôi xin trích một đoạn ngắn để thay lời kết:

Đất Hải Phòng anh mở mắt chào đời.
Trời Sài gòn anh ra người thiên cổ.
Hỡi ôi!
Vũ trụ bao la mà đời người thì khoảnh khắc.
Mới ngày nào đó nói nói cười cười.
Mà hôm nay đã nhắm mắt lìa đời, thiên thu vĩnh biệt.
Nhớ xưa:
Quê hương loạn ly,
Hướng Đạo nỗi trôi theo mệnh nước,
Anh an nhiên tỉnh tọa trên ghế TUV,
Mặc cho sóng to gió lớn,
Mặc cho giông tố bão bùng,
Anh vẫn can trường lái con thuyền Bách Hợp,
Đến bến bờ vinh quang.
Ôi!
19
Bạn đời đã quá vãng từ lâu,
Bạn đường cũng ra đi gần hết,
May thay,
Nhìn xuống nhìn lên vẫn còn những đàn em cố cựu trung
kiên:
Nào Thái Hùng, Trần Xê,
Nào Tiến Lộc, Vĩnh Thịnh,
Nào Quang Thùy, Thanh Thủy,
Nào Trọng Luyện, Thu Trang,
Nào Diệu Quỳnh, Thể Đoan,
Kìa Ái Huy, Sói Tuấn,
Nọ Tấn Luận, Minh Khiêm,
Tôn Hàn, Ngọc Bưu, Quốc Khánh, Thiện Khánh
Và rải rác đó đây còn một vạn đàn em thân thương.
Toàn anh hùng hào kiệt,
Toàn là hiệp khách cao nhân
Dưới trời Nam, vỗ đúc kiếm mà ca sang:
“Kiếm đã cùn họ vẫn là kiếm sĩ,
Kiên nhẫn dùi mài để dựng lại cơ đồ.”
Hỡi Bò Rừng lão hạc,
Tiên sinh là vị Tổng Ủy Viên – oanh oanh liệt liệt
Còn nhớ năm xưa,
Khi mới lên ngôi người đã:
“Nối vòng tay lớn – phát triển phong trào,
Tam Bình – Tự Lực
Giữ Vững – Suối Tiên
Kha sinh vượt sóng – du khảo Phú Quốc
20
Rồi những năm tháng khó khăn
Sinh hoạt chui mà tụ nghĩa đệ huynh
Cổ thư có câu: “Phước bất tận hưởng”.
Sinh ký tử quy – sống gửi thác về
Hãy lên thiên đàng mà hưởng nhan thánh Chúa.
Đã đến lúc phải chia tay, xin người ngước nhìn mà nhận
diện anh em.
Để rồi:
Thiên thu vĩnh biệt…

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.
[disqus_shortcode_codeable]