Thursday, April 25, 2024

Không biết bây giờ ba ở nơi đâu?

Sương Diệp

36 năm về trước, hôm nay là ngày ba mình qua đời. Ba mình sinh năm 1915, mất năm 1985, thọ 70 tuổi.

Ba đã rời xa cái thế giới đầy bất trắc hoang mang. (Hình: Sương Diệp)

Ba là con thứ tám trong gia đình, là con trai áp út. Chú Chín nhỏ hơn ba vài tuổi và bà nội không sinh nữa. Ông bà nội ở Cần Thơ. Mình nghe mẹ kể, ông bà nội có tiệm kim hoàn nên sau khi ba đậu bằng Thành Chung, ông bà nội có tiền cho ba lên Sài Gòn học tiếp. Khi lên đại học, ba học ngành Kỹ Sư Canh Nông.

Ba lớn lên trong thời Pháp thuộc nên nói tiếng Tây rất giỏi. Học xong, ba trở về Cần Thơ vì ông bà nội đã chọn dâu hiền. Tời đó hay có hôn nhân được xếp đặt giữa cha mẹ hai bên, phận làm con ít ai dám cãi. Thế là ba cưới vợ năm ba 23 tuổi.

Ba là một người đàn ông thương vợ con. Ngoài việc trông coi bài vở, ôn bài dạy dỗ cho đàn con, ba còn giúp mẹ chăm sóc cho đám con nhỏ tuổi trong đó có mình, bà chị và hai người em. Bà chị mình chín tuổi, mình bảy tuổi, nhỏ em kế sáu tuổi và đứa em út ba tuổi.

Mỗi buổi trưa, ba lùa bốn đứa con gái vô nhà tắm, trần như nhộng, lúc đó đâu biết khỉ khô gì mà mắc cỡ. Trong nhà tắm có một cái hồ rất lớn, lúc nào cũng đầy nước mát rượi. Ba lấy cái gáo bự múc đầy nước xối lên đầu từng đứa, rồi chà xà bông lên đầu vò cho tóc sạch đến khi bọt trắng nổi lên như bông gòn, rồi tiện tay ba vuốt xuống mặt coi như là rửa mặt luôn.

Đang thưởng thức màn gải đầu đã điếu, thì lại phải tỉnh vì tay ba vuốt xuống mặt làm xà bông vây vào cay mắt. Đứa nào cũng chới với nhắm nghiền mắt miệng thổi phù phù. Lúc đó, ba cứu nạn bằng xối nước ào ào xuống đầu từng đứa một. Mấy đứa mừng quá nhảy cà tưng, rồi ba lại chà xà bông lên mình, lên vai, lên lưng, xuống chân, kỳ đất cho từng đứa rồi xối vài gáo nước cho sạch. Ba không quên nói: “Rửa ‘con sò’ đi nha tụi con.”

Cái vụ này là tụi con gái mình phải tự biên tự diễn.

Ba có chiếc xe hơi của Đức màu đen không lớn lắm, vậy mà đi đâu cũng chở một đàn con tám đứa và cả bà Vú nữa, vị chi 11 mạng. Đứa đứng, đứa ngồi. Có khi đứng hai, ba tiếng đồng hồ mà không có đứa nào than mỏi chân. Tuần nào ba cũng chở đi chơi.

Thứ Bảy thì ra chợ Bến Thành, Chợ Cũ ăn hủ tíu cá, đi vườn Tao Đàn, đi coi xi-nê ở rạp Rex hoặc xuống bến tàu. Mỗi khi ra bến tàu thì ba ghé tiệm rượu Vĩnh Tồn Tâm nhâm nhi vài ly rượu, trong khi mẹ và đám con chơi ngoài công viên.

Ngày Chủ Nhật thì ba chở di chơi suối Lồ Ồ hay vô vườn trái cây Lái Thiêu, vườn cao su Long Khánh hay đi Long Hải, Vũng Tàu…

Ba mẹ không giàu, bởi làm sao mà giàu cho nổi khi phải nuôi tám đứa con, một bà vú và một bà phụ bếp với số lương công chức. Ba là giám đốc nên cuộc sống trong gia đình rất thoải mái sung sướng. Ba không để cho các con thiếu một thứ gì. Nhà mình là nhà đầu tiên trong xóm có tivi. Cái tivi nhỏ chỉ 16 inches. 

Chiều nào trời trong gió mát không mưa, thì ba bưng tivi ra ngoài vườn để lên cái bàn cao rồi cho một đám con nít trong xóm vào ngồi coi ké. Không đủ ghế thì lót gạch ngồi dưới đất. Còn khi trời mưa thì cho đám con nít vô nhà, phòng khách đầy nghẹt vui thiệt là vui mà cũng ồn thật là ồn. Vậy mà ba mẹ chịu được mỗi đêm chứa hơn 20 cái đầu chua lè, quần áo hôi rình. Được khoảng một tuần ba hạ “chiếu chỉ” là đám nhi đồng phải tắm rửa, thay quần áo xong thì mới cho vô coi tivi. Lúc đó, mới khám phá ra tụi nó nghèo quá không có nhiều quần áo giặt kịp cho khô để mặc, thì mẹ lại phải soạn quần áo của đám con tám đứa để chia cho tụi nó.

Ba mình tốt với nhân viên làm việc cho ba. Ai bệnh đau không có tiền đi bác sĩ hay mua thuốc thì ba cho mượn tiền, thiếu gạo thì gặp mẹ xúc gạo cho, mà cho hoài hết người này tới người kia thì làm sao ba mẹ mình giàu cho được? Mượn tiền của ba mà trả không được thì ba cũng làm thinh. Vậy cho nên nhân viên thương và quý ba lắm. Ba có khoảng 100 nhân viên tận tâm làm việc cho ba, mà họ thì nghèo lắm.

Sài Gòn không còn nhìn thấy một ông tóc bạc trắng, tay cầm một cây gậy đứng nhìn đường phố nhộn nhịp với ước mơ không thành. (Hình: Sương Diệp)

Năm 1974, khi ba sắp 60 tuổi, ba nghỉ hưu non. Với lương hưu trí ba sẽ sống thoải mái. Nào ngờ một năm sau, biến cố 1975 xảy ra. Ngày 30 Tháng Tư, ba ra sở hưu bổng hỏi về tiền hưu hàng tháng của mình thì người phụ trách hưu bổng nói: “Ông đi kiếm ‘cha’ Thiệu mà đòi…”

Rồi tới vụ bắt dân đi kinh tế mới. Ba sợ cảnh bị đẩy vô rừng, nên ba mua một mẫu đất của người bạn ở gần Đà Lạt. Ba lên đó mướn người, mua gỗ cất nhà, trồng bắp trồng đậu tạo cơ ngơi sẵn cho vợ và các con để mọi người không phải cực khổ. Ba hy sinh thân ba cực nhọc để cho vợ và các con được ấm êm.

Chế độ Cộng Sản ở miền Nam gay gắt. Ba bất mãn, buồn bực. Mộng ước của ba là được định cư ở Pháp. Ba và mẹ bán hết những gì có thể bán được từ vàng bạc, nữ trang đến bàn ghế tủ giường. Mẹ may một sợi dây bằng vải để luồn vàng lá vào rồi ba quấn ở vòng bụng. Ba lặn lội ngồi xe đò rồi ngồi xuồng xuống Rạch Giá đưa tiền cho anh ba của mình đóng thuyền đi vượt biên.

Ba cực khổ gian nan. Ba vượt qua bao nguy hiểm. Thời gian đó muốn đi đâu cũng phải xin giấy đi lại. Trạm gác khắp nơi hoạnh hoẹ khám xét. Đường đi gián đoạn phải đi xuồng qua những khúc sông trong đêm tối. Ba nói có nhiều khi xuồng bị nước cuốn suýt chết.

Ba không ngại cực khổ, chỉ mong sao cả gia đình vượt biển đến một xứ khác an bình hơn. Nhưng ba không toại nguyện. Chiếc thuyền có gia đình anh mình và thằng út tổng số chỉ có 27 người đã vượt sóng ra đi thay vì 35 người như dự tính. Ba mẹ, anh kế và năm chị em gái mình bị kẹt lại.

Ba thất chí buồn bả. Ba chán nản vì tiền bạc không còn. Rồi một ngày, ba bị stroke liệt nửa người. Ba khóc, cả nhà dỗ dành ba như dỗ đứa trẻ.

Bốn năm sau ba mất. Tối hôm đó, mọi người quây quần bên ba. Mình nắm tay ba, con út cắt móng chân mang vớ cho ba, mẹ ngồi vuốt tóc ba. Mẹ nói: “Mình ơi, bộ mình nhớ thằng út Hùng hả?” Ba khẽ hé mắt như gật đầu. Một giọt nước ứa ra ở khoé mắt ba rồi ba hắt một hơi dài, bàn tay ba trong tay mình rịn ướt … ba không còn thở thêm hơi nào nữa.

Cả nhà cùng nấc lên. Mình chỉ biết kêu thầm “Ba ơi” trong nước mắt, vì có một người nào đó nói lên: “Đừng khóc, để cho ông đi thanh thản.”

Ba đã rời xa cái thế giới đầy bất trắc hoang mang. Sài Gòn không còn nhìn thấy một ông tóc bạc trắng, tay cầm một cây gậy đứng nhìn đường phố nhộn nhịp, với ước mơ không thành. 36 năm đã qua, chắc rằng ba đã đi đầu thai. Không biết bây giờ ba ở nơi đâu???

***

Thư và bài về trang Tưởng Nhớ, xin gửi về: [email protected]

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm