Thursday, March 28, 2024

Nhớ anh Ngô Gia Truy

 

Không biết có phải nghe đâu đó thành tích oai hùng của anh trong thời anh là một sĩ quan trong QLVNCH, mà chị đã ngã lòng trước lời ngỏ ý, hay lòng ăn ở tốt đẹp với bằng hữu, hay là chính anh hiện tại, với miệng luôn mỉm cười, như người bạn Song Vũ Ngô Văn Xuân K17 nhận xét: “… Cuối năm 1967, khi tôi về làm TĐP/TĐ2/11 cho niên trưởng Nguyễn Văn Tạo K16, anh giới thiệu một số sĩ quan, tôi nhận ra ngay Ngô Gia Truy là em anh Ngô Gia Tiến K16. Cả hai giống nhau lạ lùng, nét mặt như lúc nào cũng đang mỉm cười, nếu có khác chăng là Truy vui vẻ nhanh nhẹn hơn…”. Nhưng nhiều phần, có lẽ chị thương cuộc đời ba chìm bảy nổi của anh đang cần một bàn tay phụ nữ đỡ nâng… Tất cả những điều ấy đã khiến chị mềm lòng trước anh, người hơn chị đến 21 tuổi.

Chị nhớ lại ngày chị xiêu lòng vì anh, hầu như tất cả các bạn đồng nghiệp đều không hiểu tại sao sự thể lại như thế. Vậy mà chị đã sống với anh bền vững cho đến ngày anh nhắm mắt xuôi tay, cái ngày mà anh để lại ba mẹ con côi cút, nơi căn nhà nhỏ, họ từng chung sống 25 năm, ấm áp, nghĩa tình.

Mấy tháng nay, từ khi anh không còn bên gia đình, căn nhà trống hoắc, lạnh tanh. Giàn bầu bí sau nhà không còn rợp bóng, lá vàng quéo lại rơi rụng dần, thân cây cũng héo đi như lòng chị. Ngày anh còn sống, thú vui của anh là sáng sáng ra vườn sau, nhìn những trái bầu bí nhú ra từ nụ hoa, anh theo dõi sự lớn lên từng ngày, anh chậm rãi săm soi từng hoa từng trái, xanh mướt, mát rượi, giàn bầu bí quanh năm sai quả. Anh thích thú mỗi sáng hái dăm ba trái bỏ vào sau xe, đem cho bạn. Anh thích lắm, mùa nào thức ấy, anh vui niềm vui rất đơn giản.

Chị Vũ Thùy Linh và hai con trước bàn thờ chồng. (Hình: tp)

Chị xót anh tuổi già con mọn, chị muốn anh thảnh thơi, không vướng bận áo cơm. Chị muốn để mình chị lo. Chị muốn anh cứ vui chơi với bạn bè, để bù lại những ngày trầm mình trong lửa đạn chiến tranh. Thế đó, một mình, chị đã bươn chải kiếm sống. Mấy năm sau này, chị đi làm xa, hai ba tháng mới về với chồng con một lần. Chị không an lòng lắm khi rời anh, nhưng nhờ hai con gái đã lớn đỡ đần, chị tự hứa, chỉ ráng vài năm nữa, khi tài chánh gia đình vững vàng, chị sẽ ở hẳn bên gia đình, ở hẳn bên anh để nhà không vắng người nội trợ.

Nhưng nào lời hứa có được như ý mình. Một chuyến về thăm, chị thấy anh khác, xuống sắc nhiều, hỏi thì vẫn nói những lời cho chị an tâm.

Sau vài lần ra vào nhà thương, sức chống chọi với căn bệnh càng ngày càng sút giảm, anh ăn không được, thở rất khó, miệng lỡ và sốt cao. Chị ý thức chuyện phải đến, nhưng vẫn không ngờ anh ra đi nhanh đến thế. Chỉ sau 10 lần xạ trị là anh buông. Chị thương anh biết bao nhiêu mà kể. Lúc khỏe mạnh anh cứ ao ước khi trăm tuổi sẽ được chôn cất tại quê nhà, nơi vùng đất mà theo anh sẽ phát phần con cái. Chị chìu ý, đã không quản ngại, đưa anh về tận nơi anh chọn. Chị an tâm là anh vui an nghỉ nơi mà anh mong muốn.

Người xuôi tay đã an phần, người ở lại đau đớn nhớ thương biết nhường nào. Anh đi rồi, hai con cũng phải đến trường, chị vô ra một mình hiu quạnh. Cái phone của anh, chị giữ lại bên mình, như giữ lại chút hơi ấm còn vương. Thảng hoặc phone cũng reo lên. Có khi nào là anh gọi chị, có khi nào là anh chưa siêu thoát, còn vấn vương hơi hướm gia đình. Có khi nào mọi chuyện chỉ là giấc mơ, và anh vẫn đâu đó sau giàn bầu bí, vẫn đâu đó ở các quán cà phê quen thuộc, ham vui chưa về.

Chị thắp một nén nhang lên bàn thờ anh, lòng nhớ thương quặn thắt.

tp

[disqus_shortcode_codeable]