Tuesday, April 23, 2024

Nhớ về Luật Sư Nguyễn Hữu Thống, một đàn anh khả kính

Nguyễn Viết Đĩnh

 

Chiều chiều trên con đường Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Du, Công Lý, sát dinh Độc Lập, khu chung quanh Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, có ṃột người đàn ông trung niên, gương mặt quắc thước nghiêm nghị, mặc complet ca vát đậm màu, thong thả bước trên vỉa hè. Có lúc ông dừng lại, ngửa mặt lên trời nhìn mông lung. Có lúc đương sự mỉm cười. Nụ cười bao dung, hiền hòa như thể ông đã tìm ra đầu mối của vấn đề quan trọng nào đó. Những suy nghĩ thầm kín trong bộ óc thông minh của ông nào ai đoán được?

Đó là lúc ông rời bỏ văn phòng trên đường Nguyễn Trung Trực xếp đầy những chồng hồ sơ ngổn ngang, tạm lánh xa tiếng reo điện thoại inh ỏi nhức đầu. Ông thả bộ đề trút bớt áp lực trong ngày. Cuộc đời đâu phải chỉ có làm việc kiếm tiền cho bản thân và gia đình. Ngoài kia đất nước đang ngổn ngang những vấn đề nhức nhối của một xã hội ngụp lặn trong chiến tranh, nghèo đói, lạc hậu.

Với hoài bão và tâm huyết của một kẻ sĩ ông phải làm gì? Cơ hội nào để ông nắm được chìa khóa mở cánh cửa vào guồng máy vận hành quốc gia, hiện vẫn do những tướng lãnh quân đội nắm giữ. Khi đó ông có thể mang hết sở học và kinh nghiệm giúp nước, giúp đời. Đó là ước mơ của ông và của hầu hết kẻ sĩ thời đó. Ông mơ một xã hội thanh bình, thịnh vượng trong khung cảnh thượng tôn luật pháp, để đất nước được phát triển hài hòa, để mọi công dân được sống trong dân chủ, bình đẳng và tự do. Ước mơ nhỏ nhoi đó sao mà khó thực hiện trong lúc cuộc chiến tranh dành quyền lực giữa hai phe Quốc – Cộng sắp đến hồi kết thúc. Nỗi dằn vặt về vận nước vẫn nung nấu trong lòng. Do đó những bước chân thờ thẫn bên vệ đường của kẻ sĩ ngày càng long đong và phiền muộn hơn.

Gia nhập Luật sư đoàn Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn năm 1954, ông thuộc thế hệ những luật sư kỳ cựu nhất thời đó.Với kiến thức luật pháp uyên bác cộng với đạo đức nghề nghiệp nghiêm túc, ông nhận được sự nể trọng không những của các đồng nghiệp mà cả các quý vị thẩm phán trong ngành xử án và công tố đương thời. Đối với chính quyền, ông là một trong số ít những ứng viên sáng giá cho những vị trí quan trọng vào bất cứ thời điểm nào.

Một thời, ông từng nắm chức vụ Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến năm 1966-1967 và từng là giáo sư viện Đại Học Đà Lạt.

Vào thời đó, Luật Sư đoàn Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn đã sản sinh biết bao nhân tài lỗi lạc như LS Nghiêm Xuân Hồng, Trần Văn Tuyên, Trương Đình Dzu, Vương Văn Bắc, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Hữu Thống, Nguyễn Văn Chức, Phạm Nam Sách…và nhiều nữa, không kể xiết. Cả một lực lượng trí thức miền Nam với hành trang kiến thức lỗi lạc, cộng với bầu nhiệt huyết sẵn sàng cống hiến công sức xây dựng quê hương. Nhưng vận nước đổi thay.Tháng tư đen vụt về mang biết bao đau thương cho dân tộc. Miền Nam bị nhuộm đỏ. Cả nước biến thành trại tù. Nhân dân mất quyền sống. Họ bị tước bỏ tự do, bị mất hết những quyền cơ bản của con người. Trong cảnh hỗn mang tột cùng đó, ông đã may mắn thoát ra khỏi miền Nam. Ông qua Pháp hành nghề luật sư vào năm 1975. Sau đó ông qua Mỹ hành nghề từ năm 1978. Ông là người Việt Nam duy nhất có ba bằng hành nghề luật sư tại ba quốc gia trên thế giới. Năm 1979 tại San Jose, ông là thành viên sáng lập Hội Luật Gia Việt Nam quy tụ những luật sư, thẩm phán thời Việt Nam Cộng Hòa để tiếp tục công việc tranh đấu bảo vệ tự do, dân chủ cho quê hương.

Với cương vị là chủ tịch hội Luật gia, Luật sư Nguyễn Hữu Thống đã thường xuyên lên tiếng tố cáo hành vi đàn áp thô bạo và sự xâm phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng Sản đối với nhân dân, sĩ quan và binh lính trong quân đội miền Nam. Là một luật gia uyên bác luật công pháp quốc tế, ông đã đưa ra những lập luận có cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ lập trường biển đảo trong tranh chấp biển đông. Ông cũng mạnh mẽ tố cáo hành động xâm lược bằng võ lực của Trung Cộng khi xua quân xâm chiếm các hòn đảo của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Xuyên suốt già nửa thế kỷ, luật sư Nguyễn Hữu Thống đã miệt mài tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam.

Tại San Jose, California vào ngày 10 Tháng 9, 2018, vòng tròn tử sinh của ông đã khép lại. Một cánh hoa ưu đàm vừa rơi rụng trước sân chùa chiều nay. Tiếng chuông hư không vang vọng đâu đây, đọng xuống nỗi buâng khuâng trong lòng người ở lại.

Xin vĩnh biệt nhà đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho đồng bào tại quê nhà!

Xin vĩnh biệt luật sư Nguyễn Hữu Thống, người thầy, người đàn anh khả kính trong Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn!

Vĩnh biệt!

Nguyễn Viết Đĩnh
Dã Thảo Trang 13/9/2018

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm