Tưởng Nhớ

Quy Hương Đất Phật

5 giờ sáng, cậu em út báo tin: Mẹ tôi, bà Phạm Thị Bộ, pháp danh Diệu Âm Quảng Tấn, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1929, tỉnh Quảng Ngãi, đã tạ thế lúc 4 giờ sáng ngày 23 tháng 10 năm 2018 (nhằm ngày rằm 15 tháng 9 năm Mậu Tuất), tại Làng Chùa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng, Hưởng thọ 90 tuổi.

Mẹ mất! Tôi lặng người, nước mắt cứ tuôn trào. Một nỗi ấm ức, mất mát, nghẹn ngào nào đó dấy lên khiến tôi ngồi bất động.

Những cơn gió mùa thu hiu hắt còn ngái ngủ, nhìn qua những ánh đèn vàng dưới chân đồi còn mờ ảo, ngọn nến thấp tỏa tối qua cũng tắt lịm từ lúc nào.

Hồi tưởng lại ký ức, bao nhiêu năm sống bên Mẹ, bao nhiêu năm Mẹ đã hy sinh vất vả nuôi nấng chúng tôi thành người. Mẹ tảo tần hôm sớm, có những lúc Ba Mẹ phải mặc chung một cái quần, chân trần không giày dép, giẫm lên những viên sỏi đá khiến bàn chân rướm máu, đau nhức.

Mẹ độ lượng – bao dung biết bao. Mẹ được nhiều người thương mến về tính nhân từ và lòng hướng thiện. Giờ Mẹ nằm đó, con không còn được nghe những lời dạy bảo từ Người trước phút lâm chung. Tôi bật khóc tức tưởi…

Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ…”.

Con thèm những cái xoa đầu của Mẹ, ánh mắt âu yếm hiền từ yêu thương tình mẫu tử mà Mẹ đã truyền đến các con. Để tang cho Mẹ, con phải để tang cả cuộc đời. Con giữ mãi hình ảnh cao quý của Mẹ trong tim, trong từng cung cách sống. Con gửi đến Mẹ những sợi tóc – hình hài Mẹ đã cho con, Mẹ đã mang nặng đẻ đau, nuôi con đến ngày khôn lớn. Con nguyện với lòng phải làm những điều tốt đẹp như tấm gương sáng ngời của Mẹ. Mẹ đã cho con một tài sản quý giá về nhân cách sống.

Ngày con vượt biên, Mẹ xuống tóc cầu nguyện. Giờ Mẹ cũng xuống tóc quy y Tam Bảo, Mẹ hướng lòng về Đấng Từ Bi.

Mẹ ơi! Ngày tháng đến, con sẽ buồn nhiều. Nỗi buồn mất Mẹ, nỗi buồn xa vắng Mẹ từ đây.

Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ…”.

Trước ngày Mẹ đi, tôi như có một linh tính gì đó. Tôi chấp nhận, đánh đổi sự an nguy của bản thân để về bên Mẹ, nhưng em tôi – Đỗ Thị Xuân Đời (Lan) năn nỉ can ngăn. Em sợ tôi có mệnh hệ gì chỉ làm cho Mẹ lo lắng mà trở bệnh hơn. Tôi chỉ đành sắp xếp với gia đình đưa Mẹ về Bệnh viện Việt Pháp ở Sài Gòn để chữa trị, rồi sau đó sẽ đưa qua Singapore, và dự định sẽ cố gắng khuyên Mẹ về Mỹ điều trị và gần gũi với con cháu hơn.

Chưa kịp đưa Mẹ về Sài Gòn thì chị tôi – Đỗ Thị Xuân Quyết cho biết; Phải đưa Mẹ lên Đà Lạt cấp cứu. Được vài ngày, bệnh tình Mẹ có vẻ thuyên giảm.

Tưởng rằng, Mẹ có thể qua nổi, và tôi sẽ được gặp Mẹ… Nào ngờ… Mẹ như biết trước ngày đi nên nhất quyết yêu cầu bệnh viện cho về lại Làng Chùa. Bác sĩ không cách nào ngăn cản được. Suốt dọc đường hơn một tiếng đồng hồ, Mẹ đọc kinh cầu nguyện “Nam Mô A Di Đà Phật…” mong được về đến nơi.

Gặp được con cháu – người thân… rồi Mẹ thanh thản nhẹ nhàng ra đi trong sự an bình như tâm nguyện của Mẹ.

Mẹ không còn đủ sức lực để chờ đợi các con cháu từ Mỹ về. Vùng đất thiêng liêng Làng Chùa – Đại Ninh là nơi Mẹ chọn để trút hơi thở cuối cùng.

Như một cơ duyên Phật Pháp, trước đó gia đình chúng tôi chưa bao giờ biết nơi chốn này. Cậu em út của tôi là Bác sĩ Đỗ Đình Trường từ bỏ những hào quang bên Mỹ để đi khắp nơi, Ấn Độ, Việt Nam tìm thầy học đạo. Cuối cùng, em chọn vùng đất này để tu tập, kế đến em gái tôi – Đỗ Thị Xuân Đời (Lan) cũng tìm về đây.

Ngày đưa Mẹ về Việt Nam, dù Mẹ nói: “Mẹ về Pleiku làm giỗ Ba xong Mẹ sẽ về lại Mỹ với các con…” nhưng tôi hiểu, Mẹ đã chọn về quê hương để gửi thân xác và không làm phiền đến con cái. Khi tiễn Mẹ, tôi ôm chặt lấy Mẹ, Mẹ giấu đi những giọt nước mắt đang chảy trên khuôn mặt hiền từ đượm buồn của Mẹ… Tôi đã xa Mẹ từ lúc đó, từ lúc em tôi đẩy chiếc xe lăn đưa Mẹ vào phòng cách biệt. Chiếc máy bay rời khỏi phi đạo San Francisco, tôi nhìn lên bầu trời, lòng buồn bã…

Mẹ không ở Sài Gòn, không ở Pleiku như tôi nghĩ, mà Mẹ chọn Làng Chùa để tu hành. Với Pleiku, tôi có thể hiểu nỗi buồn của Mẹ. Những ngày tháng cực nhọc thăng trầm nơi ấy…, rồi tạo dựng lên được một sự nghiệp…, cuối cùng bị tước đoạt. Nhiều lần, Mẹ tôi ức lòng khóc sướt mướt. Pleiku đã cho gia đình chúng tôi nhiều kỷ niệm, nhiều ân sủng của trời đất, nhưng Pleiku lại đẩy gia đình chúng tôi đến một vùng đất khác. Có lẽ, an bình và thân thiết hơn.

Đại Ninh hay còn gọi là Làng Chùa có đến hàng trăm ngôi chùa, hàng trăm tịnh thất ở đây. Mọi người đều ăn chay và niệm Phật. Mỗi buổi sáng, mỗi tối, tiếng chuông chùa vọng lên trong màn sương – màn đêm tĩnh lặng một thứ âm thanh huyễn hoặc đánh thức cõi lòng nhân gian…

Khí hậu ở đây mát mẻ, se se lạnh. Những ngôi chùa cao thấp trên những triền đồi thoai thoải. Mùi nhang quyện cả một góc trời. Những tia nắng dịu dàng rực rỡ như ánh hào quang chiếu sáng… Đúng là duyên Phật, nên Mẹ đã chọn nơi này.

Mỗi ngày, tôi đều gọi thăm Mẹ, nghe Mẹ nói: “Chân bị đau nhức, ăn không được nhiều, ngủ rất ít…” Tôi xót xa vô cùng. Chị và em gái tôi từ Mỹ thay phiên về Việt Nam chăm sóc Mẹ, bên cạnh đó còn có cậu em trai.

Hai cô con gái tôi, Đỗ Minh Nguyên – Đỗ An Nhiên đã về đây thăm Bà Nội nhiều lần. Hai cháu được diễm phúc sống những ngày bên Bà. Bóp chân cho Bà. Đút cho Bà những muỗng cháo. Cầm tay Bà, hai cháu biết rằng một ngày nào đó rồi cũng sẽ xa Bà. Tôi luôn nhắc các con: “Khi các con càng lớn, thì thời gian của Bà gần các con sẽ ngắn lại. Một ngày nào đó, Bà sẽ về với Ông Nội. Các con hãy thăm hỏi và chăm sóc Bà nhiều”.

Tin Bà mất, các cháu khóc nức nở.

Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ…”

.

Mẹ đã ra đi về vùng đất mới. Mẹ đã vượt qua giới hạn của một đời người. Mỗi lần sinh đẻ, tuổi thọ giảm dần. Vậy mà Mẹ đã 16 lần tạo nên hình hài các con, sức lực của Mẹ đã quá phi thường.

Em tôi bảo: “Anh không được khóc, không được buồn, đừng để Mẹ vương vấn, bận bịu với con cháu, với trần gian mà đi không đành…”

Con nghĩ, chắc Mẹ không cấm con khóc! Không cấm con nhớ Mẹ!

Bên quan tài Mẹ, con cảm nhận hơi ấm của Mẹ nồng nàn truyền đến con, dòng sữa ngọt ngào tình mẫu tử. Mẹ như đang nói với con, đang ôm con vào lòng để sưởi ấm niềm khao khát yêu thương con kính dâng lên Mẹ.

Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ…”

.

Thân xác của Mẹ được hỏa táng tại Đài Du Sinh – Đà Lạt. Đà Lạt ngày nào thơ mộng bao nhiêu thì bây giờ với tôi thật buồn bã. Nhớ lúc học ở Đà Lạt, Mẹ lên thăm tôi, đôi má ửng hồng, tóc Mẹ ướt như còn hơi sương đọng. Mẹ mảnh khảnh, cao ráo, xinh đẹp ngần nào bên chiếc áo dài nhung the màu tím Huế. Trông Mẹ đài các và thanh cao. Mẹ mua cho tôi chiếc áo măng tô kiểu thời trang mới nhất để hợp với cái khăn choàng mà tôi thường mang. Mẹ bảo: “Thương con nhất, ráng học giỏi!”

Thần thức của Mẹ vẫn còn quanh quẩn đâu đây, nơi mà mỗi người con Mẹ đều yêu thương bao bọc. Sau Lễ Thất Tuần – 49 ngày, tro cốt của Mẹ sẽ được đưa về Mỹ để con được gần Mẹ hơn. Hình ảnh của Mẹ vẫn ở mãi bên con. Mẹ là tất cả, không có gì thay thế được. Và không có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn mất Mẹ.

Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ…”

.

Con luôn mong muốn Mẹ thương con, thương con thật nhiều. Từ lúc nhỏ, con đã thèm khát tình thương Mẹ cho con. Con còn nhớ, con có chứng bệnh chảy máu cam. Mẹ phải đưa con đến nhiều thầy thuốc chữa bệnh. Có những lúc con thèm được Mẹ ôm ấp, nên con đã cố tình làm chảy máu cam để được Mẹ vỗ về yêu thương.

Ngày Mẹ đưa tôi vô Sài Gòn nhập học ở trường Thánh Tâm. Hôm đó trời sấm sét, mưa lớn, nước ngập cả con đường Thoại Ngọc Hầu – ngã ba Ông Tạ, Mẹ dẫn tôi từ đền thánh Vinh Sơn tới trường. Tôi sợ mưa, sợ lội nước, nên Mẹ phải cõng. Mẹ bảo lần này, con phải ở lại Sài Gòn học, chứ không được về Pleiku nữa. Phải hứa với Mẹ. Nhưng rồi hai tháng sau, tôi lại đòi về Pleiku, vì tôi không thể rời xa Mẹ.

Ký ức về Mẹ làm tôi miên man suy nghĩ. Trong suốt bao nhiêu năm trời bên Mẹ, làm sao tôi có thể viết hết được. Mỗi khi nhớ về Mẹ là tôi bị xúc động, tôi chỉ muốn ghi lại một phần nào hình ảnh của Mẹ, mà khi nghĩ đến tôi rất bùi ngùi. Khoảng thời gian đầu năm 1975, khi Pleiku thất thủ, anh em chúng tôi thì ở Sài Gòn và lo sợ sẽ không gặp được Ba Mẹ.

Lúc đó, tôi dự định sẽ lên tàu đi Mỹ ngày 28 tháng 4 năm 1975, thì ngày 27 Mẹ sợ thất lạc các con nên đã từ Pleiku về Sài Gòn. Ngày ấy, tôi mừng rỡ vô cùng và ràn rụa nước mắt chừng nào khi gặp Mẹ. Mẹ thật vĩ đại! Mẹ đã dám băng rừng, băng biển thoát ra vùng chiếm đóng để về đến Sài Gòn tìm gặp các con. Và tôi đã ngoan ngoãn theo Mẹ về lại Pleiku. Nhưng chỉ 6 tháng sau, tôi cương quyết tìm đường vượt biên, Mẹ đành chấp thuận cho tôi đi.

Qua bao nhiêu lần thử thách, lênh đênh trên nhiều mặt biển, sống chết với tử thần, tôi mới đến được bến bờ tự do. Nhưng nỗi nhớ về Mẹ làm tôi như người thơ thẩn – mất hồn. Hàng ngày, tôi trông đợi những lá thư của Mẹ, những dòng chữ yêu thương của Mẹ. Và cũng từ đó, từ nỗi nhớ Mẹ, tôi trở thành người cầm bút. Tôi viết lên trang giấy những dòng chữ yêu thương về Ba Mẹ. Mẹ dạy tôi: “Qua đó, các con hãy thân thiện và kính trọng, cũng như giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như các con…”

Ba tôi nói: “Ba chọn đặt tên con là Trọn, và em con tên Đời, là Ba đã xem ngày giờ sinh của hai con để ghép hai anh em thành chữ “Trọn – Đời”. Vì Ba nghĩ Ba đặt trọng trách nơi hai con. Ba nhắc nhở hai con luôn nghĩ đến và chăm lo gia đình, bà con, họ hàng. Điều này Mẹ cũng từng nhắc nhở. Tôi luôn luôn ghi nhớ.

Khi Ba Mẹ đã cao tuổi, tôi mong muốn Ba Mẹ được an nhàn, vui vẻ. Do đó, tôi đã đưa Ba Mẹ đi nhiều nơi mà Ba Mẹ thích. Một lần, tôi thấy Mẹ rất hạnh phúc khi tôi tổ chức một buổi họp mặt gia đình mừng tuổi Mẹ vào dịp đầu năm. Tôi gửi cho Mẹ đầy ấp những bao lì xì đỏ, vàng để Mẹ chúc Tết các anh chị em và các cháu. Lần đó, Mẹ ôm tôi vào lòng, Mẹ nói: “Con trai cưng của Mẹ!”

Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ…”

.

Con có biết bao nhiêu điều để thưa với Mẹ, con muốn được phụng dưỡng Mẹ. Dù con ở tuổi nào, con cũng rất nhỏ bé trước tình thương bao la mà Mẹ đã dành cho các con. Ngày được tin Mẹ ra đi, nhiều người đã phân ưu chia buồn cùng con. Ân tình này con sẽ nhớ mãi.

Mẹ ơi!

Giờ Mẹ đã Quy Hương Đất Phật. Con đã mất Mẹ. Mẹ đã xa các con… Ở miền đất mới, Mẹ chắc sẽ an vui hơn. Mẹ không còn phải bận tâm đến các con cháu của Mẹ nữa. Con vẫn nghĩ rằng thần thức của Mẹ vẫn luôn bao bọc và phù hộ cho các con. Dù Mẹ đi xa, hay Mẹ ở đâu đây, thì Mẹ vẫn mãi mãi là người Mẹ muôn đời con tôn kính. Con may mắn chừng nào khi có được Mẹ. Nếu có kiếp sau, con vẫn ao ước làm con của Mẹ.

Về chốn bình yên đó, Ba sẽ đợi Mẹ, bàn tay Ba sẽ nắm chặt lấy tay Mẹ. Mẹ sẽ bay bỗng giữa vùng biển Sơn Hải đầy ắp kỷ niệm, nơi mà Mẹ đã trải qua nhiều gian khổ, những bãi cát dài nóng bỏng thiêu đốt như vẫn còn in lại dấu chân tuổi nhỏ của Mẹ, trong những phiên chợ chiều. Và nơi ấy, mọi người vẫn nhớ về Mẹ, về một người con hiếu thảo, về một người chị cả đảm đang, không những với gia đình mà còn đối với bà con láng giềng. Mẹ đã giúp đỡ và tạo công việc cho hàng trăm gia đình lên Pleiku lập nghiệp.

Mẹ ơi! Con nhớ Mẹ…”

.

Trái tim con như đang rướm máu, nước mắt con không ngừng chảy, con nhớ Mẹ và yêu thương Mẹ vô vàn.

Đêm nay gió lạnh từng hồi
Từng đêm con thấm nỗi buồn Mẹ đi
Mẹ đi con muốn theo cùng
Theo chân tiễn Mẹ về nơi cuối trời…”

Một lần nào đó, khi đi ngang qua Đại Ninh hay dừng lại nơi đây, con sẽ nói với các cháu rằng: Bà Nội đã tu tập nhiều năm và đã yên nghỉ nghìn thu tại nơi này. Bà Nội đã Quy Hương Đất Phật, đem lời kinh, cầu an đến muôn người. Hãy thắp hương khấn nguyện Bà Nội. Hãy tôn kính và thương yêu Bà Nội như Ba rất nhớ và thương Bà.

Con của Mẹ

Đỗ Vẫn Trọn

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Phân Ưu

Chị Nguyễn Thị Nhỏ

5 mins ago
  • ĐIỂM TIN TRONG NGÀY

GS Carl Thayer tiết lộ ‘Tổng’ Trọng từng muốn bứng ‘Bột Ngọt,’ nhưng Bộ Chính Trị cản

GS Carl Thayer tiết lộ 'Tổng' Trọng từng muốn bứng 'Bột Ngọt,' nhưng Bộ Chính…

11 mins ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Huyền thoại một trái táo

Nhã Duyên/SGN Ngày nào cánh Thiên Đường Đã mở hé tình yêu là trái táo…

12 mins ago
  • Cáo Phó

Thanh Thi Tran (Lylan)

44 mins ago

This website uses cookies.