Thursday, March 28, 2024

Tưởng nhớ anh tôi : Nhà văn Huy Trâm

Anh Ba thương mến,

Thấm thoát đã gần 49 ngày anh ra đi vội vã về cõi Vĩnh Hằng. Hôm nay em muốn ghi lại đây những kỷ niệm thân thương của anh em chúng mình, khi còn sống dưới mái ấm gia đình của bố mẹ.

Em còn nhớ khoảng năm 1953 ở Hà Nội trước khi đất nước chia đôi, trong giấc ngủ của một cô bé 9, 10 tuổi em thường nghe tiếng nhạc hòa tấu của anh Hai và anh với những ca khúc như “Cung đàn xưa, Chiều vàng, Em tôi, và Hình ảnh một buổi chiều”. Anh đàn guitar Espagnol và anh Hai đàn guitar Hawai, trong giấc ngủ thần tiên của một cô bé những âm thanh tuyệt vời đó đã đi vào vô thức của em và em rất yêu thích những ca khúc tuyệt vời đó cho đến bây giờ.

Rồi đất nước chia đôi, bố từ Nam Định đổi vào Quãng Trị, bố muốn anh ra Huế học và anh đã học trường Pellerin ngay đó. Năm 1955 anh vào Nam đoàn tụ với mẹ và các anh em… kể từ thời gian đó anh bắt đầu cuộc đời nghệ sĩ, anh mang về cho các em gái những tờ báo như Bách khoa, Sáng tạo và Chính luận để đọc hàng ngày. 16 tuổi em đã bắt đầu mê thơ văn và em có hỏi anh Ba rằng “Em muốn làm thơ có được không?” anh bảo “Được chứ! cứ làm đi anh đưa cho anh Lâm Vị Thủy của báo Chính luận đăng cho.” Thế là bài thơ của em được đăng lên báo Chính luận, anh còn bảo thơ em cũng ác liệt lắm!

Khi xa Hà Nội em chỉ là một cô bé 9,10 tuổi thế mà đã viết như thế này, nửa thế kỷ trôi qua em chỉ còn nhớ 4 câu đầu tiên của bài thơ “Thương về xứ Bắc”

Ai qua miền Bắc sương chiều đổ
Nhắn giúp dùm tôi chút nhớ thương
Xa cách làm chi mùa phượng nở
Để hoài năm tháng nắng còn vương

Nhưng còn hai câu này mới ác liệt hơn:

Tôi về nhặt nắng mùa thu ấy
Để đốt cô liêu nửa mãnh hồn.

Đúng là ảnh hưởng máu nghệ sĩ của ông anh. Bài thơ đó em lấy bút hiệu là “Huyền Trang”
Chúng mình có 7 anh chị em. Hai anh trai và 5 cô em gái. Mấy chị giúp việc thường bảo: Nhị công tử, và ngũ long công chúa. Bố có nuôi một đứa cháu gái gọi bằng bác vì nó mồ côi từ nhỏ, nó thua em 3 tuổi, thế là thành lục tặc rồi. Mấy anh bạn nghệ sĩ của anh thường đến nhà chơi và họ nói với anh Ba rằng:”Sao mỗi lần moa đến nhà toa chơi là mấy cô em toa chạy như vịt vậy?”. Tụi em thường ngồi ở salon trò chuyện khi thấy bạn anh đến là ù té chạy lên lầu.

Bố có mua một cây đàn piano cho mấy anh chị em tập, anh say mê đàn hát. Một lần anh bảo: Mấy cô ra đây anh tập cho bài Sông Lô để hợp ca nhé, và anh bắt đầu vừa đàn vừa cất giọng:”Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang…” rồi anh bảo 1,2… hát đi” Tụi em bắt đầu hát và rồi con nhỏ em họ ré lên cười, thế là tụi em chạy hết… Sau này lớn lên một chút em thường nghe Tristess của Chopin, Ave Maria của Shubert, Serenata của Toseli… Đó là những bản nhạc ngoại quốc đầu tiên mà em được biết và nghe khi anh đàn piano. Rồi bỗng dưng anh muốn đi dạy học, bố đổi xuống Long An làm chánh án, anh theo xuống và về quận Tầm Vu dạy học. Mấy em học sinh miền Nam rất thích thú khi gặp ông thầy Bắc kỳ vui tính. Ngày Tết học sinh kéo đến chúc Tết thầy đầy sân nhà.

Thời thế đổi thay anh về Sàigòn thi thẩm phán, anh đậu thẩm phán công tố và làm việc ở Sàigòn một thời gian rồi đổi ra Phan Rang. Một năm sau anh về làm biện lý ở Gò Công. Em lập gia đình và lên Đà Lạt. Cho đến ngày VC vào gia đình em đã về Sàigòn.

Chiều 30/4 anh và các chức sắc của tỉnh Gò Công đã xuống tàu ra khơi nhưng vì sóng gió to quá, các cháu còn nhỏ nên đã xuống tàu vào chùa tá túc. Ở Sàigòn mợ và chúng em lo lắng không biết gia đình anh ra sao Anh Hai thì đã di tản được rồi… Bỗng nhiên sáng ngày 5/4/1975 anh và gia đình về tới Sàigòn an toàn, cả nhà mừng rở. Rồi sau đó anh đi cải tạo 7 năm trời ở Thái Nguyên. Khi anh đi cải tạo về thì 4 chị em gái đã đi được hết, chỉ còn mình em kẹt lại.

Sàigòn những chiều sương mờ phủ, buồn hiu hắt em thường đạp xe xuống cư xá Lê Đại Hành thăm anh chị, trên căn gác nhỏ, với bữa cơm đạm bạc của người tù cải tạo, anh em minh lo lắng không biết rồi sẽ ra sao? May mắn thay chương trình HO thành lập thế là anh chị, các cháu đã lên đường đi HO-8 vào tháng 11/1991, và em tháng 5/1992 đi đoàn tụ gia đình. Qua đây trong căn nhà nhỏ ở đường 21 th thành phố Westminster anh em mình lại hàn huyên chuyện trò trong đời sống lưu vong… Em cũng không quên được những buổi ra mắt sách của anh, anh bảo: “ Cô lên hát với bạn bè của anh cho vui…” Anh mang cây đàn piano tới, anh đệm đàn cho cô em gái hát, hôm thì “Thu vàng”, hôm thì “Nụ cười sơn cước”, hôm thì “Khối tình Trương Chi” thật vui và ấm cúng. Rồi gần một năm nay bệnh tình của anh đã bắt đầu tàn phá cơ thể và gần Noel vừa qua anh đã giã từ trần gian để về miền Miên Viễn, từ đây em không còn người anh thân thương để cùng nhau trà đạo.

Tất cả đã đi vào quá khứ…

Trang Nguyễn

Mời độc giả xem phỏng vấn “Chàng ăn mày sách với chương trình Sách hóa nông thôn”(Phần 1)
[disqus_shortcode_codeable]