Thursday, March 28, 2024

Tưởng nhớ Bà Lê Thị Phương

Nói về mẹ, bằng giọng phấn khích, đầy hãnh diện, anh Nguyễn Thi cho biết, Mẹ anh, bà quả phụ Nguyễn Quang Thế, nhũ danh Lê Thị Phương, là người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam lái xe hơi. Bà là một phụ nữ xinh đẹp cấp tiến, từ suy nghĩ, cách phục sức cho đến sinh hoạt đời thường. Dạo ấy, vào những năm của thập niên 50, vị thế người phụ nữ còn mờ nhạt trong gia đình, cũng như ngoài xã hội. Họ chỉ là bóng mờ sau lưng người đàn ông. Họ chỉ biết đầu tắt mặt tối trong bếp núc, hầu chồng hầu con trong gia đình, là một cái máy đẻ cho giòng tộc… Nghề nghiệp chính của họ là nội trợ.

Bà Lê Thị Phương, không phải là người đàn bà của bếp núc, bà là người đàn bà của xã hội, bà là chủ nhân của hai cơ sở làm ăn lớn, bà trực tiếp điều hành công ty với hàng ngàn công nhân dưới trướng, một tay bà lo liệu thay chồng lúc đó đang phục vụ trong chính quyền. Ngoài việc tả xung hữu đột điều hành guồng máy hai công ty, bà còn tham gia hầu hết các tổ chức ngoài xã hội. Bà có mặt cùng với phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, phu nhân Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, và phu nhân các tướng tá trong chính quyền lúc bấy giờ, tham gia Hội phụ nữ phụng sự xã hội, đi ủy lạo thương phế binh đang điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, ủy lạo các cô nhi viện, các trường học Hà Bắc, Bắc Ninh… Trong những tấm hình để lại, hình ảnh của Bà thật sang trọng, quý phái, bên cạnh những người danh tiếng khác. Thời đó bà đã mặc áo dài cổ thuyền kiểu Trần Lệ Xuân, để cổ động việc đổi mới đòi quyền cho phụ nữ.

Bà Lê Thị Phương (Mặc áo đỏ, đeo dây chuyền và bông tai trắng. Hình gia đình cung cấp)

Năm 1975 cùng toàn thể gia đình, Bà định cư tại Mỹ. Chỉ một thời gian ngắn ổn định cuộc sống mới, Bà lại tiếp tục lao vào xã hội, lại tổ chức hội đoàn, lại tham gia các hội đồng hương, góp tay tích cực vào những kêu gọi của Chùa. Bà cũng thường xuyên có mặt bên cạnh những ứng cử viên gốc Việt, để động viên, góp ý xây dựng. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng khi Trần Thái Văn ra ứng cử, bà cũng góp công góp sức trong việc tranh cử của ông. Bà cũng là người trực tiếp đến văn phòng của Thượng Nghị Sĩ John McCain để xin ông ủng hộ việc thành lập đài Chiến Sĩ Trận Vong. Tưởng cũng nên nói thêm, lúc ông John McCain qua đời, Bà đã yêu cầu 3 con trai đi dự đám tang của ông như một lời cám ơn người đã đem lại rất nhiều điều tốt đẹp cho dân Việt. Bà nhắc nhở con cái, ăn ở phải biết trước biết sau, phải biết trân trọng những điều mình được hưởng từ tha nhân, quan trọng hơn cả là phải biết cho đi. Lời nói đi đôi việc làm, khi định cư ở nước ngoài, dù vẫn còn nắm trong tay giấy tờ nhà cửa, có thể lấy lại ngôi nhà của mình, nhưng Bà đã không chút do dự, hiến tặng lại ngôi biệt thự đồ sộ trên khu đất 7 mẫu để làm trường học. Trong đời sống, bà luôn là tấm gương cho các con noi theo. Những con Bà đều là những người thành đạt, thành danh trong xã hội.

Có một người mẹ, người bà như thế, đến khi mất mát thật là xót xa, đau đớn. Nhà quàn, nơi bà còn nán lại những ngày cuối, ngập hoa phúng điếu, người đến viếng không lúc nào ngơi. Trong xã hội Bà là cái nhân tốt lành. Trong gia đình Bà là cái gốc vững chải, sinh ra được những cành, nhánh mạnh mẽ. Bà là cây mộc tươi tốt cho những nhánh lan quý bám, trụ.

(Viết theo lời kể của gia đình)

[disqus_shortcode_codeable]