Tuesday, April 23, 2024

Tưởng Nhớ Cậu Dương Ngọc Chí (1944-2017)

Nguyễn Trần Diệu Hương

Cậu là em út của Mẹ, là con trai duy nhất của ông bà ngoại, nên được cưng chìu vô cùng. Nhưng Cậu không hề hư chút nào, trái lại rất ngoan hiền, là một mẫu mực về mọi mặt cho chúng tôi.

Cậu học rất giỏi, luôn lãnh phần thưởng danh dự mỗi cuối niên học. Trong quyển album cũ kỹ của bên ngoại, có hình Cậu ốm nhom với đôi mắt sáng quắc, thông minh, lãnh phần thưởng danh dự toàn trường Trung học Võ Tánh Nha Trang do Tổng thống Ngô Đình Diệm tặng (nk 1961-1962). Cậu thi đậu vào 3 Đại học cùng lúc, “dễ như ăn gỏi” : Phú Thọ, Quốc Gia Hành chánh, và Sư phạm. Cậu chọn học Kỹ Sư Công Chánh ở Phú Thọ vì Cậu giỏi và rất thích môn Toán.

Cậu được Thầy Bùi Ngoạn Lạc cho là “một trong những học sinh thông minh nhất” trong gần nửa thế kỷ dạy các lớp 12 ban Toán của Thầy.

Những ngày nội trú ở cư xá Đắc Lộ, Cậu không đi chơi, chỉ chăm chú giải Toán, và vẽ các thiết kế cầu cống. Cậu ra trường được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ty; rồi Trưởng ty Công Chánh Cam Ranh ở tuổi 28.

Cậu dự định lập gia đình vào mùa hè năm 1975, Mợ lúc đó là hoa khôi của Đại học Khoa học ở Saigon. Cứ tưởng là sẽ có một đám cưới lớn với đông đủ người thân, cùng bạn bè ở Phú Thọ, và Khoa học. Nào ngờ biến cố tháng 4 năm 75 xảy ra, đám cưới Cậu Mợ chỉ tổ chức trong vòng gia đình, đầy đủ lễ nghi, nhưng không đầy đủ họ hàng, anh chị em vì người thì đã di tản, người thì đang ở trong trại “học tập cải tạo”.

Cậu không bị đi “học tập cải tạo” – dù từ đầu năm 1975, Cậu đã là Trưởng Ty Công Chánh Nha Trang- vì cầu đường hư hỏng rất nhiều sau chiến tranh, không ai có thể thiết kế để sửa chữa nhanh với hiệu quả kinh tế cao bằng Cậu. Nhờ giỏi Toán, Cậu thoát khỏi “tầng đầu địa ngục”, không phải học “Đại học máu”.

Sau năm 1975, Ba chúng tôi bị tù cải tạo gần 10 năm, nhà bị tịch thu. Cậu cùng ông bà ngoại bảo bọc Mẹ vả chúng tôi về cả vật chất lẫn tinh thần.

Còn nhớ lúc chúng tôi học lớp 12 chuyên Toán, những đề thi giải Toán Quốc Tế, chúng tôi đem về nhờ Cậu giảng giải. Bài của cả nhóm bao giờ cũng được điểm tuyệt đối. Thầy dạy Toán khen chúng tôi rối rít, không biết sau lưng của cả nhóm 10 đứa có Cậu, một người hiền lành, khiêm tốn, rất giỏi Toán.

Các con của Cậu nhờ được Cậu kèm cặp về môn Toán, và vì là con của Cậu, nên rất học rất giỏi. Cậu còn dạy các em đánh pingpong, cờ tướng, và cờ vua. Các em, đặc biệt là trưởng nam, của Cậu, đã đem về nhiều giải thưởng thể thao từ Việt Nam, Mỹ.

Ở tuổi ngoài 70, Cậu vẫn còn lấy Đạo Hàm, Tích phân, giải phương trình Lượng giác rất nhanh. Nên khi nghe tin Cậu bị đột quỵ, từ trần vào một sáng sớm mùa thu, sau khi chơi tennis, chúng tôi bàng hoàng, đau đớn, không tin đó là sự thật.

Những ngày tang lễ Cậu , trời mưa bão ở Nha Trang, nhưng không lúc nào ngớt người đến viếng Cậu: Từ một anh công nhân cầu đường cỏn rất trẻ, đến các kỹ sư đã trọng tuổi từng được Cậu truyền dạy kinh nghiệm từ lúc mới ra trường… Họ đến không chỉ để chia buồn với Mợ và các em, mà còn để “cảm ơn và chào Cậu lần cuối “.

Các tràng hoa phúng điều đến từ khắp nơi trên thế giới, từ các Kỹ Sư Công Chánh, từ các cựu SV Phú Thọ, từ các cựu học sinh Võ Tánh.

Trời thương người có lòng như Cậu nên ngày tang lễ Cậu, sau một tuần mưa bão không ngừng, trời quang đãng, để đoàn xe tang dài với cả trăm người đưa Cậu về nơi an nghỉ cuối cùng dưới chân ông bà ngoại ở Sưối Đá.

Cậu đã làm được điều triết gia, nhà thơ người Mỹ Ralph Waldo Emerson khuyên, (điều mà mọi người đều mơ ước nhưng rất ít người làm được):

“When you were born you were crying and everyone else was smiling. Live your life so at the end, your’re the one who is smiling and everyone else is crying.” (Khi bạn ra đời, bạn khóc mà mọi người đều cười. Hãy sống làm sao đến cuối đời, khi bạn ra đi, bạn cười mà mọi người đều khóc)

Chúng tôi mang ơn Cậu đã đóng vai trò một người cha thay Ba chúng tôi trong 10 năm dài (1975-1985) khi Ba chúng tôi đang biền biệt, khốn khó trong các trại cải tạo.

Nếu có kiếp sau, xin được làm cháu Cậu thêm một lần nữa …

Nguyễn Trần Diệu Hương
(Nhân giỗ đầu của Cậu mùng 4 tháng 9 Mậu Tuất)

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm

Ông Trương Văn Liêu