Saturday, April 20, 2024

Tưởng nhớ cụ ông Ma Phiếu

Xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có, với gia sản cò bay thẳng cánh, gia đình ông trở nên mục tiêu để chiến dịch đấu tố địa chủ nhắm đến. Chính quyền thời đó đã bắt ông bà nội của ông đóng trăn, rồi ra lệnh cho dân làng ném đá nạn nhân. Những người dân địa phương nghèo miếng cơm manh áo nhưng không nghèo lòng tri ân người đã ra tay cứu giúp mình. Vì thế gia đình ông thoát nạn, nhưng bao nhiêu tài sản phải giao nộp hết cho chính quyền. Họ trở nên tay trắng từ đấy.

Rời quê làng năm 16 tuổi, ông tự thân phấn đấu để vươn lên trong một môi trường nhiều cạnh tranh. Cuối cùng nhờ vốn kiến thức Pháp Văn, ông trở thành Giáo Sư Pháp Văn của trường Mỹ Nghệ Biên Hòa, trường Trung Học Phước Thành. Hoạn Lộ càng thăng tiến theo thời gian, ông giữ chức Chánh Văn Phòng Tòa Đại Biểu Chính Phủ Miền Đông Nam Phần, rồi Chánh Sở Giám Sát Viện Quân Khu 3.

Với chức vụ của mình, ông có quyền sử dụng các phương tiện của sở cấp, nhưng bản chất trong sạch, thanh liêm, ông luôn đi làm bằng xe đạp. Dù rằng nơi ông vừa ngừng chiếc xe đạp, có thể là vài chiếc xe hơi, có khi cũng là chiếc trực thăng chờ đón ông đi công vụ, đi thị sát tình hình. Bởi lẽ ảnh hưởng của ông bao trùm trên 12 tỉnh Nam Bộ và sự hiện diện của ông, tiếng nói của ông đã giúp cho rất nhiều người dân thấp cổ bé họng. Có khi ông cũng tháo gỡ được những hàm oan mà người dân chịu bao năm. Nói chung, ông đã dùng quyền chức để rải biết bao nhiêu ân đức cho dân nghèo các nơi ông đến. Việc làm của ông cũng gây nên khó chịu với những quan tham mà thời nào cũng có. Những đồng sự hiềm khích, ganh tị, bôi nhọ, thù ghét ông không phải là ít. Nhưng đáp lại, ông thường tâm sự với các con, Suy cho cùng thì nếu mình để tâm oán thù, ghét bỏ ai, hình ảnh của họ, việc làm của họ cứ bám trong trí của mình, không rời, nó làm cho mình rất mệt. Vậy thì tại sao không vứt bỏ để cho tâm thanh tịnh, cho trí thảnh thơi. Ông thực hiện triết lý của Phật Giáo, Lấy oán trả oán, oán oán chất chồng. Ông quên đi những người thù ghét ông, và có khi cũng giúp đỡ tận tình, ngay cả những người thù ghét ông trước đây.

Tang quyến trước linh cữu của Cụ Ông Ma Phiếu (hình; tp)

Ông cư xử rất nhân ái với mọi người thân quen, bên cạnh đó đối với gia đình, ông là người chồng chu đáo, thủy chung và tế nhị. Nhớ những lần ông không hài lòng về bà, không bao giờ ông to tiếng hay phàn nàn. Ông viết những điều mình không vui vào mảnh giấy, sau đó đợi vợ không có mặt, ông lặng lẽ bỏ vào cơi trầu. Vợ ông học cách cư xử tế nhị kín đáo của chồng, cũng viết vài câu xin lỗi, để lên bàn làm việc của chồng. Đúng là “Vợ chồng tương kính như tân”.

Với con cái, ông có cách dạy con rất đặc biệt. Lúc còn hàn vi, ông bắt cả nhà ăn cơm gạo lứt muối mè 1 tháng. Sau một tháng các con nhận ra sao ăn gì cũng ngon, và không còn chút kén chọn món này món kia nữa. Ông cũng hay tổ chức cho các con sinh hoạt tập thể vào cuối tuần, con trai trồng cây, cuốc đất, đóng chuồng nuôi thỏ… Con gái thì lo dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa cho ngăn nắp. Cứ thế anh em cùng nhau làm việc khiến gia tăng tinh thần gia tộc, óc sáng kiến. cũng như là dịp hoạt động tay chân ràn luyện thân thể. Hằng ngày khi ngồi vào bàn ăn, một trật tự luôn được tôn trọng, 6 người con theo thứ tự phải trái bên cha mẹ. Sau này khi người chị cả lập gia đình, ghế của người chị cả vẫn để trống, và khi mọi người ngồi vào bàn ăn là nhớ đến người chị thân yêu của mình. Một nguyên tắc ông hay nhắc với các con là, trong bữa ăn không có chỗ cho muộn phiền. Những điều bực bội, không ưng ý của từng cá nhân không được đem ra trong bữa ăn. Cho nên khi mọi người quây quần trên bàn ăn, luôn luôn tràn tiếng cười khiến bữa cơm càng ngon miệng hơn. Về cách chi tiêu và quý trọng giá trị đồng tiền, ông sắm cho 6 đứa con, 6 con heo đất, có ghi tên riêng. Khi được thưởng hay đầu năm có tiền lì xì, các con đều bỏ vào heo đất, cuối năm mở ra để thấy thành quả của mình đạt được trong năm. Ông cũng hay tổ chức những buổi đi du ngoạn, cắm trại chung toàn gia đình để tạo niềm thân ái, yêu thương dùm bọc nhau trong gia tộc…

Ngày tiễn ông đi, con cháu đông đảo ra vào. Những vành khăn tang trắng của con cháu không làm cho không khí tang chế đau buồn, mà trái lại thật ấm cúng khi ông nằm đó, con cháu quây quần. Ông là cái gốc vững chải, sinh ra được những cành, nhánh mạnh mẽ. Ông là cây mộc tốt lành cho những nhánh lan quý bám, trụ.
Ông ra đi ở tuổi 96, thật quí hóa, thật ơn phước hiếm hoi. Cầu mong nơi ông đến tràn đầy tiếng cười như ơn đức ông gieo trồng ở thế gian.

(Viết theo lời kể của trưởng nữ Ngọc Huệ và thứ nam Ma Thanh Xuân)

tp

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm

Ông Trương Văn Liêu