Friday, March 29, 2024

Tưởng nhớ Hải Quân Đại Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh

Hải Quân Đại Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Tư Lệnh Hải Quân vùng III Sông Ngòi Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, đã mệnh chung ngày 31 tháng 5 năm 2018 tại thành phố Las Vegas, Nevada. Trang Tưởng Nhớ đăng lại tiểu sử của ông, như một tri ân những công lao ông đóng góp cho Hải Quân Việt Nam riêng và Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa nói chung.

Lễ phủ cờ

Tiểu sử

1.Giai đoạn trước năm 1975:

HQ Đ/T Nguyễn Ngọc Quỳnh, sinh ngày 22 tháng 02 năm 1932, tại tỉnh Bắc Ninh VN. Ông tốt nghiệp trung học tại trường Nguyễn Trãi, Hà Nội năm 1950 và gia nhập HQ năm 1952. Vào tháng 9 năm 1953 ông được HQ VN gửi sang thụ huấn khóa 2 tại trường SQ/ HQ Brest của Pháp. Sau một khóa huấn luyện hơn 2 năm, ông đã tốt nghiệp và ra trường với cấp bậc Thiếu úy ngành chỉ huy vào tháng 01, năm 1956. Sau khi tốt nghiệp, ông về nước phục vụ trong quân chủng HQ VN với nhiều chức vụ khác nhau theo thời gian cũng như theo cấp bậc của ông. Sau đây là những chức vụ quan trọng ông đã từng nắm giữ:

-Hạm trưởng HQ 402.
-Trưởng phòng Quân Huấn BTL HQ
-Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện HQ Saigon.
-Tư lệnh HQ vùng 3 Sông Ngòi.

Khi nhắc đến tiểu sử của HQ ĐT Nguyễn Ngọc Quỳnh trong giai đoạn này mà không nhắc đến chuyện vào tháng 4 1962, trong khi ông đang ở San Diego chở ngày hồi hương sau 1 năm du học thì được lệnh ở lại để lãnh Dương Vận Hạm Cam Ranh HQ 500 do HQ Mỹ bàn giao thì thật là một thiếu sót. Theo hồi ký ông viết: Ông đã cùng với một thủy thủ đoàn từ VN sang, chỉ sau vài tuần được HQ Mỹ huấn luyện cấp tốc, đã phải tự mình cố gắng tìm tòi học hỏi mọi thứ mới lạ trên con tàu vừa được tân trang toàn bộ này để cuối cùng với tinh thần trách nhiệm, ý chí cầu tiến và ham học hỏi của những người lính biển, chúng tôi đã vượt 9000 hải lý trong 52 ngày đêm xuyên qua một đại dương lớn nhất để đem DVH Cam Ranh về tới bến Saigon bằng an và đây là một cuộc hành trình trên biển dài nhất cùa đời tôi.

2.Giai đoạn sau 30 tháng 4 năm 1975:

A.Thành lập Hội Cửu Long

Sau khi miền Nam VN rơi vào tay giặc, nổi trôi theo vận nước, ông cũng như nhiều chiến hữu và đồng bào đã trở thành những người tị nạn tại Mỹ vào năm 1975. Khi tới Mỹ ông định cư tại nam California và việc đầu tiên ông phải lo sinh kế để tồn tại, sau đó một thời gian ông đã tìm và gặp được nhiều chiến hữu HQ, cho đến 1978 thì ông, một trong những hội viên sáng lập đã cùng một số chiến hữu HQ khác chính thức thành lập hội HQ Cửu Long và ông là hội trường đầu tiên của hội ái hữu HQ Cửu Long. Nhờ sự hợp pháp của Hội, ông đã được một số mạnh thường quân người bản xứ giúp đỡ tài chánh nên hội đã có thể:

-Thỉnh thoảng gửi quà cho các HQ còn kẹt tại VN
-Gửi tiền cho các chi hội HQ tại các trại tị nạn.
-Giúp đỡ cho một số gia đình HQ mới tới Mỹ.

B.Phụ tá Chủ Tịch Hội Đồng Hải Sử:

Ngoài công việc làm hội trưởng hội Cửu Long ông cũng như một số chiến hữu HQ khác đã hy sinh thời giờ kể cả tài chánh để giúp cho HĐ Hải Sử. HĐ HS dù đã gặp rất nhiều khó khăc về nhân lực, nguồn tài liệu và tài chánh nhưng với sự góp sức của nhiều CH trong đó có Đại Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh cuối cùng cũng đã hoàn thành cuốn hải sử để đời như quí vị thấy hiện nay, một tài liệu rất quý để cho con em chúng ta tra cứu sau này.

C.Mạng lưới nhân quyền:

Ngoài ra ông còn là một thành viên nòng cốt, đã cùng sinh hoạt với mạng lưới nhân quyền trong 20 năm để tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền tại VN, đặc biệt là giúp đỡ cho những nhà tranh đấu trong nước.

Mời độc giả xem bình luận “Hiền Mẫu và Nghiêm Phụ”(Phần 2)
[disqus_shortcode_codeable]