Thursday, March 28, 2024

Tưởng nhớ nhà báo Đỗ Ngọc Yến

Nhà báo Đỗ Ngọc Yến là người sáng lập ra Nhật Báo Người Việt.

Ông bắt đầu viết báo khi còn đi học và là chủ bút tờ báo trường Trương Vĩnh Ký.
Từ năm 1964 ông Ðỗ Ngọc Yến đã viết bài cho các nhật báo Sống, Sóng Thần, Ðại Dân tộc, tạp chí Văn Nghệ, tuần báo Ðời, và nhiều tờ báo khác.

Ông thành lập tờ báo Người Việt (vào cuối năm 1978 ban đầu là tuần báo, tới 1985 thì trở thành nhật báo) với mục đích loan báo những tin tức trung thực tại Việt Nam cũng như những gì đang xảy ra với người tị nạn ở hải ngoại. Cơ sở báo Người Việt cũng là nơi quy tụ các văn nghệ sĩ.

Ông qua đời ngày 17 tháng 8 năm 2006 tại bệnh viện Fountain Valley, miền Nam California.

_______

Thăm bạn.

* Kiều Chinh

Chiều đầu tháng 11, nghe tin Đỗ Ngọc Yến thêm một lần phải nằm phòng cấp cứu, tôi rủ vợ chồng Trần Dạ Từ-Nhã Ca vào nhà thương thăm bạn.

Lầu hai, phòng 206. Tôi đứng nơi cửa phòng nhìn vào. Yến nằm trên giường đắp dra trắng, người đầy dây nhợ nối vào cái máy to tướng, bên cạnh có bà y tá người Mỹ ngồi coi. Loan túc trực bên chồng, cho biết anh đang phải lọc máu, phải thở bằng dưỡng khí, mệt lắm.

Bất chấp cơn mệt, Yến cười, đón bạn. Thấy Từ-Nhã, Yến bảo, tôi vừa nằm mơ thấy ông Từ, hai thằng tới chơi với Nguyễn Trung, nó đang vẽ cái tranh mới.

Nguyễn Trung, người bạn họa sĩ của Sài Gòn cũ, vừa đi triển lãm ở New York. Chuyện chỉ mới tuần trước, vậy mà tin bạn cũ tới Mỹ đã vào tận giấc mơ của anh.

Căn phòng nhỏ chật, Từ-Nhã lùi ra, tôi bước tới ôm bạn. Đôi kính cận đã phải nhường chỗ để đeo sợi dây oxygen, nhưng Yến vẫn cười vui, hỏi ngày mùng Ba tháng Chín năm nay ra sao.

Câu hỏi của Yến làm tôi xúc động. Đang nằm trên giường bệnh như vậy mà vẫn nhớ đủ thứ. Bệnh tật chẳng ăn thua gì tới cái đầu của Yến, cũng chẳng cản được tấm lòng anh luôn nghĩ tới người này, người kia.

Mùng Ba tháng Chín là sinh nhật của tôi, cũng là lần đầu tiên Yến đến thăm tôi tại căn nhà nhỏ ở Studio City, hơn hai mươi năm trước. Hôm đó có họp mặt sinh nhật nho nhỏ cùng dăm ba bạn thân tại nhà, anh Mai Thảo tới cùng một chàng mang kính trắng dầy cộm. “Đỗ Ngọc Yến, báo Người Việt.” Anh Mai Thảo giới thiệu. Yến cười nhẹ nhàng nói là tôi đã gặp chị hồi 1975, đã nghe chị đọc diễn văn hôm chào cờ tại Hope Village.

Hope Village là tên một trại tiếp cư do Dr. Larry Ward và nữ tài tử Tippi Hedren tổ chức ở Sacramento để đón mấy trăm gia đình Việt Nam đầu tiên tới đất Mỹ. Là người phụ với Tippi đón tiếp đồng bào của mình, tôi được yêu cầu nói ít lời trong lễ khai mạc trại. Nhắc lại chuyện cũ, Yến nói thêm, chắc chị không ngờ là tôi còn giữ cả thủ bút bài diễn văn của chị bỏ lại trên ghế ngồi. Cái mà Yến gọi là “thủ bút bài diễn văn” thật ra chỉ là mấy mẫu giấy nhỏ tôi ghi vội tại chỗ bằng Anh ngữ để nhớ khi phát biểu.

Những năm đầu lưu vong, hình như người Việt Nam nào cũng thấy mình bơ vơ giữa nước Mỹ mênh mông. Chia tay nhau khi rời trại tị nạn, đã tưởng thật khó gặp lại. Vậy mà chỉ mấy năm sau, một số đã tụ về Cali. Thêm các đợt vượt biên, thuyền nhân. Rồi Mai Thảo tới, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Lê Trọng Nguyễn tới. Phố Việt đông hơn, cửa tiệm Việt nhiều hơn. Bolsa trở thành con đường chính của thủ đô tị nạn.

Tôi nhớ hình ảnh Đỗ Ngọc Yến những năm đầu vất vả gầy dựng báo Người Việt, một mình làm đủ chuyện, kể cả việc lái chiếc xe truck cũ mầu trắng đi bỏ báo. Dần dà, báo Người Việt ra hàng ngày, có thêm Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Đình Điểu. Anh Mai Thảo ra lại tạp chí Văn. Dù bận rộn, Yến vẫn lái chiếc xe truck cũ chở anh Mai Thảo đi in báo, gửi báo. Mỗi lần bạn bè gặp nhau, từ căn gác nhỏ của anh Mai Thảo trên đường Bolsa, nhà anh Hoài Bắc ở Norwalk nhà anh chị Lê Trọng Nguyễn ở đường số 9, quán Doanh Doanh của Ái Cầm-Thái Tú Hạp trên đường Sunset, tới nhà Loan-Yến ở đường Spar. Khi vui cũng như lúc buồn, có anh Mai Thảo là có Yến.

Dù có một thời, mỗi năm, cứ đầu tháng Chín, thường có họp mặt ấm áp với bạn hữu. Năm tháng qua đi, họp mặt thưa dần. Mấy năm nay, Yến bị bệnh nặng, nghe nói mỗi tuần phải đi lọc máu hai ba lần, trong người phải mang máy trợ tim, vậy mà có lần vẫn yêu cầu “họp mặt tháng Chín đi.” Thế là có cảnh Loan-Yến “phụ phù phu” cùng nhau tới họp mặt tháng Chín tại căn nhà ở Newport Beach.

Tình thân quý với Yến, rồi với Loan, với các cháu của Loan-Yến mới đó, đã một góc thế kỷ.

Cái máy bên cạnh giường bệnh thình lình chớp đèn. Ba giờ lọc máu đã hoàn tất. Bà y tá người Mỹ đứng lên gỡ mũi kim và dây chuyền máu xong, Loan dùng cả hai tay bịt giữ nơi mũi kim vừa được rút khỏi tay Yến. Phải giữ, nếu không máu sẽ bung ra hết, Loan nói.

Lát sau, khi người y tá nói OK, Loan buông ra, hai tay Yến bắt đầu run. Thấy bạn run quá, tôi nắm chặt tay Yến hỏi anh lạnh? Tiếp tục run mà Yến vẫn cười, bào thì cũng như Từ nó sốt rét vậy thôi. Ăn thua gì với Phan Nhật Nam, anh ta mới ở đây, kể chuyện bị cùm giam 8 năm liền.

Tính Yến vẫn vậy. Thay vì phải trả lời về mình, anh nhắc tới người khác. Có lần bạn bè thăm hỏi bệnh tình của anh, Yến cười xòa “Đó là việc của mấy anh bác sĩ, việc của nhà thương. Họ biết cách lo. Kệ họ, hơi đâu. Mà này, ông có nhớ…” Vậy là chuyện được chuyển sang hướng khác.
Yến nói khỏi lo, nhưng vợ con anh thì biết lo cho anh tận tình.

Sáu năm nuôi bệnh, Loan có được 6 cuốn sổ đầy cộm, ghi chép từng giờ phút, từng viên thuốc, miếng ăn, thức uống, nhịp tim, tình trạng điều trị. Bác sĩ hỏi tới đâu có câu trả lời tời đó, chính xác từng chi tiết.

Các cháu của Loan-Yến cũng hết lòng thương bố. Bảo Anh, cô học trò từng theo bố lên tận căn nhà nhỏ ở Studio City thăm cô Chinh ngày nào, nay đã là nhà báo nổi tiếng, thay bố lo công việc tòa báo. Hỏi thăm cháu Châu Dao, cháu nay đã là một luật sư tài giỏi trong Bộ Ngoại Giao, ở Washington D.C., vừa xin được phép nghỉ hai tuần về nhà, đêm đêm vào nhà thương thay mẹ chăm sóc bố. Nửa khuya. Mình chỉ vừa cựa mình mở mắt nhìn là đã có bàn tay của con bé đưa tới ly nước, Yến kể.

Yến bao giờ cũng vậy. Cách nói, cách kể và cách sống của anh, khi khỏe mạnh cũng như khi đau ốm, luôn luôn làm ấm lòng người.

Đã hết giờ thăm. Nhã ồn ào dục Yến mau khỏe, Nguyễn Trung sắp về Cali, ba thằng tha hồ lang thang.

Tôi ôm bạn chào, lặng lẽ.

Bước ra, không quay lại, nhưng tôi biết đôi mắt không kính cận của Yến vẫn nhìn theo bạn hữu ra về.

Mấy hôm nay, trời mưa liên tiếp, giớ lạnh, giờ mùa đông, trời tối sớm, đêm dài hơn. Suốt đêm, biết bao chuyện để nhớ, để nghĩ.

Gặp nhau hay không gặp nhau, mỗi khi nghĩ tới Yến, tôi vẫn thầm cám ơn đời sống đã cho tôi một người bạn ân cần, tử tế.

Kiều Chinh
Tháng 11-2005

[disqus_shortcode_codeable]