Thursday, March 28, 2024

Tưởng nhớ nhạc sĩ Lê Hữu Mục.

Lê Hữu Mục, nhạc sĩ

Lê Văn Khoa

Một người thành công trong nhiều mặt rất khó khi người ta muốn đề cập đến cho đầy đủ. Vì vậy tôi chỉ dám nói đến một khía cạnh rất nhỏ của một lãnh vực riêng biệt, trong nhiều lãnh vực hoạt động của học giả, giáo sư, nhạc sĩ Lê Hữu Mục, là âm nhạc.

Người ta nói giáo sư Lê Hữu Mục và Lê Văn Khoa có họ hàng nhau. Họ thì có, cả hai cùng họ Lê, nhưng hàng thì không. Nhưng chúng tôi trở thành họ hàng nhờ một người khác họ. Giáo sư Lê Hữu Mục là chú họ của Phan Ngọc Hà, nhà tôi, vì vậy trở thành chú họ của tôi luôn.

Lần đầu tôi gặp giáo sư Lê Hữu Mục là tại Montreal, Canada. Hôm đó sau buổi thuyết trình của tôi về âm nhạc có chiếu video tại trường đại học Montréal, do Cộng Đồng Người Việt với bà chủ tịch Bác sĩ Lâm Thu Vân tổ chức, khi ra ngoài tôi gặp giáo sư Mục. Ông cười và nói: “Này nhé, hai chú cháu đều có bài nhạc trùng tên nhau.” Vì không biết nhiều về giáo sư từ trước, tôi hỏi lại: “Thưa chú bài trùng tên nhau là bài nào vậy?” Giáo sư Mục cười, giọng nhẹ nhàng nói: “Bài Hẹn Một Ngày Về chứ bài nào. Tuy nhiên nội dung khác nhau.” Tôi nhớ lại hồi còn trẻ, khi chơi với ban nhạc trên đài phát thanh Sài-gòn, chúng tôi có hát bài “Hẹn Một Ngày Về” của nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Không ngờ bây giờ tôi gặp chính tác giả và là người tôi gọi bằng chú.

Sự khác nhau giữa hai bài nhạc này là “Hẹn Một Ngày Về” của giáo sư Lê Hữu Mục, khi về Bắc nghỉ hè, hẹn sẽ trở lại Huế để dạy học tiếp. Còn “Hẹn Một Ngày Về” ** của Lê Văn Khoa là tâm tình của người vì biến cố Tháng Tư 1975 phải xa xứ, hẹn trở về quang phục quê hương. Thật ra giáo sư Mục có một bài Hẹn Một Ngày Về thứ hai, tên là Hẹn Một Ngày Về Vinh Quang với câu:
“Quê Hương ơi, em hãy chờ ta trở về…

Hẹn một ngày về Việt Nam, cùng sông núi, chúng ta về vinh quang.
Hẹn một ngày về Việt Nam cùng tổ quốc,chúng ta về hiên ngang…
Đất là đất của ta, Nước là nước của ta…”

Giáo sư Lê Hữu Mục có một quá trình hoạt động âm nhạc đáng kể, nhưng ít ai nhắc tới. Những người sinh hoạt hướng đạo chắc chắn có hát bài của nhạc sĩ Lê Hữu Mục nhưng họ có thể không biết tên và không biết mặt tác giả. Đó là một tệ trạng trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam. Người ta biết tên bài hát và tên ca sĩ nhưng ít ai biết tác giả của ca khúc ấy. Quý vị còn nhớ bài Con Sáo Đá, bản dịch của bài Alouette, những bài Con Voi, Chèo Đi Bơi Đi, Ta Cùng Đi, Trên Đường Xa, Lý Con Mèo và nhiều bài Lý khác, tức quý vị đã nghe, hoặc đã hát bài của nhạc sĩ Lê Hữu Mục.

Những ngày còn trai trẻ là những ngày giáo sư Mục say mê hoạt động âm nhạc, có lẽ chịu ảnh hưởng của người anh là nhạc trưởng Lê Như Khôi, chỉ huy trưởng quân nhạc Việt Nam. Ông có một người em là nhạc sĩ Lê Ngọc Linh.

Nhạc sĩ Lê Hữu Mục chơi giỏi kèn clarinette và saxophone nên được cử làm nhạc trưởng ban nhạc trong những sinh hoạt âm nhạc cuối thập niên 40. Sau ông được mời làm nhạc trưởng ban nhạc Bảo An Việt Nam. Chưa nhậm chức thì ông lại bị đề nghị xuống làm phó nhạc trưởng, để nhạc sĩ Vũ Thành làm nhạc trưởng. Ông từ chối lời mời và tự ý chấm dứt sinh hoạt âm nhạc năm 1951 để vào Huế dạy học.

Tiếng là nói chấm dứt sinh hoạt âm nhạc, nhưng cái nghiệp vẫn đeo đuổi ông. Những buổi hòa nhạc mà Lê Hữu Mục thủ dương cầm và Tôn Thất Niệm lãnh phần ca hát vẫn thu hút giới trẻ thời đó. Đến khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm về Việt Nam lập chính phủ, người quốc gia cần có quốc ca. Lúc đó bài Đăng Đàn Cung được giới thiệu với lời ca không hợp với nhạc lắm. Nhạc sĩ Lê Hữu Mục được đề nghị để viết lời cho bản quốc ca đầu tiên của Việt Nam. Đăng Đàn Cung trở thành “Tiếng Gọi Non Sông” với câu “Bên núi non hùng vĩ Việt Nam v.v…” được mọi người thời đó ưa thích. Ông cũng được Tổng Thống Diệm chỉ định ông vào quốc hội đầu tiên.

Vào giai đoạn căng thẳng của chiến cuộc Việt Pháp, ngày 14-7-1953 nhạc sĩ Lê Hữu Mục tổ chức nhạc hội tại Hà Nội với ban nhạc Hoàng Trọng.

Tôi đã đề cập đến những bài nhạc ngắn và nhỏ của nhạc sĩ Lê Hữu Mục, nhưng thật ra ông cũng có viết bài nhạc lớn: “Bảy Chặng Đường Thương Khó” của Chúa Jesus, dựa theo bài thơ của một thi sĩ lớn người Pháp. Đây là một loại Oratorio có đơn ca, hợp ca với phần đệm của piano và dàn nhạc. Rất tiếc tác phẩm này đang được chuẩn bị trình diễn thì vị linh mục phụ trách bị đổi đi nơi khác nên việc thực hiện bất thành và tác phẩm hiện không biết ở đâu.

Ở trên tôi có nhắc đến bài “Hẹn Một Ngày Về” và tôi xin phép in ra đây để làm tài liệu chung. Khi bài nhạc được phát thanh trên đài phát thanh Huế thì giáo sư Mục được điện thoại của nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế. Họ đề nghị xuất bản bài hát này. Điều kiện của giáo sư Mục rất dễ dàng: Một vé máy bay khứ hồi Huế-Hà Nội. Nhờ đó giáo sư đã “hẹn” và “trở về” Huế theo lời hẹn.

Với bài “Hẹn Một Ngày Về” này tôi có một nhận xét nho nhỏ và chỉ xin nói về điểm nhận xét này chứ không phê bình nhạc căn cứ nơi lời ca theo lối thông thường của các nhà phê bình nhạc. Tôi cũng không nói đến kỹ thuật sáng tác, nghệ thuật cấu tạo âm thanh, cũng không nói đến thể loại của bài ca v v . . . Vì nhận xét âm nhạc nên tôi có một thắc mắc. Tôi hỏi giáo sư Mục điểm này hôm đầu tháng Bảy năm nay (2007) tại California. Tôi rào đón: “Thưa chú, cháu có một thắc mắc mà chỉ có chú mới giải tỏa được. Cháu nghĩ có lẽ không ai để ý đến điểm này, nhưng cháu thấy rất lạ. Trong bài “Hẹn Một Ngày Về” của chú, chú đã dùng quá nhiều nốt láy để tô điểm câu nhạc. Phải chăng chú chịu ảnh hưởng của các linh mục Tây Ban Nha, hoặc họ cho chú nghe nhiều nhạc flamenco nên khi viết nhạc chú áp dụng lối láy của kỹ thuật “canto jondo”, một lối hát flamenco của vùng Bắc Tây Ban Nha?” (Đây là kỹ thuật dùng nốt huê dạng từ nốt nhạc chính láy nhanh lên hoặc láy xuống một hoặc hai nốt rồi trở lại liền. Ông dùng đến 18 lần trong một ca khúc ngắn.) Giáo sư Lê Hữu Mục mỉm cười thú vị, không phủ nhận cũng không xác nhận. Ông ôn tồn nói: “Khoa cứ viết điều đó ra đi.”

Những lần gặp nhau từ nhiều năm qua, trong câu chuyện trao đổi âm nhạc giữa giáo sư Lê Hữu Mục và tôi, chúng tôi có rất nhiều điểm đồng ý với nhau. Ông cũng dặn tôi ghi lời xác nhận này. Vì vậy tôi ghi ra đây theo lời dặn dò gần đây nhất của ông.

Composer Lê Văn Khoa

[disqus_shortcode_codeable]