Friday, March 29, 2024

Tưởng nhớ Ông Trần Tất Quýnh

 

Nhắc về kỷ niệm xưa, anh Châu, trưởng nam bùi ngùi nói về bố mình: Tôi rất nhớ ơn ông cụ, nhất là những ngày thơ ấu, anh em phá phách, hư đốn, cãi lời bố mẹ, lười biếng học… không bao giờ ông cụ nói nặng lời hay dùng roi vọt dạy con. Ông cụ cứ để tự nhiên như thế, không nói và rồi thì bao giờ các con cũng hiểu lỗi mình và biết phải làm gì. Đúng như ý bố, sau đó bao giờ chúng tôi cũng nghĩ lại và tự mình đến xin lỗi bố. Sau này lớn lên, nghĩ lại mới thấy bố thâm thúy và nhân từ. Phần mình, chúng tôi cũng lập lại cách dạy con như thế, phần để tri ân ông cụ, phần khác cũng mong các con cảm nhận giống như mình từng cảm nhận.

Anh Châu bùi ngùi kể lại cuộc đời chìm nổi của bố mình.

Xuất thân từ một gia đình có gia sản và có chức quyền, nên khi đất nước chia cắt, gia đình ông lo sợ nếu ở lại sẽ nhận những đòn thù. Cả gia đình ông di cư vào Nam năm 1954 bỏ hết nhà cửa cơ ngơi ở lại để mong thoát thân. Rồi không biết cơ duyên nào, ông trôi giạt về Mỹ Tho, nhờ chút ít vốn liếng kinh nghiệm học từ một người bà con xa, ông mở một rạp hát lấy tên Vĩnh Lợi. Có thể nói đó là một trong vài rạp hát xuất hiện đầu tiên ở đây. Là một người năng động, bươn chãi, ông không ngừng ở làm chủ rạp hát, ông mua một số xe vận tải để làm phương tiện giao hàng từ tỉnh này sang tỉnh khác, và cũng tham gia, hùn vốn với vài thương vụ khác. Cái hay ở ông là, khi thấy công việc làm này không có chiều tiến, là ông nhảy ngay sang một thương vụ khác. Bao giờ ông cũng ở thế “gối đầu” các thương vụ. Ông như con thoi giữa Mỹ Tho và Pleiku.

Đến tháng 3 năm 1975, khi vùng cao nguyên có chiến trận, lần thứ hai ông bỏ hết gia sản, nhà cửa theo đường Bảy Kép vượt Sông Ba về Sài Gòn. Với số vốn chắt chiu sau trận đánh tư sản, ông mở một tiệm kem lấy tên Mai Hương, cũng có thể nói đây là tiệm Ice Cream hiếm hoi hồi đó.

Sau những trận tay không ra đi cho ông một kinh nghiệm sống dưới chế độ CS, ông thấy có lẽ mình nên di dời lần nữa. Và khi đã nhen nhúm ý định đào thoát lần thứ ba trong đời. Ông chuẩn bị cho các con đi trước, các con ông lần lượt ra đi. Thật là may mắn,những chuyến vượt biển thành công, đã đưa những người con trai đến Úc, và những người con gái đến Mỹ. Khi các con đã yên phần, ông bà mới nghĩ đến mình.

Những mầm gieo bây giờ tốt tươi, các con ông ở Mỹ, ở Úc đều muốn bố mẹ về với mình. Họ đều là những người thành công ở xứ người đang mong đáp đền ơn sinh thành dưỡng dục của phụ mẫu.

Cuối cùng thì tất cả mọi thành viên trong đại gia đình đã quy về một mối. Mỹ là nơi dừng chân cuối cùng sau bao nhiêu lần mất mát, lìa xa, bỏ lại. Ông đã sống những ngày cuối bên con cháu, hạnh phúc, bình an, hài lòng. Ngay cả khi ông đã nằm xuống, con cháu cũng chu toàn những ước nguyện của ông, từ cách trang trí phòng quàn, đến cách dựng bia mộ, nhất nhất theo lời dặn của ông để lại. Những công sức, những khó nhọc để dựng xây một gia đình, nay ông được đền bù, toại nguyện.

Mong ông được thảnh thơi an nghỉ sau bao nhiêu năm đấu tranh cho cuộc sống gia đình.

Theo lời kể của gia đình

[disqus_shortcode_codeable]